Trong vài tháng gần đây, tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc mang tên Liêu Ninh đã bắt đầu có những hoạt động đầu tiên của mình trên biển thông qua các bài diễn tập quân sự của lực lượng Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN).
Trong bài viết của mình, một chuyên gia phân tích của tờ Thời báo Hoàn cầu khẳng định Bắc Kinh vẫn kiên định mục tiêu mà giới quân sự nước này tuyên bố trong nhiều năm qua: Trung Quốc muốn tàu sân bay của mình có được sức mạnh vượt trội để đạt được những ưu thế chiến lược lớn hơn so với Mỹ.
Bài viết được đăng tải hôm 25/12 cũng buông lời cảnh báo gửi tới Mỹ về những gì mà Trung Quốc có thể hành động tiếp theo.
"Hạm đội sẽ có mặt ở Đông Thái Bình Dương dù sớm hay muộn. Khi hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực ngoài khơi của Mỹ, những tranh cãi dữ dội về quy tắc hàng hải sẽ lại nổ ra".
Bình luận viên Dave Majumdar của National Interest cho rằng hải trình xa xôi của hạm đội tàu sân bay Trung Quốc không nhằm vào khiêu khích Mỹ cũng như không tái định hình cấu trúc chiến lược hàng hải. Nhưng nếu các hạm đội này tiến vào khu vực mà Mỹ có lợi ích cốt lõi, không tránh khỏi việc Mỹ sẽ có phản ứng của riêng mình.
Nhiều năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, các nhóm tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ đã trở thành lực lượng chi phối khắp các đại dương. Ngay cả Liên Xô cũng chưa bao giờ có ý định thách thức các vùng biển đang có sự hiện diện của lựa lượng này. Nhưng đến hiện tại ngày càng có nhiều lo ngại rằng Trung Quốc đang có ý định "vuốt râu hùm".
Trước đó Liên Xô chủ yếu tập trung vào chiến lược "xua đuổi trên biển" bằng cách sử dụng sự kết hợp giữa máy bay ném bom, tàu ngầm và hải quân trang bị tên lửa chống tàu tầm xa. Về cơ bản Bắc Kinh cũng muốn tập trung vào phát triển một chiến lược có phương pháp tương tự.
Cũng giống như Liên Xô vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc dường như có ý định phát triển một hạm đội biển có thể một ngày nào đó thách thức sức mạnh của Hải quân Mỹ trên các đại dương.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc vốn được tân trang lại từ tàu Varyag thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Liên Xô trước kia. Chưa bàn đến hiệu năng, tàu sân bay Liêu Ninh được coi là nền tảng để PLAN bắt đầu phát triển những kỹ năng cần thiết để vận hành một tàu sân bay trên biển. Đây là kỹ năng mà mất nhiều thập kỷ Hải quân Mỹ mới có thể thành thạo.
Với ưu thế quan trọng nhất đối với mỗi tàu sân bay là khả năng tác chiến trên không, Trung Quốc bắt tay vào sao chép mẫu tiêm kích hiện đại Su-33 của không quân Nga để phát triển mẫu máy bay của riêng mình với tên gọi J-15.
Hiện tại trên Liêu Ninh đang biên chế 24 máy bay chiến đấu J-15, 6 trực thăng tác chiến chống tàu ngầm Z-18F, 4 máy bay trực thăng cảnh báo sớm trên không Z-18J và một cặp trực thăng cứu hộ Z-9C.
Ngoài ra Trung Quốc đang phát triển một loạt các máy bay hỗ trợ khác được cho là để phục vụ cho các tàu sân bay trong tương lai.
Bắc Kinh không giấu niềm tự hào về tiềm năng của tàu sân bay Liêu Ninh khi mô tả đây sẽ là sức mạnh trong tương lai của Hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên Lầu Năm Góc trong báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2015 lại đánh giá thấp vũ khí này khi nói rằng khả năng hoạt động trên không cũng như cấu hình hiện tại của nó là không đủ cho các kế hoạch hành động ngoài khơi xa, thậm chí là không thể hoạt động một cách trơn tru mọi tính năng.
"Tàu sân bay này quá nhỏ và chỉ phù hợp cho việc cung cấp khả năng phòng thủ và bao quát trên không cho các hạm đội xa bờ. Liêu Ninh không có khả năng khai triển sức mạnh tầm xa giống như các tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ", báo cáo nêu rõ.
Mặc dù J-15 là một máy bay có khả năng cơ động tốt hơn so với F-18 Super Hornet của Hải quân Mỹ, nhưng việc Liêu Ninh không dùng ống phóng như các tàu sân bay hiện đại khác mà lại sử dụng dạng "bệ phóng kiểu trượt tuyết" khi cất cánh đã gây trở ngại về tải trọng và phạm vi hoạt động của chiến đấu cơ này.
Mặt sàn và cách bố trí có giới hạn khiến J-15 cần phải chạy khoảng một nửa chiều dài tàu chiến mới có thể chuẩn bị đủ cho việc cất cánh. Điều này sẽ làm cho việc cất cánh và hạ cánh đồng thời sẽ không thể thực hiện cùng lúc.
J-15 đang gặp chỉ trích về vấn đề tải trọng của mình trên tàu sân bay. Nếu nó mang 12 tấn thì không thể nào cất cánh lên được từ tàu sân bay và nếu nạp nhiên liệu đầy thì nó lại chỉ có thể mang được 2 tấn vũ khí. Trong khi đó bán kính tác chiến chỉ gói gọn trong 120 km. Vì thế nó chỉ có số lượng ít J-15 được biên chế trên Liêu Ninh nhằm phục vụ cho những nhiệm vụ gần.
"Kích thước nhỏ đã giới hạn số lượng máy bay có thể mang theo. Trong khi kiểu bệ phóng nói trên đã hạn chế trọng tải và khả năng mang nhiên liệu của máy bay", báo cáo Lầu Năm Góc kết luận.
Đây không chỉ là đánh giá chủ quan từ phía Mỹ mà chính Trung Quốc cũng đã thừa nhận vấn đề này. Điều này xuất phát từ các thiết kế ban đầu của tàu lớp Kuznetsov không có máy phóng kết hợp.
Trung Quốc dự kiến sẽ xây dựng thêm các tàu sân bay mới mà Lầu Năm Góc dự đoán PLAN sẽ thiết kế để phục tối đa cho tính năng của J-15.
Tuy nhiên dù mọi điều kiện đều tiến triển theo chiều hướng tốt, hạm đội của Trung Quốc cũng phải mất thời gian khá lâu trước khi trở thành một thế lực đủ thách thức Hải quân Mỹ, bình luận viên Dave Majumdar đánh giá.
Mỹ phải mất hơn một thập kỷ để xây dựng nên một chiếc tàu sân bay lớp Nimitz hay Ford. Và mất thêm nhiều thập kỷ nữa trước khi hoàn toàn làm chủ được nó.
Trung Quốc không có kinh nghiệm chế tạo bất kỳ một con tàu nào có kích thước của một chiếc tàu sân bay, ngay cả một chiếc vừa phải như Liêu Ninh.
"Kể cả khi Trung Quốc làm được điều thần kỳ đó, vẫn có những yếu tố khác cần phải xem xét", Dave lưu ý.
Tiêm kích F-18 của Mỹ có thể không phải là máy bay phản lực nhanh nhất hoặc cơ động nhất trên bầu trời, nhưng nó lại có cảm biến và hệ thống điện tử tuyệt vời.
Quan trọng hơn, Super Hornet của Hải quân Mỹ không tác chiến một mình. Không lực trên các tàu sân bay hiện đại hoạt động trong một nhóm đặc biệt như Hệ thống hợp nhất hỏa lực và phòng không (Naval Integrated Fire Control-Counter Air (NIFC-CA ).
Với NIFC-CA, Super Hornet, máy bay tấn công điện tử EA-18G Growler, E-2D Hawkeyes Advanced, tàu khu trục Aegis, tàu tuần dương và các tàu khác bổ trợ cho nhau, hạm đội tàu sân bay Mỹ tạo thành một thế công thủ kín kẽ, liền mạch.
Trung Quốc cũng có thể làm được điều tương tự khi có thể phát triển các tàu đặc thù bổ sung cho hạm đội của mình, nhưng bình luận viên Dave Majumdar nhấn mạnh lại rằng vấn đề của cường quốc châu Á vẫn là thời gian.
"Khoảng cách giữa PLAN và Hải quân Mỹ là quá xa. Họ có thể đạt được điều đó nhưng sẽ mất cả thập kỷ", Dave kết luận.
Đọc thêm>>> Trung Quốc trộm UUV và kịch bản không khả thi ở Biển Đông
Quốc Vinh