Hôm 8/2, nhóm bay trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov thuộc Hạm đội Biển Bắc đã bắt đầu trở về căn cứ Severomorsk-3. Tuy nhiên chỉ có số ít máy bay bao gồm Su-33, MiG-29K, Ka-52, Ka-29 và Ka-27 là được đưa trở về nhà lần này. Trong khi đó theo báo cáo từ phía Nga tuyên bố, 2 máy bay gặp nạn hồi tháng 11 do gặp phải sự cố kỹ thuật và công tác đào tạo bay còn yếu.
"Tất cả các máy bay và phi công lẽ ra đã được chuyển về căn cứ cùng một lúc, tuy nhiên điều này không thể xảy ra do không có chuyên gia kỹ thuật và huấn luyện theo về để phục vụ cho công tác bảo dưỡng", một cựu sĩ quan hàng không cấp cao nói với Vzglyad.
Theo Vzglyad, đấy là thực trạng đáng buồn đối với ngành hàng không của Hải quân Nga: "4 phi công máy bay chiến đấu, 3 phi công trực thăng và một số ít các phi công của các máy bay khác là tất cả những gì mà lực lượng trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov hoạt động trong nhiệm vụ vừa rồi. Nguyên nhân được cho là Nga không có đủ số lượng phi công cần thiết để triển khai quy mô lớn hơn, hoặc một số máy bay đã không được nhận nhiện vụ trong hành trình lần này".
Một quan chức Hải quân Nga cho biết trên boong của Kuznetsov luôn sẵn đội bay nhưng trên thực tế nhiều chiếc chưa được thực hiện nhiệm vụ nào ngoài mục đích trưng bày.
Ngoài ra số lượng các phi công được đào tạo khả năng cất cánh từ Kuznetsov là rất hạn chế. "Tính đến hiện tại, khả năng vận hành tàu sân bay của Nga vẫn không có sự phát triển tốt, điều này đã bộc lộ ra trong chuyến hành trình của tàu Đô đốc Kuznetsov tới Syria", Alexander Khramchikhin, người đứng đầu bộ phận phân tích tại Viện Chính trị và phân tích quân sự Nga cho biết.
Theo các chuyên gia khác, chuyến hành trình của Kuznetsov về cơ bản là thành công với mục tiêu phô diễn hình ảnh sức mạnh của Hải quân Nga.
"Mục đích của tàu Kuznetsov không phải hỗ trợ cho việc tấn công ở Syria, mà quan trọng hơn là tích lũy kinh nghiệm trong điều kiện thực tế cho nhóm vận hành vốn mới chỉ tiếp cận qua các nhiệm vụ mô phỏng", Anton Mardasov, chuyên gia từ viện Sáng tạo và Phát triển cho hay.
Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi đặt ra sau chuyến hành trình lần này, chủ yếu liên quan đến vụ mất tích của hai máy bay trong chiến dịch.
"Sự mất mát của những chiếc máy bay này đã tiêu tốn hàng tỷ rúp tiền của người dân", Mikhail Nenashev, lãnh đạo Phong trào hỗ trợ Hải quân Quốc gia cho biết. "Ngành công nghiệp quốc phòng nên chắc chắn rằng điều này không nên xảy ra nữa".
Chi phí quá lớn
Trước đó hôm 3/2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng không quân thuộc tàu Đô đốc Kuznetsov đã tiêu diệt hơn 1.000 mục tiêu khủng bố trong sứ mệnh của mình ở Syria.
Trong nhiệm vụ lần này, nhóm tàu sân bay của Nga đã có chuyến hành trình gần 18.000 hải lý (20.700 dặm). Hồi tháng trước, Nga đã quyết định giảm sự hiện diện quân sự tại Syria, bắt đầu bằng việc rút nhóm tàu sân bay khỏi đây.
Việc triển khai lực lượng trên không và tàu chiến từ nhóm tàu sân bay Admiral Kuznetsov trong cuộc chiến ở Aleppo đã tiêu tốn ngân sách của Nga trong khoảng từ 5 đến 10 tỷ rúp (170 triệu $), theo phân tích của hãng tin RBC. Chi phí khổng lồ này đã gặp phải những chỉ trích của một số nhà phân tích quân sự Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết các phi công đã thực hiện 420 chuyến bay từ tàu sân bay với chi phí tổng lên tới 1,5 tỷ rúp (25,3 triệu USD) , tương đương mỗi chuyến là 3,5 triệu rúp (60.000 USD).
Ngoài ra vụ 2 chiếc máy bay gặp sự cố trong đó bao gồm Mig-29K và Su-33 cũng gây thiệt hại vào khoảng 33-45 triệu USD. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Nga cho biết, con số này có thể thấp hơn do chi phí sản xuất trong nước rẻ hơn so với giá thành xuất khẩu.
RBC ước tính rằng với đội ngũ lên tới 1.960 người hoạt động trên tàu, tổng chi phí ăn hàng ngày của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov cũng đã lên tới 1,7 triệu rúp (28.000 USD).
Hãng tin này còn nói rằng chi phí thật sự mà Nga đổ vào nhiệm vụ thực tế đầu tiên của tàu sân bay còn vượt quá con số 170 triệu USD khi một số chi phí không tên khác về một số loại vũ khí và hạm đội tàu ngầm đi theo chưa được tiết lộ.
Quốc Vinh