Người dân đã một phen hú vía với ý tưởng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Hú vía bởi vì với số tiền đầu tư xây dựng dự án gần 60 tỉ USD thì cả 90 triệu dân nằm mơ cũng không ra.
Nếu đi vay thì cũng phải trả, vậy thì trả đến đời nào. TS Trần Đình Bá - hội viên Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam - từng phát biểu rằng, tham vọng đường sắt cao tốc là “ý tưởng của những người thích đùa”.
Sau khi đùa một thời gian, những người có ý tưởng đó đã tạm thời không đùa nữa. Nhưng những chuyến tàu xuôi ngược Bắc – Nam không thể chậm chạp góp phần kéo đất nước chạy lùi. Cho nên, có một điều dứt khoát là phải xây dựng một đường sắt mới cho Việt Nam.
Mới đây, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, sẽ trình Chính phủ về đề án xây dựng đường sắt Bắc – Nam; nhưng không phải là dự án đường sắt cao tốc mà chỉ là đường sắt tốc độ cao, khổ 1,435 mét. Hiện Bộ GTVT đang xây dựng tuyến đường sắt này theo hai phương án đường sắt khác nhau.
Phương án 1 là tiếp tục nâng cấp đường sắt hiện có đạt tốc độ 90-110km/giờ để chạy tàu Hà Nội - TPHCM từ 15-17 giờ với tốc độ bình quân 100km/giờ, phương án 2 là phối hợp nghiên cứu xây dựng đường sắt khổ đôi 1,435 mét. Bộ GTVT sẽ huy động BOT của nhà thầu quốc tế và trong nước, phấn đấu trước năm 2030 hoàn thành đường sắt khổ đôi mới độc lập với tuyến đường sắt cũ.
Ảnh minh họa
Ý tưởng bỏ từ đường cao tốc để làm tốc độ cao nghe ra có vẻ thực tế hơn về mặt chữ nghĩa, nhưng tính thành tiền e cũng không dễ đùa được.
Các phương án tính toán đều chạm đến số tiền trên chục tỉ USD và cho đến năm 2030 mới có thể xong. Đây là một thách thức với một quốc gia nghèo, trong đó có quá nhiều việc cần tiền, quốc lộ 1 còn bê bối chưa biết đến khi nào mới thu xếp cho tử tế.
Chính vì thế, các chuyên gia phần lớn đều lên tiếng ủng hộ nhưng băn khoăn chuyện tiền nong, hỏi chúng ta có tiền để làm hay không?
Hiện thực hơn, TS Trần Đình Bá - qua bức thư ngỏ gửi - cũng là bức tâm thư gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng, đề xuất mở rộng đường sắt từ khổ 1 mét qua 1,435m, tốc độ 100 -140km/h, hành trình Bắc – Nam rút lại còn 12 - 15 giờ.
TS Bá phân tích, chỉ mở rộng khổ đường thêm 2 gang tay bằng cách thay tà vẹt, ray và bánh sắt, không phải đền bù giải tỏa, không phải làm mới cầu hầm, tín hiệu giao thông, nhà ga… nên thời gian thi công rất nhanh, chỉ 1 năm là xong.
TS Bá quả quyết: “Đường sắt hiện nay đã lạc hậu. Nếu bỏ đi khác nào ta vứt đi tài sản 30 tỉ USD, giữ lại khác nào ta ôm một kho đồ cổ…
Nay ta không bỏ, nhưng để có chiếc áo mới thênh thang cho 90 triệu dân, đó là nghệ thuật “cải lão hoàn đồng” bằng cú đột phá chiến lược: Tổng lực, thần tốc mở rộng hiện đại đường sắt quốc gia!”.
Đề xuất “cải lão hoàn đồng” đường sắt Việt Nam có vẻ rất “kiếm hiệp”, nhưng lại không phải là ý tưởng của người thích đùa. Hy vọng Bộ trưởng Đinh La Thăng sẽ tiếp tục tôn trọng tiếng nói của các nhà khoa học để đưa ra quyết định có lợi nhất cho quốc gia, dân tộc.
Theo Lao động