Vừa mở bán đã lo ế
Trong hai lĩnh vực vận tải hành khách mặt đất, đường sắt đã mở bán vé tàu Tết được một thời gian song thị trường đang khá ảm đạm. Trong khi đó, xe khách liên tỉnh hầu như vẫn án binh bất động do nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải lo sợ bán vé ra sẽ không có người mua.
Bước vào cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, “bóng đen” dịch bệnh Covid-19 vẫn hiện hữu, ở mặt nào đó, còn phức tạp hơn so với một năm về trước. Ngành đường sắt tiến hành mở bán vé tàu Tết cho người dân với mối lo thường trực về tình trạng ế ẩm vé tàu của năm ngoái sẽ lại hiện về. Dù ngành đường sắt đã áp dụng nhiều chính sách khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu song tính đến thời điểm hiện tại, lượng khách đặt vé tàu Tết là không đáng kể.
Trao đổi với báo Kinh tế đô thị, ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng Giám đốc VNR cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ giảm mạnh. Xác định được điều đó, ngoài việc xây dựng kế hoạch chạy tàu Tết linh hoạt, VNR còn đẩy mạnh khai thác tàu hàng trong dịp Tết để bù đắp doanh thu như cắt bớt toa khách, nối thêm toa xe hành lý để chở hàng, giảm tàu khách để tăng tàu hàng. Mặc dù vậy, lãnh đạo VNR khẳng định, ưu tiên hàng đầu của ngành đường sắt vẫn chạy tàu khách trong dịp Tết để phục vụ người dân đi lại, đồng thời tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Từ ngày 15/11, VNR đã chính thức mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đến nay, trải qua một tháng, sức mua vẫn khá yếu. Hiện ngành đường sắt đang mở bán vé tàu Tết Nhâm Dần đối với 4 đôi tàu Thống nhất SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8 và một đôi tàu Đà Nẵng - Sài Gòn SE21/22.
Do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước nên nhìn chung vé tàu Tết Nhâm dần 2022 từ các tỉnh phía Nam ra đang bán khá chậm. Đơn cử như tàu SE2 chạy ngày 26 tháng Chạp là ngày cao điểm, hệ số sử dụng chỗ mới đạt 17%, trong khi chỉ số này phải từ 70% trở lên mới được coi là đầy chỗ, đạt hiệu quả doanh thu. Cũng như chính sách chung của VNR, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội đã phải đẩy mạnh khai thác vận chuyển hàng hóa, hành lý theo tàu khách để bù đắp doanh thu từ bán vé khách. Như tàu Thống nhất SE5/6, doanh thu bình quân một vòng quay khoảng 576 triệu đồng thì doanh thu cước hàng hóa được khoảng 100 triệu đồng.
Tương tự, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn chỉ mở bán vé trước 4 đôi tàu khách Thống nhất tuyến Sài Gòn - Hà Nội và một đôi tàu tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng. Tuy vậy, tình hình bán vé rất chậm, khách cá nhân và tập thể đều mua số lượng không đáng kể. Lãnh đạo DN này cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, ngoài các tàu do công ty quản lý chạy các ngày cao điểm từ 25 - 27 tháng Chạp vé bán được tốt hơn, gần kín chỗ thì hầu hết các chuyến tàu còn lại đều đang bán vé chậm. Lãnh đạo DN cho biết, nếu tình hình bán vé thời gian tới không khả quan hơn, công ty sẽ tính thêm chính sách giảm giá mới.
Tăng chuyến bay vừa mừng, vừa lo
Với hàng không, sau khi được tăng chuyến từ ngày 1/12, các hãng đã mở bán vé cho cả giai đoạn Tết Nguyên đán tới, nhưng số vé bán chậm, dù số lượng chuyến bay chưa nhiều.
Trao đổi với báo Tiền Phong, Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết, hoạt động bay nội địa đang theo lộ trình tăng tần suất tiến tới mở lại bình thường. Với số chuyến bay đã được phép, các hãng được bán vé cho giai đoạn bay tới tháng 4/2022, gồm cả dịp Tết. Theo ông Thắng, nếu nhu cầu khách đi lại Tết tăng cao, Cục có thể kiến nghị Bộ GTVT cho tăng chuyến bay. Tuy nhiên, lo nhất không có khách và việc các địa phương hạn chế người về. Thực tế số chuyến bay đã được mở bán số lượng vé bán cũng rất chậm.
Xe khách “nín thở”
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội (quản lý bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm) chia sẻ với báo Tiền Phong, hiện các tuyến xe khách kết nối với Hà Nội được phép hoạt động tối đa 50% phương tiện so với bình thường. Thực tế những ngày qua chỉ khoảng 10-15% xe hoạt động, có tuyến không có xe do vắng khách. Nếu dịp Tết khách có tăng đột biến lên 30-40% so với hiện nay cũng chỉ đầy số xe đang được hoạt động, chưa cần bổ sung hay tăng cường thêm xe.
“Xe khách không thiếu, chỉ cần có khách sẽ hoạt động ngay, nhưng dự báo cao điểm Tết năm nay khách đi lại không nhiều. Người đi xe khách chủ yếu sinh viên, lao động tự do, nhưng họ đã về quê từ lâu chưa trở lại do dịch bệnh. Giờ vẫn nín thở chờ gần Tết nhu cầu khách có tăng lên không rồi tính tiếp”, ông Toàn nói.
Cũng theo báo Tiền Phong, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, cả nhà xe và khách đều trong trạng thái chờ phương án phòng chống dịch của các địa phương, đặc biệt yêu cầu cách ly với người về.
“Các doanh nghiệp vận tải khách chưa thể chủ động gì được, chỉ cần địa phương yêu cầu người về phải cách ly tại nhà đã không còn ai đi lại nữa. Các doanh nghiệp đều sẵn xe, có thể huy động nhân lực được ngay, chỉ chờ phương án phòng chống dịch và khách”, ông Liên nói.
Ông cho biết thêm, doanh nghiệp của mình có 70 xe khách, khai thác 20 tuyến liên tỉnh, nhưng hiện chỉ hoạt động 5 xe.
Tương tự tình trạng trên, các bến xe ở các tỉnh miền Nam, miền Tây cũng đang nín thở chờ đợi khách hàng.
Trao đổi với báo Người Lao Động, đại diện Công ty CP Xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines) cho hay công ty này vẫn còn đang trong giai đoạn chuẩn bị kế hoạch phục vụ Tết. Nói về lý do chưa mở bán vé như những năm trước, đại diện công ty cho hay đang theo dõi tình hình dịch bệnh, nhu cầu đi lại của người dân... "So với những năm trước, việc phục vụ đi lại của người dân mùa Tết năm nay sẽ rất khác, mọi thứ vẫn trông theo dịch bệnh" - đại diện Phương Trang cho biết.
Theo ông Bùi Văn Nhiên, Giám đốc HTX Vận tải và Du lịch Hữu Lộc (chạy các tuyến miền Tây), sau hơn 1 tháng mở lại hoạt động vận tải liên tỉnh, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do lượng khách quá ít. Trung bình, mỗi xe xuất bến chỉ có 4-5 khách, có khi chỉ 2 khách, nhà xe càng chạy càng lỗ.
"Nhìn cảnh nhà xe trông chờ khách mỗi ngày như vậy nên chúng tôi chưa nghĩ đến việc lên kế hoạch phục vụ dịp Tết năm nay, bởi không đo đếm được lượng khách để có kế hoạch một cách cụ thể. Mọi thứ phải nương theo nhu cầu đi lại nhưng đến nay vẫn mù mờ" - ông Lộc băn khoăn.
Xử lý nghiêm xe chở quá số người, tăng giá vé trong dịp Tết
Theo Vietnamplus, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Công điện về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân năm 2022.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ theo dõi diễn biến của dịch Covid-19 để có các giải pháp phù hợp, tuân thủ quy định phòng chống dịch; kiểm tra, ngăn ngừa và xử lý nghiêm lái xe vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở quá tải trọng, quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Hàng không chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh trong thời gian tới để có phương án tổ chức vận tải hành khách tối ưu phục vụ nhân dân đi lại; điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong dịp Tết năm 2022.
Các hãng hàng không nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng của hành khách; xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, đẩy mạnh việc ứng dụng bán vé điện tử, nâng cao chất lượng dịch vụ, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng cục Đường bộ kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí; chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm và khu vực tổ chức Lễ hội xuân; có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, tai nạn, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm.
Tổng cục Đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, bổ sung, điều chỉnh kịp thời hệ thống tổ chức giao thông như vạch sơn, báo hiệu đường bộ; có phương án tổ chức giao thông an toàn khi thi công và khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm xong trước ngày 23/1/2022; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý và bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường được giao.
Hương Anh (tổng hợp)