Khái niệm cơ bản của VTOL chính là nó mang đến những lợi ích của trực thăng khi có thể cất cánh mà không phải đòi hỏi một đường băng rộng. Và một khi đã bay lên không trung nó vẫn có thể đạt được tốc độ tối đa của một máy bay cánh cố định như máy bay phản lực.
Nguyên mẫu chiếc taxi bay mang tên Lilium Jet có hai chỗ ngồi, tuy nhiên Lilium cho biết trong thời gian tới họ sẽ thiết kế ra nguyên mẫu khác có 5 chỗ ngồi để sử dụng cho dịch vụ taxi bay theo yêu cầu cũng như dịch vụ chia sẻ taxi trong tương lai.
Theo Lilium, taxi bay của hãng sử dụng 100% năng lượng tái tạo, điều khác biệt so với những hệ thống máy bay VTOL khác sử dụng phương pháp tiếp cận nhiên liệu lai. Lilium tin rằng đây là thành phần quan trọng trong việc tạo ra một chiếc xe sử dụng năng lượng bền vững di chuyển trong các thành phố với tác động sinh thái ở mức tối thiểu.
Về lý thuyết, Lilium Jet có thể bay được quãng đường 300 km cho một lần sạc đầy với tốc độ bay tối đa 300 km/h, một con số khá tốt khi so sánh với những chiếc xe điện với dung lượng pin tương tự. Điều này mang đến khá nhiều lợi ích khi tiết kiệm thời gian di chuyển nội đô, chẳng hạn như bay từ sân bay Manhattan đến sân bay JFK ở Mỹ chỉ mất 5 phút, trong khi con số này với xe hơi thường mất phải 1 giờ.
Trong video mô tả chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, Lilium trông giống như máy bay hiện tại nhưng cất cánh theo chiều dọc với sự trợ giúp của ba động cơ điện. Một khi máy bay đạt đến chiều cao thích hợp nó sẽ từ từ nghiêng cánh xuống một ví trí nằm ngang và bắt đầu di chuyển về phía trước.
Đây chỉ là một chuyến thử nghiệm và Lilium vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi công ty có thể cung cấp Lilium Jet như là một dịch vụ taxi bay. Trong khi một chiếc xe không người lái bắt đầu chạy thử nghiệm vào năm 2019 thì người dùng phải chờ sớm nhất năm 2025 mới có thể tiếp cận phương tiện vận chuyển tiêu chuẩn như Lilium Jet.
Kiến An