Những ngày qua không chỉ dư luận xôn xao bàn tán mà thông tin “Đà Nẵng không tiếp nhận công chức, viên chức ngoài thành phố” thực sự đã làm “nóng” tất cả; từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ câu chuyện bên vỉa hè… cho đến bên lề cuộc họp HĐND thứ 6 khóa IX TP.Đà Nẵng. Nhiều câu hỏi, thắc mắc được các phóng viên báo đài hướng về vị Giám đốc sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng và các đơn vị liên quan.
Sự việc bắt đầu khi vị Giám đốc sở Nội vụ ký Công văn 3218/SNV-CCVC gửi các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP.Đà Nẵng. Công văn có 5 nội dung nhằm hướng dẫn các quy trình, thủ tục, thẩm quyền giải quyết hồ sơ về việc tiếp nhận công chức, viên chức ngoài thành phố về công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố quản lý. Ngay Điều 1, văn bản này ghi rõ: “Không tiếp nhận công chức, viên chức ngoài thành phố về cơ quan hành chính. Trường hợp đặc biệt do Chủ tịch UBND thành phố quyết định thì nguyên tắc, quy trình, hồ sơ thực hiện tương tự như tiếp nhận về đơn vị sự nghiệp; thẩm quyền tiếp nhận thực hiện theo phân cấp quản lý công chức”.
Ngay khi công văn ban hành đã khiến dư luận xôn xao, bàn tán và tranh luận trái chiều. Dòng ý kiến phản đối cho rằng, đây là chính sách chưa đúng đắn của Đà Nẵng. Bởi, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương nên không thể tư duy kiểu "địa phương", “ngăn sông cấm chợ”. Nếu áp dụng "không tiếp nhận công chức ngoài thành phố" thì địa phương sẽ không bứt phá lên được. Bởi, thực tế chính những nơi quy tụ được nhiều người dân thập phương, nhiều "hiền tài" mới tạo được môi trường đa văn hóa, phát triển năng động. Theo đó, Đà Nẵng cần mở cửa đón nhận người dân tứ xứ về để tạo động lực phát triển sản xuất, thương mại và dịch vụ. Đó là cách thức hiệu quả nhất để thành phố phát triển.
Đi kèm sự phản đối, chúng tôi cũng ghi nhận được không ít sự đồng tình, ủng hộ từ dư luận. Những ý kiến này cho rằng, với những người có công việc thường xuyên thông tin hay tiếp xúc với người dân (phát thanh viên, nhân viên bộ phận một cửa, chức vị lãnh đạo phụ trách...) thì cần tuyển người địa phương, bởi lẽ người dân cùng địa phương sẽ cùng nguồn gốc văn hóa, dễ hiểu cách nói năng, hành động phù hợp mang lại hiệu quả công việc tốt hơn. Tuy nhiên, dòng ý kiến này cũng nhận định, Đà Nẵng cần có những giải thích rõ ràng hơn để tránh dư luận hiểu nhầm rằng có sự cục bộ, địa phương.
“Cá nhân tôi rất ủng hộ việc làm này. Thứ nhất, nó đảm bảo yêu cầu của địa phương, công chức ngành nào, địa phương nào do địa phương đó xét tuyển, tránh cào bằng năng lực. Đơn cử như công chức ở các địa phương miền núi mà thuyên chuyển ngang về thành phố sẽ khó mà đáp ứng nhu cầu công việc. Nếu công chức ấy muốn về thành phố thì phải tham gia xét tuyển lại. Không chỉ Đà Nẵng mà các địa phương khác nên thực hiện chính sách mới này”, một ý kiến cho hay.
Để hiểu đúng nhất về “tinh thần” của công văn nói trên, PV đã có những trao đổi với ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc sở Nội vụ TP.Đà Nẵng. Theo vị này, công văn do mình ký đang gây xôn xao dư luận, thậm chí gây hiểu nhầm. Để tránh sự việc đi quá đà, dư luận hiểu sai lệch bản chất, sở Nội vụ đã gấp rút ban hành công văn mới giải thích lại sự việc.
“Vừa rồi có một số báo đài, một số ý kiến bình luận về công văn này có phần hơi phiến diện. Từ đây, đã làm lan tỏa nhiều thông tin chưa đúng…”, ông Đồng nói.
Theo vị Giám đốc sở, dư luận đã hiểu nhầm thông tin mà sở Nội vụ muốn truyền tải. Cụ thể, thông tin đúng phải là Đà Nẵng chỉ “không tiếp nhận công chức, viên chức ngoài thành phố về công tác tại các cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố quản lý”. Còn địa phương vẫn tiếp nhận công chức, viên chức ngoài thành phố về ở tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập.
“Ở đây không có phân biệt đối xử. Tất cả được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Do lâu nay tại Đà Nẵng chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề tiếp nhận công chức, viên chức dẫn đến dư luận cho rằng có tiêu cực, có hiện tượng “chạy chọt”…”, ông Đồng giải thích.
Như vậy! Theo sở Nội vụ Đà Nẵng, công văn mới ban hành không chỉ tạo ra quy trình rõ ràng, công khai, minh bạch mà còn là biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn việc có dư luận cho rằng cán bộ công chức “chạy chọt” vào cơ quan hành chính thuộc UBND TP.Đà Nẵng. Sở cũng khẳng định, hoàn toàn không có chuyện cục bộ, địa phương.
“Lý do nữa là số lượng công chức, viên chức đang làm việc trong cơ quan hành chính thuộc UBND TP.Đà Nẵng đã vượt số lượng do bộ Nội vụ giao. Ngoài việc không tiếp nhận công chức, viên chức ở trong cơ quan hành chính thì Đà Nẵng cũng không hợp đồng mới và thực hiện tinh giản biên chế, để giảm số lượng người đúng quy định. Tất nhiên, việc không tiếp nhận này chỉ mang tính tạm thời. Còn việc tuyển dụng mới thì vẫn thực hiện bình thường theo quy định, người ngoài thành phố vẫn được tham gia thi tuyển”, ông Đồng giải thích rõ.
Nói riêng về vấn đề có hay không chuyện “chạy chọt” để vào công chức các khu vực hành chính Đà Nẵng, ông Đồng cho rằng nếu nhận xét rõ thì sẽ có phần cảm tính. Tuy nhiên, hiện tại Đà Nẵng cũng ban hành các quy định cụ thể về tiếp nhận công chức. Trường hợp đặc biệt nữa sẽ do Chủ tịch UBND thành phố quyết định. Việc làm này là để kiểm soát, tránh sự “tùy tiện” ở các cơ quan, đơn vị.
Chuyên gia pháp lý Mai Quốc Việt, văn phòng Luật FDVN Đà Nẵng cho rằng, khi đưa ra kế hoạch thì các cơ quan đã xem xét, nghiên cứu cụ thể trên phương diện pháp luật lẫn điều kiện cụ thể từng địa phương. Việc nhiều nhân tài, nhiều người "ngoại" muốn ứng tuyển làm việc tại thành phố là điều đáng mừng, phải tạo điều kiện cho người tài được thi thố, được tuyển dụng.