Khi bị mắc kẹt trong tình trạng tắc đường mỗi ngày, chúng ta hẳn đều ước được “cất cánh và bay” ra khỏi dòng người đang kẹt cứng đó.
Và giờ đây, theo các chuyên gia tại hội nghị South by Southwest được tổ chức tại Austin, bang Texas của Mỹ, điều đó có thể sớm trở thành hiện thực, khi taxi bay được dự đoán sẽ “như chiếc thảm bay sải cánh” trên bầu trời vào năm 2025.
Ông Michael Thacker, Phó Chủ tịch điều hành mảng công nghệ và đổi mới tại Bell, cho biết doanh nghiệp này đã bắt tay cùng Uber và nhiều công ty hàng không; trong đó có Safran của Pháp, để xây dựng một đội ngũ taxi bay, còn được gọi là phương tiện bay cất cánh hạ cánh thẳng đứng (VTOL).
Nexus, tên gọi của loại máy báy chạy bằng động cơ lai này, đã được nhắc đến lần đầu tiên tại Triển lãm điện tử tiêu dùng hồi tháng Một vừa qua ở Las Vegas.
Khoảng từ 20-30 công ty khác cũng đang nghiên cứu những ý tưởng tương tự, trong đó có những công ty khởi nghiệp (start-up) và cả những cái tên lớn như Airbus, mới đây đã cho ra mắt taxi bay chạy bằng điện CityAirbus của họ.
Bên cạnh đó, Uber cũng dự định sẽ triển khai mô hình taxi bay đầu tiên tại Los Angeles và Dallas, vốn là hai thành phố lớn thường xuyên bị ùn tắc giao thông ở Mỹ.
Khi được hỏi về việc dùng trực thăng như một phương án thay thế, ông Thacker cho biết taxi bay “phải chăng” hơn và tạo ra ít tiếng ồn hơn. Ông dự đoán loại phương tiện này có thể bắt đầu được khai thác vào khoảng năm 2025.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh taxi bay sẽ không thay thế các phương tiện ở mặt đất mà chỉ hoạt động ở một không gian khác mà thôi.
Theo ông, trước tiên sẽ có một số taxi bay được vận hành ở một vài thành phố, sử dụng bãi đáp và đường bay của trực thăng.
Ông Jaiwon Shin, Phó giám đốc Cơ quan giám sát các dự án nghiên cứu hàng không của NASA, cho rằng dù năm 2025 có vẻ là năm hợp lý để bắt đầu vận hành có giới hạn taxi bay, nhưng sẽ phải mất thời gian lâu hơn nữa, có thể là 10 năm, để thị trường này có thể thực sự phát triển.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho biết để có thể được cấp phép hoạt động, các loại phương tiện này cũng phải vượt qua nhiều “hàng rào” khác nhau.
Một trong những trở ngại lớn nhất về mặt công nghệ là là pin. Phần lớn những mẫu được thiết kế đều sử dụng động cơ điện và những loại pin hiện giờ không có đủ năng lượng để một chiếc taxi bay có thể bay ở khoảng cách lớn.
Thế nhưng, các chuyên gia trong ngành vẫn lạc quan về công nghệ mới này.
Trong một báo cáo mang tên “Tầm nhìn 2050” được trình bày tại hội nghị South by Southwest, Hiệp hội Ngành Hàng không (AIA) dự đoán đến năm 2050, việc sử dụng taxi bay và các loại thiết bị bay không người lái khác sẽ trở nên phổ biến, chủ yếu là nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).
Bên cạnh đó, theo ông Anil Nanduri, người phụ trách đội thiết bị bay của Intel, một thuận lợi khác đối với ôtô bay là hệ thống định vị GPS của chúng.
Ông cho biết độ chính xác của GPS hiện nay chỉ lệch trong giới hạn vài mét và đây có thể chưa phải là độ chính xác cần thiết đối với các phương tiện mặt đất, nhưng một khi đã vào không gian ba chiều như vậy là đủ.
Phóng viên chuyên mảng công nghệ Aarti Shahani đã nói rằng 10 năm trước việc mở một thứ gì đó gọi là ứng dụng ra đặt một chiếc xe do người lạ lái để chở người thân của chúng ta được coi là một điều gì đó điên rồ nhưng giờ đây, đó chẳng phải là việc mà nhiều người vẫn làm mỗi ngày hay sao.
T.D (tổng hợp)