Không chọn ai hơn Minh Cảnh
Mê võ thuật từ nhỏ nhưng lão võ sư Minh Cảnh sinh năm Nhâm Tuất (tại Cai Lậy, tỉnh Định Tường, nay là tỉnh Tiền Giang) không được tiếp cận ngay từ thuở nhỏ như nhiều người khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã phải theo mẹ sang Cao Miên (Campuchia ngày nay) sinh sống. Sau 5 năm lưu lạc xứ người, ông quay về Sài Gòn và thọ giáo với võ sư Bảy Muôn.
Nói về duyên cơ với võ thuật, lão tướng từng giành đai vô địch Đông Dương cho biết: “Một lần xem đấu quyền Anh ở Sài Gòn, tôi mê võ thuật luôn từ đó. Sau đó, tôi lân la và xin học võ với nhà vô địch quyền Anh Đông Dương Bảy Muôn”. Với sự gan lì, gan dạ, lanh lẹ, Minh Cảnh tiến bộ rất nhanh, trở thành tay đấm “hạng nặng”. Sau gần chục năm theo học, Minh Cảnh bắt đầu lên sàn đấu. Và mỗi lần thượng đài, ông đều hạ gục các đối thủ tên tuổi đến từ các tỉnh thành khác trong nước. Sau đó, ông liên tiếp hạ các tay đấm có tiếng của Campuchia, Lào, Ấn Độ và cả Pháp.
Số trận bất bại của tay đấm này kéo dài trong nhiều năm. Dù bắt đầu sự nghiệp võ đài từ đầu những năm 40 của thế kỷ trước, nhưng cái tên Minh Cảnh trở nên quen thuộc trong giới võ thuật và nổi lên trong thập niên 40 – 60 của thế kỷ XX tại khu vực miền Nam. Vì thế, ông được cho là tay đấm giàu thành tích nhất làng võ lúc bấy giờ. Đến nay, đã cao tuổi nên lão võ sư không còn nhớ đã có bao nhiêu bại tướng dưới tay mình và có bao nhiêu trận hạ gục đối thủ bằng knockout. Minh Cảnh được giới võ thuật và báo chí tôn xưng là “võ vương”, chỉ xếp sau huyền thoại Kid Dempsey nhưng trên cả Huỳnh Tiền, Văn Đại, Văn Hoán, Minh Sang... những cái tên lẫy lừng một thời trên sàn đấu trước 1975.
Nhắc đến Minh Cảnh, giới võ thuật đều phải nghiêng ngả với tuyệt chiêu “cú móc tay trái sấm sét”. Cùng với đó là thân hình cân đối, di chuyển lanh lẹ, linh hoạt. Đặc biệt, năm 1946 là cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời tay đấm này, khi vô địch Đông Dương. Thời điểm đó, Minh Cảnh đã đả bại tay đấm người Pháp Pannutti để giành chiếc đai vô địch một cách ngoạn mục.
Thậm chí, sau trận đấu với chiến thắng vang dội của Minh Cảnh, có tờ báo còn viết: “Nói đến môn võ thuật và nhất là khi phải tìm một võ sĩ có thể thay mặt cho “làng đấm” Việt Nam để nghinh địch với người nước ngoài mà khỏi bị mang tiếng là tụi “ếch nằm đáy giếng”, có lẽ Tổng cục quyền Anh xứ này không chọn ai hơn Minh Cảnh”.
Hơn thế, trong trận so găng với Jean Leon, bằng chiêu “móc tay trái sấm sét”, Minh Cảnh đã khiến đối thủ bị knockout ngay hiệp thứ 3. “Đến hiệp thứ 3, Minh Cảnh phản công và đến gần cuối hiệp, anh đã tung chưởng với những quả móc nặng, khiến Jean Leon bị đo ván”. Đó là những thông tin về trận đấu giữa “võ vương” Minh Cảnh và Jean Leon (Philippines hay còn gọi Phi Luật Tân) trên số báo Đen Trắng xuất bản ngày 13/4/1946.
Con dê tế thần
Nhắc lại chuyện xưa, hiện nhiều người còn nghe kể về trận so găng bí hiểm mà như người con của lão võ sư thừa nhận, “ba đã phải thua trong danh dự”. Số là vào năm 1969, tại sân Tinh võ môn (quận 5 ngày nay) loan tin sẽ diễn ra trận so găng “siêu kinh điển” giữa “võ vương” và John C.Millev (Mỹ). Trước khi trận đấu diễn ra, nhà tổ chức cho xe lăn bánh, rao khắp Sài Gòn – Gia Định về trận đả lôi đài này. Sở dĩ nó có sức hút là bởi, Minh Cảnh đã “giải nghệ” (năm 1964) từ lâu, nay bỗng nhiên tái xuất trên võ đài khiến nhiều người tò mò. Chính vì thế, dù vé đắt đỏ nhưng rất đông khán giả đã tìm đến sân để dự khán trận so găng này.
Sau những tràng vỗ tay tán thưởng cho sự quay trở lại của “võ vương”, hàng trăm khán giả lại chững lại khi thấy sự xuất hiện của tay đấm đến từ Mỹ. Họ ái ngại cho “võ vương” khi tay đấm ngoại quốc cao tới 1,8m, nặng gần 80kg, hơn Minh Cảnh gần 20kg và có sải tay dài tới hơn... 22cm. Trước sự chênh lệch về ngoại hình, tuổi tác... nhiều người đã nghĩ ngay đến cuộc so găng có “mùi” khác lạ.
Thực tế, trong các hiệp, John thường tung ra các cú đòn cực hiểm, có uy lực như búa bổ, đặc biệt là những đòn chọc thẳng về phía Minh Cảnh. Dù vậy, bằng kinh nghiệm chinh chiến, Minh Cảnh cũng phần nào né được và đáp trả. Thế nên, John không thể hạ knockout được tay đấm người Việt, dù rất mạnh. Cứ thế, hai tay đấm vờn nhau trên sàn đấu khiến khán giả la ó, phản ứng. Kết thúc trận so găng, trọng tài tuyên bố John thắng bằng điểm số.
Sau trận đấu là những ngày dài khán giả, thậm chí những tờ báo thể thao thời ấy đã dành nhiều thời lượng để bàn tán. Đặc biệt, cách thức “cấp độ” của nhà tổ chức, khi đưa Minh Cảnh thuộc hàng lão (khi đó đã bước sang tuổi 47) đấu với một con “trâu mộng” đến từ ngoại quốc bị báo chí phân tích. Có tờ báo nhận định, Minh Cảnh chỉ là “con dê tế thần” cho một động cơ nào đó...
Trong khi đó, ký giả Hồ Việt Quốc (tờ Võ Thuật) lại nói một cách chế giễu: “Có lẽ người ta đã quên mất các tài năng trẻ như Mạnh Trung Phương, Vũ Huỳnh hay Nguyễn Văn Rớt nên mới chọn một ông lão tới 47 tuổi đấu với tay đấm trẻ sung sức”. Sau đó, nhiều người cũng đã hỏi thẳng lão võ sư về nguyên do đấu trận phá nát danh dự của mình. Tuy nhiên, lão võ sư Minh Cảnh đã từ chối trả lời và bình luận về trận đấu này.
Có lẽ, ông phần nào đã hiểu cớ sự nên không muốn bàn tán thêm. Sau này, con trai ông, võ sư Nguyễn Minh Hoàng cũng xác nhận: “Trước trận đấu, ba tôi không biết nhiều về lai lịch võ sĩ này nên đã nhận lời thách đấu. Nhưng khi nhìn thấy đối thủ ông mới ngỡ ra cách thức sắp xếp của nhà tổ chức. Dù vậy, vì khán giả ông vẫn thượng đài và tìm cách tiết chế sự lợi hại của tay đấm trẻ kia”.
Dù vậy, sự nghiệp của tay đấm lừng danh Minh Cảnh cũng kết thúc bằng trận thắng giòn trước một tay đấm quốc tế khác vào năm 1964. Trận đó, Minh Cảnh nhận lời thách đấu của võ sĩ K.O jean Leon (người Philippines) tại rạp Nguyễn Văn Hảo (quận 1, TP.HCM ngày nay). Sau trận thắng này, ông tập trung vào công tác huấn luyện và đạt được nhiều thành tích ấn tượng không kém khi đứng trên võ đài.
Những đệ tử của ông như Nguyễn Cư, Nguyễn Hồng, Nguyễn Ninh, Minh Thanh... đều thành danh. Và hai người con trai của ông là Nguyễn Minh Hoàng và Nguyễn Minh Sang đều là thành viên của bộ môn quyền Anh TP.HCM. Cũng trong thời gian này, Minh Cảnh quyết định thành lập đoàn xiếc mô tô bay đi diễn khắp nơi. Trong đoàn xiếc, ông đích thân lái xe mô tô chạy vòng tròn trên mặt phẳng khối hình trụ cao hàng chục mét khiến khán giả phải thót tim, trầm trồ. Hiện nay, loại hình xiếc này chỉ tồn tại trong vài đoàn tại Việt Nam.