Tàu lặn không người lái UUV của Mỹ bị Trung Quốc thu giữ là gì?

Tàu lặn không người lái UUV của Mỹ bị Trung Quốc thu giữ là gì?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Chủ nhật, 18/12/2016 12:47

Trong những năm gần đây các thiết bị UUV được nhắc đến không chỉ là một thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học mà còn áp dụng cho mục đích quân sự.

Tàu lặn không người lái - Unmanned underwater vehicle ( UUV ) là thiết bị do thám dưới biển không cần người điều khiển ở bên trong do có kích thước khá nhỏ. Các UUV thường có được chia làm hai loại, một loại được điều khiển bằng các tín hiệu từ xa (ROV) và một loại có khả năng vận hành độc lập (AUV - Thiết bị di chuyển tự hành dưới mặt nước).

Tiêu điểm - Tàu lặn không người lái UUV của Mỹ bị Trung Quốc thu giữ là gì?

Tàu lặn không người lái UUV của Hải quân Mỹ.

AUV bắt nguồn từ hình mẫu của thiết bị xe đẩy dưới nước hỗ trợ cho các thợ lặn từ năm 1960. Các AUV có khả năng đo nhiệt độ, độ dẫn điện (để tính toán độ mặn), dòng chảy, độ sâu đáy, tán xạ ánh sáng v.v... Nó di chuyển với sự hỗ trợ của thiết bị định vị GPS, cảm biến áp suất, cảm biến độ nghiêng và la bàn từ tính. Tùy vào từng kiểu loại và mục đích sử dụng, các AUV có thể chịu được áp suất với độ sâu từ 200 đến 6000m.

Chiếc tàu lặn không người lái mà hải quân Trung Quốc thu giữ của tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch là loại AUV có hình dáng như một chiếc ngư lôi nhỏ và hoạt động bằng cách lướt nhẹ dưới mặt nước.

Phía Mỹ cho biết về cơ bản các AUV trên tàu khảo sát hải dương học USNS Bowditch được giao nhiệm vụ "hỗ trợ nghiên cứu hải dương học trên toàn thế giới, bao gồm việc thu thập thông tin dưới đáy đại dương, phục vụ cho các nghiên cứu về sinh học, vật lý và địa lý".

Mặc dù vậy các thiết bị này có thể được sử dụng cho cả mục đích khoa học lẫn quân sự. Do đó phía Trung Quốc tin rằng con tàu của Mỹ và thiết bị nói trên chuyên thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo cho Hải quân Mỹ.

UUV đang ngày một phổ biến hơn trên thế giới và được ứng dụng trong nhiều mục đích khác nhau. Một loạt các thiết bị tự hành dưới nước đang được sử dụng bởi các Hải quân và tổ chức nghiên cứu đại dương của Mỹ. Giá thành của chúng thường rơi vào khoảng 100.000 USD.

Hải quân Mỹ muốn chế tạo các thiết bị không người lái với mục đích ban đầu là tìm kiếm và phá hủy các loại thủy lôi dưới mặt nước trong các cuộc chiến trên đại dương. Các UUV có khả năng dò phá mìn với phạm vi một dặm vuông chỉ trong vòng 16 giờ đồng hồ, thay vì mất 21 ngày đối với khả năng của một thợ lặn chuyên dụng.

Các mẫu UUV bắt đầu được ra mắt vào năm 2008 và được trang bị thêm khả năng cảm biến nhận biết tàu lạ của đối phương. Tuy nhiên nhược điểm của các thiết bị điều khiển từ xa là dễ bị nhiễu sóng bởi nhiều yếu tố tác động dưới môi trường nước. Ngoài ra nguồn năng lượng hạn hẹp trên các UUV cũng không cho phép chúng có thể hoạt động dài ngày.

Ngoài ra các UUV là những thiết bị hiệu quả trong tìm kiếm các máy bay mất tích do rơi xuống biển. Một trong những loại UUV tân tiến nhất do hãng Phoenix chế tạo đã được đưa tới vùng biển Perth thuộc Australia để tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370. AUV cũng được dùng để tìm kiếm tàu chiến HMS Ark Royal của Đức Quốc xã bị đánh chìm trong Thế chiến thứ II. Những UUV chuyên dụng này có trang bị thêm khả năng chụp hình lại hiện trường.

Các cường quốc chạy đua phát triển UUV

Tiêu điểm - Tàu lặn không người lái UUV của Mỹ bị Trung Quốc thu giữ là gì? (Hình 2).

Một trong những chiếc UUV được sử dụng để tìm máy bay MH370 mất tích.

Hải quân Mỹ hiện có 12 tàu tình báo thuộc 4 lớp. Chiếc USNS Bowditch là lớp tàu khảo sát đại dương Pathfinder hoạt động ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc chương trình Tàu sứ mạng đặc biệt (SMS) dùng để thu thập tin tức tình báo về khu vực Biển Đông. Với trang bị các UUV trên tàu, USNS Bowditch được truyền thông Trung Quốc mô tả như là một "cỗ máy tình báo trên biển".

Với công nghệ tân tiến như hiện nay, các UUV có thể được dùng vào mục đích săn ngầm với việc phát động các cuộc tấn công đánh chặn nhằm vào các tàu ngầm của bất cứ lực lượng nào muốn tạo xung đột ở Biển Đông. Đây được coi là mục đích quan trọng của UUV trong bối cảnh hiện tại.

Điều này đã làm nảy sinh mối quan tâm đặc biệt đối với các loại UUV trong khu vực. Trung Quốc đang cân nhắc việc sử dụng UUV để săn ngầm, trong khi Singapore và Australia cũng không giấu diếm ý định đưa các thiết bị này vào hoạt động trong tương lai.

Trung Quốc là một trong những nước rất quan tâm đến việc phát triển công nghệ tàu lặn không người lái. Hồi tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc cũng đã lần đầu thử nghiệm thiết bị AUV của mình ở Biển Đông.

Thiết bị này do Cơ quan nghiên cứu tự động hóa Thẩm Dương, thuộc Viện Khoa học Trung Quốc nghiên cứu chế tạo. Với khả năng lặn sâu tới 4.500 m, thiết bị của Trung Quốc được dùng để thực hiện các nhiệm vụ khảo sát tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu khí tại các vùng biển có trữ lượng dầu khí dồi dào, trong đó có Biển Đông.

Tuy nhiên Trung Quốc cũng bị phía Mỹ cáo buộc đã đánh cắp công nghệ chế tạo UUV khi hồi tháng 4 năm nay, công tố viên Liên bang Mỹ đã cáo buộc công dân Trung Quốc sống tại Mỹ Amin Yu, 63 tuổi, ở Orlando, Florida đã bán lại thông tin mật về thiết kế, vận hành các loại tàu lặn không người lái cho phía Trung Quốc.

Trong giai đoạn từ 2002 đến 2014, bà Yu đã tuồn thông tin về cho Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân - nơi được chính phủ Trung Quốc giao cho nghiên cứu loại thiết bị mới này.

Không chỉ Mỹ và Trung Quốc quan tâm đến việc phát triển các tàu lặn không người lái, trong một báo cáo gần đây của Mỹ đã tiết lộ Nga cũng đang bí mật phát triển loại tàu ngầm không người lái của riêng mình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Chiếc UUV này nằm trong chương trình phát triển vũ khí mới của Nga có tên gọi “Kanyon”. Theo đó, vũ khí mới này được thiết kế để tấn công các căn cứ tàu ngầm cũng như các cảng ven biển của Mỹ.

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.