Nhiều người hiện nay có suy nghĩ “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, tức là cha mẹ đã thiệt thòi, thì cố “nhồi nhét” cho con cái nhưng thứ mình thiếu, như ngoại ngữ. Năm học tới, chị Ngọc và anh Tú (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định cho bé Bi (5 tuổi) vào học trường quốc tế. Vì muốn con mình không thua kém các bạn, nên anh chị quyết tâm cho bé Bi cho học tiếng Anh tại Hội đồng Anh ở phố Thụy Khuê.
Thầy giáo nước ngoài đang hướng dẫn trẻ học ngoại ngữ
Ngày đầu tiên đến lớp vừa nhìn thấy thầy giáo, bé Bi đã khóc thét lên bởi thầy râu dài và to béo. Cu cậu lao ra ôm chặt lấy mẹ đang đứng ngoài cửa sổ vì sợ. Đêm hôm đó về nhà, đang ngủ, bé bỗng giật mình và nói trong mơ với mẹ: “Mẹ ơi, con sợ ông Tây râu dài lắm...”. Những ngày sau, cứ đến giờ đi học tiếng Anh, là bé Bi tìm mọi cách để trốn, nhìn thấy sách là sợ.
Ở khu E8, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội nhiều người vẫn truyền tai nhau câu chuyện về gia đình chị Linh. Vì muốn con học giỏi ngoại ngữ ngay từ nhỏ nên chị đã thuê giáo viên về dạy tiếng Anh cho con. Sau một thời gian thì con chị bị “tẩu hỏa nhập ma” do học quá nhiều, gia đình phải đưa bé đến bệnh viện để điều trị.
Câu chuyện học ngoại ngữ của bé Hùng, con chị Bích còn có phần éo le hơn. Trở về Việt Nam khi hết thời hạn công tác của bố mẹ ở Anh, bé Hùng cũng đến tuổi đi học. Chị Bích chọn cho bé một ngôi trường quốc tế. Ở trường, bé học cùng các bạn đến từ các quốc gia khác nhau, giao tiếp bằng tiếng Anh và hòa nhập rất tốt. Nhưng về nhà, bé Hùng không thể giao tiếp được với ông bà nội vì vốn tiếng Việt ít. Chị Bích phải cấp tốc thuê gia sư dạy tiếng Việt cho cậu quý tử khi nghe cậu đối đáp với bà nội: “Xin lỗi, bà nói gì tôi không hiểu, tiếng Việt của tôi không được tốt”.
Tại Hội đồng Anh, có đến 90% là giáo viên nước ngoài, việc tiếp xúc với thầy cô và văn hóa nước ngoài sẽ làm cho trẻ dễ tiếp thu ngoại ngữ nhanh hơn. Tuy nhiên với các bé còn nhỏ quá, thì quá trình tiếp thu không đạt được kết quả cao. Lớp học hè tại đây được mở từ cuối tháng 5, các bé 4, 5 tuổi cũng được học chung với những học sinh lớp 5, 6 bởi các em được dạy cùng một giáo trình. Các bé còn nhỏ, nên các thầy cô giáo nước ngoài gặp nhiều bất tiện. như các cháu thường xuyên khóc nhè và tranh giành đồ của nhau. Nhiều bé đi học tiếng Anh lúc chưa biết tiếng Việt nên khi học tiếng Anh thì lại đọc chữ cái theo phiên âm tiếng Việt. Cả tiếng Anh tiếng Việt lộn xộn làm các bé rối trí không biết học như thế nào.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nên cho trẻ học ngoại ngữ khi trẻ đã cơ bản biết đọc, viết tiếng Việt. Các em đã biết cách phát âm, hình thành tư duy về ngôn ngữ. Ở lứa tuổi 7-8 tuổi, cho các cháu học là hợp lý nhất. Còn các nhà xã hội học cho rằng, áp lực tâm lý của phụ huynh đang làm khổ các em. Trẻ 3-5 tuổi còn yếu, bộ não chỉ tiếp thu kiến thức nhất định, như tô màu, nghe kể chuyện... nên nếu bị ép viết, làm toán, hay học ngoại ngữ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc xương tay, hệ thần kinh, hạn chế khả năng giao tiếp làm trẻ phát triển không toàn diện.
Không thể “chín ép” Trao đổi với phóng viên Người đưa tin, TS. Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Tâm lý người Việt luôn muốn mình hơn người. Ai cũng muốn cho con mình được hưởng những gì tốt nhất: Học trường tốt, giáo viên cũng phải giỏi nhất. Tâm lý này không có gì xấu, nhưng vô hình trung các bậc phụ huynh bị cuốn theo mạch ganh đua. Thêm vào đó, hầu hết phụ huynh lại nghĩ con mình là “siêu nhân”, muốn đem đến cho con những gì tốt đẹp nhất, như ép các cháu học ngoại ngữ quá sớm. Đó là điều không nên, chúng ta cần để các cháu phát triển tự nhiên và từ từ. Không phải cái gì ép “chín” cũng được”. |
Lạc Thành