Trung Quốc triển khai tàu tới vùng biển gần đảo tranh chấp với Nhật Bản trong thời gian kỷ lục 28h đồng hồ, đưa ra một phản đối chính thức như cách nước này vẫn lặp đi lặp lại chiến lược tuyên bố chủ quyền thông qua sức mạnh hải quân.
Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc mới được thành lập vẫn duy trì sự hiện diện tại vùng biển do Nhật Bản kiểm soát lâu nhất kể từ khi Nhật Bản mua lại Senkaku/Điếu Ngư năm ngoái, Thư ký nội các Yoshihide Suga cho biết trong một cuộc họp báo tại Tokyo hôm 8/8. Bộ ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập một nhà ngoại giao Trung Quốc và “nghiêm khắc phản đối”.
Tàu tuần duyên Trung Quốc neo đậu tại vùng biển tranh chấp, thách thức Nhật Bản. Ảnh minh họa: NYTimes
Ông Yoshihide Suga cho biết thêm, hành động xâm nhập vào lãnh hải này là lâu nhất kể từ khi chính phủ Nhật Bản mua lại các hòn đảo này hồi tháng Chín năm ngoái. Đây là điều vô cùng đáng tiếc và chúng tôi không thể chấp nhận sự việc này.
Theo thông tin từ Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản, có đến bốn tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã ở trong vùng biển do Nhật Bản kiểm soát hơn một ngày.
Các tàu này đã rời khỏi khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông vào trưa 9/8. “Rõ ràng rằng Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ của Nhật Bản, xét cả về mặt lịch sử lẫn luật pháp quốc tế”, ông Suga nói.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố, các tàu Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản rời khỏi vùng biển tránh chấp ngay lập tức và không có thêm những hành động tương tự trong tương lai.
Shi Yinhong – một chuyên gia an ninh khu vực của Học viện quan hệ quốc tế, Đại học Renmin (Trung Quốc) cho biết, việc tăng cường tuần tra hàng hải là một sự đáp trả các lời lẽ hiếu chiến của Nhật Bản.
“Đó là một hành động chống lại những thông điệp mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi tới Trung Quốc”, vị chuyên gia này nói, nhắm vào chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Nhật Bản tới các đảo gần Senkaku/ĐIếu Ngư và cam kết “không bao giờ nhượng bộ trong tranh chấp”.
Thứ Ba vừa qua 6/8, Nhật Bản đã khánh thành tàu chiến lớn nhất kể từ Thế chiến II. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết hôm 8/8 rằng các nước trong khu vực cần cảnh giác trước việc xây dựng quốc phòng của Nhật Bản.
Chuyên gia quân sự tại Thượng Hải Ni Lexiong nói các hoạt động hàng hải ngày càng tăng ở biển Hoa Đông nhằm gửi thông điệp đến các nước có liên quan tới tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh tại Biển Đông.
“Tranh chấp của Trung Quốc với Nhật Bản tại Senkaku/Điếu Ngư được xem như là một phép thử quyết tâm và khả năng đối phó tranh chấp lãnh thổ với một vài nước thuộc ASEAN tại Trường Sa và các đảo khác ở Biển Đông”, ông Ni nói. Ông là Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách quốc phòng và năng lượng biển thuộc Đại học khoa học chính trị - luật Thượng Hải.
Nam An (theo SCMP)