Hãng tin Interfax-AVN dẫn một nguồn tin từ ngành công nghiệp đóng tàu Nga cho biết Trung tâm Công nghệ giọng nói Saint Peterburg đã chế tạo một thiết bị đặc biệt có chức năng thu lại mọi hoạt động liên lạc của thủy thủ được thực hiện qua hệ thống liên lạc nội bộ.
Điều đặc biệt là thiết bị này được trang bị trên các tàu ngầm diesel-điện thuộc đề án 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) mà Việt Nam đặt mua của Nga.
"Trung tâm đã cung cấp cho khách hàng nước ngoài thiết bị ghi âm kĩ thuật số dành cho các hệ thống liên lạc trên tàu ngầm, tàu mặt nước và các trạm liên lạc trên bờ" - nguồn tin cho biết.
Các tàu ngầm Kilo Việt Nam sẽ được trang bị thiết bị thu âm đặc biệt, giúp thu lại mọi hoạt động liên lạc của thủy thủ trong tàu.
Thiết bị này có tác dụng như một "hộp đen", đóng vai trò rất quan trọng trong trường hợp con tàu gặp sự cố. Cũng theo nguồn tin trên, thiết bị như vậy đã không được trang bị trên chiếc tàu ngầm INS Sindhurakshak (một tàu ngầm lớp Kilo) bị nổ của Hải quân Ấn Độ vào ngày 14/8/2013 ở Mumbai, khiến 18 thủy thủ thiệt mạng. Các nỗ lực tìm kiếm và điều tra nguyên nhân vụ nổ khi đó trở nên rất khó khăn do không có một thiết bị nào giúp xác định các hoạt động liên lạc đã diễn ra trên tàu.
Trước đó, bà Yulia Khitrova, Giám đốc thương mại của Trung tâm Công nghệ giọng nói Saint Peterburg, cho biết sau tai nạn tàu ngầm Kursk của Hải quân Nga vào năm 2000, trung tâm đã phát triển 3 dòng sản phẩm thu âm để trang bị trên tàu ngầm.
Tàu INS Sindhurakshak nằm trong số 10 tàu ngầm Kilo mà Hải quân Ấn Độ mua từ Liên Xô năm 1985 nên không được trang bị thiết bị thu âm nào.
Tàu ngầm HQ-183 TP. Hồ Chí Minh sẽ được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam vào đầu năm 2014.
Hợp đồng cung cấp cho Việt Nam 6 tàu ngầm Kilo 636 được ký kết vào năm 2009 trong chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bên cạnh việc đóng tàu, hợp đồng cũng bao gồm việc huấn luyện thuỷ thủ đoàn, xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp các thiết bị cần thiết. Chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên mang tên Hà Nội đã được ký bàn giao vào ngày 7/11 và hiện đang trên đường về Cam Ranh.
Thêm vào đó, một nguồn tin trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết chiếc tàu ngầm thứ hai (HQ-183 TP. Hồ Chí Minh) sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào đầu năm 2014. Trong khi đó, chiếc thứ ba (HQ-184 Hải Phòng) cũng sẽ được bàn giao cho Việt Nam trong năm tới.
Tàu ngầm Dự án 636 này thuộc thế hệ thứ 3, lượng choán nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ, có thể lặn sâu 300 m với thủy thủ đoàn 52 người. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm, thủy lôi và tổ hợp tên lửa tấn công Klub. Tàu ngầm loại này có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách xa gấp từ 3-4 lần khoảng cách tàu bị đối phương phát hiện. Khả năng tàng hình của tàu khiến các chuyên gia NATO gọi nó là “hố đen”. |
Theo Tri thức