Ngày 4/5, theo nguồn tin từ Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đơn vị này đang phối hợp Bộ đội Biên phòng Bình Định, bộ Tư lệnh Vùng II Cảnh sát biển thu thập dấu vết liên quan, xác định vị trí, hiện trường vụ tai nạn tàu nước ngoài đâm tàu cá.
Trước đó, khuya 2/5, tàu chở dầu Mariana (quốc tịch Micronesia - một quốc đảo ở Thái Bình Dương) đã bàn giao 13 ngư dân bị nạn và thi thể ngư dân Nguyễn Đức Xuân Cảnh cho lực lượng chức năng tỉnh Bình Định.
Khi thuyền viên cuối cùng của con tàu định mệnh BĐ 93241 bước chân xuống cầu cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), thuyền trưởng Ngô Trương Trung (46 tuổi, trú ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) và 13 bạn thuyền mới thực sự tin rằng mình còn sống, nhưng trên khuôn mặt, ánh mắt của họ đều lộ vẻ bàng hoàng.
Ông Trung, chủ tàu cá BĐ 93241, người thuyền trưởng có thâm niên hơn 20 năm lăn lộn nơi đầu sóng ngọn gió, hiểm nguy đối mặt nhiều không kể xiết nhưng nhớ lại những phút giây đối diện với tử thần đêm 1/5 vẫn không khỏi cảm thấy hãi hùng.
Ông Trung kể: “Trưa ngày 1/5, tàu cá BĐ 93241 TS gồm 15 thuyền viên neo đậu tại vị trí có tọa độ 14 độ 00’N, 109 độ 32’E cách TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) khoảng 23 hải lý về phía Đông để nghỉ ngơi thì bất ngờ nghe thấy một tiếng ầm. Sau đó, con tàu chao đảo, lật úp rồi chìm dần xuống đáy biển. Tôi và 14 anh em thuyền viên có mặt trên tàu đều bị hất tung xuống biển, có người còn bị mắc kẹt trong thân tàu.
Sau ít giây hoảng loạn, anh em liền nhịn lấy hơi tìm cách thoát khỏi con tàu đang chìm dần, ngoi lên mặt biển. Thân thể nhiều anh em đã bị thương nhưng mọi người vẫn cố gắng bám víu lấy bất cứ thứ gì trên mặt biển để duy trì hy vọng sống sót mong manh, chờ lực lượng cứu hộ đến ứng cứu... Con tàu trị giá 6 tỷ đồng bị đâm vỡ nát, chìm hẳn dưới đáy biển nhưng đau lòng nhất là anh Nguyễn Đức Xuân Cảnh (49 tuổi, trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát), người bạn chài gắn bó nhiều năm với anh em chúng tôi đã phải bỏ mạng sau vụ tai nạn kinh hoàng này”.
Trao đổi với PV, ngư dân Lê Đình Tố (26 tuổi, trú xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cho biết: “Sau khi đánh bắt gần như trắng đêm thì ai nấy đều mệt nhoài nên chỉ vừa đặt lưng xuống là chúng tôi ngủ say như chết. Bỗng nghe tiếng động mạnh, sau đó tàu lắc lư, rồi lật úp. Toàn bộ anh em bị chấn động mạnh, hầu như không ai kịp nhảy xuống biển thoát thân. Tôi lúc này đang bị kẹt trong cabin, tàu thì chìm dần. Tôi cứ nhằm hướng có ánh sáng mà nín thở, cố gắng bơi, lát sau mới ngoi được lên khỏi mặt nước.
Anh em bơi lóp ngóp trên mặt biển nhìn nhau nhưng nhìn quanh vẫn không thấy anh Cảnh đâu. Nhiều người cố gắng bơi ngược trở lại tìm kiếm, hy vọng có thể tìm cứu được anh ấy nhưng tìm đỏ cả mắt vẫn không thấy. Lúc này, tàu đã chìm hẳn, anh em hoảng loạn kêu gào... nhưng phải mất một lúc sau chiếc tàu gây tai nạn mới quay trở lại ứng cứu, vớt chúng tôi lên tàu”.
“Từ lúc nghe tiếng va chạm cực mạnh đến khi tàu chìm hẳn, chúng tôi chới với, vật lộn với sóng biển đến kiệt sức. Chiếc tàu nước ngoài gây tai nạn có vẻ như sẽ tiếp tục hành trình, bỏ mặc ngư dân chúng tôi. Giữa biển khơi mênh mông, ai cũng nghĩ rằng phen này 100% bỏ mạng giữa biển khơi. Nhưng điều không ai dám nghĩ tới là sau một hồi chúng tôi kêu gào, tưởng như đang dần kiệt sức vì chống chọi với sóng dữ, rốt cuộc con tàu gây tai nạn đã quay trở lại, trục vớt những người bị nạn”, ngư dân Hoàng Văn Kiên (27 tuổi, quê tỉnh Hà Tĩnh) nhớ lại.
“Chỉ đến khi ngồi trên boong tàu, chúng tôi mới thực sự tin rằng mình còn sống. Ngoài được chăm sóc y tế, băng bó vết thương, các thủy thủ trên tàu cũng hỗ trợ chúng tôi tìm kiếm thi thể anh Cảnh. Anh Sang bị thương nặng được tàu cá BĐ 93029 TS đang đánh bắt gần đó hỗ trợ đưa về đất liền cấp cứu. Lúc này, chúng tôi mới biết con tàu gây tai nạn là tàu chở dầu. Nhưng khi trên tàu chỉ nghe họ nói toàn tiếng nước ngoài, họ đưa chúng tôi một biên bản yêu cầu để ký vào nhưng do không biết chữ nước ngoài nên chúng tôi không ký”, thuyền trưởng Trung cho hay.
Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trang Chi