Tàu hải quân Nga thăm Philippines, Manila ‘dứt tình’ với Mỹ?

Tàu hải quân Nga thăm Philippines, Manila ‘dứt tình’ với Mỹ?

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Chủ nhật, 08/01/2017 11:23

Chuyến thăm thiện chí của 2 tàu hải quân Nga tới Philippines là dấu hiệu cho thấy quan hệ Moscow-Manila dần ấm lên trong khi ông Duterte luôn bất mãn với Mỹ.

Nga – Philippines, mối quan hệ bắt đầu chớm nở

Quân sự - Tàu hải quân Nga thăm Philippines, Manila ‘dứt tình’ với Mỹ?

 Tàu Đô Đốc Tributs được đón tại cảng Manila, Philippines. 

Hôm 6/1, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tới thăm một trong số hai tàu hải quân Nga đang cập cảng Manila. Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Nga – Chuẩn Đô đốc Eduard Mikhailov và Đại sứ Nga Igor Khovaev đã tháp tùng ông Duterte và các thành viên nội các Philippines thăm tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Tributs.

Khi bắt tay Chuẩn Đô đốc Mikhailov, ông Duterte bày tỏ hi vọng Nga sẽ trở thành đồng minh và “người bảo vệ Manila”.

Trước đó, hôm 5/1, Tổng thống Philippines khẳng định ông rất hứng thú với ý tưởng tiến hành tập trận chung với Nga.

“Chuyến thăm thiện chí của hải quân Nga sẽ góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với hải quân Philippines, đó cũng là một dấu hiệu cho thấy sự hợp tác hàng hải của chúng tôi có thể được tăng cường hơn nữa thông qua ngoại giao hàng hải và sự thân thiết”, phát ngôn viên tổng thống Philippines Ernesto Abella nói.

Ngày 3/1, tàu khu trục chống ngầm Nga Đô đốc Tributs và tàu chở dầu Boris Butoma đã tới biển Philippines cho chuyến thăm 4 ngày. Chuẩn Đô đốc Mikhailov cho hay, chính phủ Nga và Philippines sẽ thảo luận về cuộc tập trận hải quân chung nhằm đối phó với mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và cướp biển.

“Chính phủ của chúng tôi sẽ sớm thảo luận về khả năng tổ chức tập trận hải quân chung. Khủng bố và cướp biển vẫn là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, và các cuộc tập trận là minh chứng cho thấy chúng tôi đã sẵn sàng đối phó”, ông Mikhailov nói.

Ông Mikhailov cũng đề cập tới khả năng Nga và Philippines sẽ đồng hành trong các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông cùng với các quốc gia khác trong khu vực.

Đây là lần thứ ba hải quân Nga tới thăm Philippines. Trước đó, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Philippines cũng đã tới thăm Moscow để đàm phán về những khả năng thúc đẩy quan hệ quân sự.

Hôm 4/1, Đại sứ Nga tại Philippines Igor Khovaev trong một cuộc họp báo khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với Philippines với mong muốn đa dạng hóa với các đối tác nước ngoài và sẵn sàng cung cấp những thiết bị quân sự tinh vi cho Manila.

“Đó không phải sự lựa chọn giữa những đối tác này và đối tác kia. Đa dạng hóa nghĩa là giữ gìn và duy trì các đối tác truyền thống cũ và tạo dựng những quan hệ mới. Vì vậy, Nga sẵn sàng trở thành một đối tác tin cậy và là người bạn thân của Philippines”, ông Igor Khovaev nói.

Theo ông Khovaev, Moscow sẵn sàng cung cấp vũ khí nhỏ và nhẹ cùng máy bay, trực thăng, tàu ngầm hay những vũ khí tinh vi khác mà không phải vũ khí cũ.

Theo chuyên gia nghiên cứu châu Á Prashanth Parameswaran viết trên tạp chí The Diplomat, nền tảng quan hệ Philippines – Nga vẫn tương đối “sơ khai”, đó là cơ sở giúp hai nước có thể tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực.

“Các tàu chiến Nga tới thăm Philippines là dấu hiệu của khả năng hợp tác quốc phòng giữa hai nước, dù ở mức độ sơ khai. Bản thân những cam kết trong chuyến thăm đã là tiêu chuẩn: Theo hải quân Philippines, hai bên đã cùng tới các địa điểm lịch sử, tham dự các buổi lễ, tổ chức tham quan tàu chiến và theo dõi khả năng tác chiến của tàu, tương tác giữa các binh sĩ với nhau và tương tác với người dân”, chuyên gia Parameswaran viết.

Xem thêm: Tình báo Mỹ: Chính ông Putin chỉ đạo tấn công mạng giúp ông Trump

Philippines ‘dứt tình’ Mỹ?

Chuyến thăm của tàu chiến Nga đánh dấu những bước xoay chiều rõ ràng trong quan hệ của Philippines với Washington sang Moscow. Ngoài ra, chuyến thăm cũng là lần đầu tiên hai nước liên lạc quân sự chính thức. Tháng 4 tới, ông Duterte dự kiến tới thăm Moscow.

Quân sự - Tàu hải quân Nga thăm Philippines, Manila ‘dứt tình’ với Mỹ? (Hình 2).

 Quan hệ Mỹ - Philippines ngày càng lạnh nhạt. 

Trước đó, Tổng thống Philippines từng nhiều lần khẳng định Manila sẵn sàng tập trận chung với Moscow nhằm tăng cường hợp tác hàng hải. Trong khi đó, ông lại luôn đưa ra những lời chỉ trích với Mỹ kể từ khi nhậm chức vào tháng 6/2016. Những phát ngôn của ông Duterte đã cho thấy sự rạn nứt trong mối quan hệ chặt chẽ đã được thiết lập từ năm 1951 thông qua hiệp ước phòng thủ chung.

Tuần trước, ông Duterte được cho là đã yêu cầu bộ trưởng quốc phòng di chuyển vị trí tập trận chung với hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển đang tranh chấp tại Biển Đông.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines ngày càng lạnh nhạt hơn bất chấp những nỗ lực “xoay trục sang châu Á” của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama và việc Washington tăng cường liên minh với các nước châu Á, duy trì phạm vi ảnh hưởng khi đối mặt với Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ.

Hồi tháng 10/2016, ông Duterte dẫn đầu một đoàn đại biểu tới Bắc Kinh ký hợp đồng trị giá 13,5 tỷ USD và công bố Philippines “tách ra khỏi Mỹ”.

“Cả về quân sự và kinh tế, Mỹ đã mất hết”, ông Duterte nói trong một diễn đàn với các đại biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

“Có lẽ tôi cũng sẽ đến Nga để nói chuyện với ông Putin và khẳng định trục Trung Quốc – Philippines và Nga sẽ chống đỡ thế giới. Đó là cách duy nhất” Tổng thống Philippines nhấn mạnh.

Chuyên gia Parameswaran lưu ý rằng một trong những điều khiến Manila thất vọng về Washington chính là sự bất lực của Mỹ trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Mỹ khuyến khích Manila kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye. Manila đã thắng kiện nhưng Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố không công nhận phán quyết và tiếp tục ngang ngược khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trước tình hình đó, Washington không đưa ra những động thái dứt khoát và quyết liệt để bảo vệ Manila, khiến “người anh em châu Á” này thất vọng.

“Mỹ không làm gì. Và bây giờ mọi việc đã xong, họ lại muốn tuần tra ở khu vực”, ông Duterte thất vọng về Mỹ.

Thậm chí, nhà lãnh đạo Philippines còn nhiều lần xúc phạm Tổng thống Obama và đại sứ cùng các nhà ngoại giao Mỹ tại Philippines. Tất cả những điều trên khiến hình ảnh của Mỹ ngày càng trở nên mờ nhạt trong mắt Philippines và khiến quan hệ đồng minh vốn sâu sắc giữa hai nước ngày càng tách rời.

Xem thêm: Bà Merkel không hi vọng về quan hệ tốt đẹp với ông Trump?

Danh Tuyên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.