Chính tờ Nhân dân Nhật báo ngày 30/11 khẳng định rằng việc tàu Liêu Ninh được điều động lần đầu tiên xuống Biển Đông trong thời gian dài như vậy đang thể hiện Bắc Kinh muốn tăng cường sức mạnh chiến đấu của Hải quân tại khu vực. Trong khi đó, thuyền trưởng Trương Trang của tàu Liêu Ninh tuyên bố đợt “huấn luyện quân sự” lần này sẽ mở đường cho hàng loạt các nhiệm vụ khác trong tương lai. Theo khẳng định của Giám đốc Ban chuyên gia thông tin thuộc Hải quân Trung Quốc - ông Doãn Trác - thời gian Liêu Ninh lưu lại Biển Đông có thể kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng.
Việc chọn Tam Á thuộc đảo Hải Nam là nơi neo đậu tàu Liêu Ninh từ ngày 29/11 được nhận định có thể gây nên biến động mới cho vùng Biển Đông đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột này. Chuyên gia phân tích Richard D. Fisher Junior trên tờ tạp chí quốc phòng Jane's Intelligence Review (Anh) từng bình luận rằng: việc xây dựng và nâng cấp căn cứ Tam Á chính là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền tự phát của mình lên Biển Đông.
Nơi đây chính là điểm cực nam của Trung Quốc và gần với Biển Đông hơn cả, khi chỉ cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 425km và cách quần đảo Trường Sa khoảng 1.101km. Như vậy, với vận tốc 59km/h, tàu Liêu Ninh có thể di chuyển tới 2 khu vực này trong lần lượt 7 giờ và 18 giờ. Trong khi chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có thể hoạt động liên tục trên biển trong 45 ngày. Đáng lưu ý hơn, truyền thông Trung Quốc những ngày qua không phủ nhận việc J-15 - tầm hoạt động 500km - có thể thử nghiệm tác chiến ngay trên tàu Liêu Ninh trong đợt huấn luyện này.
Vị trí của căn cứ Tam Á với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: Google Map
Sự xuất hiện của Liêu Ninh và có thể là J-15 diễn ra đúng vào lúc quốc tế quan ngại về việc Trung Quốc có thể áp đặt một vùng nhận dạng phòng không lên các vùng biển chiến lược cận kề, hay nói cách khác là kiểm soát trái phép không phận trên khu vực, sau khi đã thực hiện điều này ở Hoa Đông. Nguy cơ đó càng trở nên rõ ràng hơn khi chính người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố Bắc Kinh sẽ thiết lập một ADIZ khác khi thích hợp. Ngay sau buổi họp báo của ông Dương, thiếu tướng Doãn Trác phát biểu trên CCTV rằng: “Trung Quốc cũng sẽ thiết lập ADIZ tại khu vực Biển Đông và Hoàng Hải”.
Qua đó có thể thấy, những bước di chuyển khó lường của Trung Quốc cả trên biển lẫn trên không tại Biển Đông đang “xâm phạm nghiêm trọng tuyên bố DOC và gây bất ổn khu vực”, theo cáo buộc của phía Philippines. Khi Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) - điều được kỳ vọng có thể kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc - vẫn còn đang trong giai đoạn đàm phán thì sự ổn định Biển Đông càng trở nên mong manh.
Bên cạnh đó, đây còn có thể là cách Trung Quốc vươn ra Thái Bình Dương khi chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai vẫn đang bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ. Bởi theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ngay từ khi Tam Á được hoàn tất, chiến lược hướng Nam của Trung Quốc đã trở nên thuận lợi hơn nhiều khi có thể giúp PLA vươn sâu xuống Biển Đông, đồng thời rộng cửa vào Thái Bình Dương. Dưới sự yểm trợ của Hải Nam, Bắc Kinh sẽ có thể tung nhiều hơn các phương tiện chiến đấu tới các chiến trường xa. Đây sẽ là một mối đe dọa tiềm tàng cho mọi quốc gia trong khu vực, Giáo sư Carl Thayer bình luận.
Chí Đăng (
Sống mới)