Những dư âm còn sót lại
Theo lời kể của ông Tám Thảo, Võ Lâm phái trên Thất Sơn của ông nội mình là võ thuật đánh đường quyền Tứ trụ áp sát 4 mặt. Do luyện tập trên núi rừng Thất Sơn nên được gọi là Võ Lâm, người sau đồn đại ở đây từng có rất nhiều người luyện võ nên quen gọi là một phái võ với tên gọi Võ Lâm Thất Sơn.
Hiện tại, Võ Lâm Thất Sơn chỉ còn lại ông Nguyễn Văn Bá (Chín Bá, con trai út của cụ Ba Tài đang sống cạnh suối Thanh Long dưới chân núi Cấm). Tới đời các con, cháu của ông thì chỉ được người thân truyền lại những chiêu thức đơn giản để phòng thân, còn những bí kíp của phái Võ Lâm gần như đã thất truyền.
Điện Rau Tần, nơi xưa kia các võ sĩ Võ Lâm phái thường xuyên luyện tập.
Ngoài ra, Võ Lâm phái vẫn còn môn đồ tản mạn khắp nơi xung quanh núi Cấm, phần lớn đã mai danh ẩn tích. Ông Tám Thảo tâm sự: "Cha tôi là con thứ 7 của cụ Ba Tài, ông cũng rất giỏi võ vì ngày xưa được ông nội truyền lại. Sinh thời, ông thường xuyên tập luyện với cha và các bạn đồng môn. Đến thời chúng tôi được sinh ra thì thời thế thay đổi, người lên núi ngày một đông, giặc ngoại xâm và cướp bóc không còn, thú dữ ngày một chẳng thấy con nào nên không muốn truyền thụ lại cho con cái.
Mặt khác, các ông sợ sau này con cháu biến tướng, tranh giành đất đai mà dùng võ thuật đấu đánh nhau thì không hay. Phần khác cũng lo con cháu hư đốn mà dùng võ thuật để đi cướp bóc, hại người nên không truyền lại cho ai cả...".
Khi chúng tôi hỏi hai anh em Tám Thảo và Ba Danh có được cha hay chú bác truyền lại võ nghệ không, họ cười rồi từ chối trả lời. Cả hai chỉ xác nhận là trước đây cha họ có chỉ dạy cho một số bộ tấn với vài chiêu thức để luyện thể lực đặng có sức khỏe kiên trì tu luyện. Được biết, Võ Lâm phái là một môn võ do các cao nhân tiền bối ẩn tu trong rừng núi Thất Sơn sáng tạo nên từ các chiêu thức đánh nhau, giết mồi của những loài thú trong rừng. Cho đến bây giờ, những người cao tuổi trên núi Cấm còn kể lại trận ác chiến của con hạm (con hạm giống như hổ, nhưng to lớn hơn và thường săn bắt người để ăn thịt) ở núi Bà Đội Om và bạch hổ trên núi Cấm.
Số lượng người theo Võ Lâm phái ở Thất Sơn rất đông. Thời hưng thịnh vào khoảng những năm 1930, trên núi Cấm có đến khoảng 4 lò dạy. Ông Tư Đậu, hiện đang sinh sống ở điện Rau Tần (ấp Rau Tần trên núi Cấm) cho biết, ông ngoại ông là Nguyễn Văn Lúa trước đây là một trong số đệ tử của Võ Lâm phái. Ông Đậu nghe ông ngoại kể lại rằng, để chọn ra người đứng đầu Võ Lâm phái trên núi Cấm, lò võ ở Cao Đài Tự đã luyện tập và cho đệ tử giao đấu với các đệ tử của hòa thượng Đức Minh ở Vồ Ông Bướm.
Trận quyết đấu để tranh giành đệ tử và giành đất trồng lúa, luyện võ của 2 hòa thượng Đức Minh và Thiện Quang mới là trận đấu để đời. Vì cả Đức Minh và Thiện Quang đều là 2 võ sư cao thủ của Võ Lâm phái. Miếng đất mà họ tranh giành để trồng lúa và làm sân luyện võ là hồ Thủy Liêm bây giờ. Theo lời anh Tám Thảo, anh được cha kể lại thì họ giao đấu đến 4 ngày 4 đêm, hết đấu binh khí họ lại đánh quyền cước với nhau. Cuối cùng, hai người quyết định dừng trận đấu, chia đôi mảnh đất để cùng làm ăn.
Chúng tôi tìm gặp một hậu nhân của một võ sư Võ Lâm phái trên núi Cấm là ông Trần Thanh Tùng, hiện đã 65 tuổi. Ông Tùng cho biết, cha ông là ông Trần Văn Trị, trước đây là xã đội chánh (giống xã đội trưởng hiện nay - PV). Theo ông Tùng thì cha ông có mặt trên núi Cấm cùng thời và bằng tuổi với ông Ba Lưới, vị đạo sĩ cuối cùng trên núi bây giờ. Đó cũng là khoảng thời gian hòa thượng Đức Minh, Thiện Quang vừa đến Thất Sơn. Ông Tư Đậu nói, trước đây nghe ông ngoại kể lại các đệ tử Võ Lâm phái thường luyện võ trong rừng.
Cách luyện võ của họ thường là dùng một hình nhân treo thả từ một cành cây to trong rừng, nơi bốn bề lộng gió. Trên tay, chân của hình nhân này sẽ được gắn thêm các loại côn hoặc binh khí. Khi có gió thổi mạnh thì hình nhân sẽ di chuyển, nhưng không có phương hướng nhất định. Khi đó các loại binh khí trên tay hình nhân sẽ vô cùng nguy hiểm, người luyện phải liên tục chống đỡ, né tránh. Luyện tập lâu dần sẽ tạo nên phản xạ nhanh nhạy.
Ông Tám Thảo, hậu duệ đời thứ ba của Võ Lâm phái.
Độc chiến với trăn tinh khổng lồ
Cách đây 15 năm, người dân núi Cấm lại được chứng kiến cảnh một môn đệ của Võ Lâm phái huyết chiến với trăn tinh. Đó là cuộc chiến giữa ông Tám Thảo (hậu duệ đời thứ ba của ông Ba Tài, hiện đang quản lý Cao Đài Tự) và con nưa khổng lồ (con trăn cái màu vàng sống lâu năm) tại vườn su su nhà mình.
Thời điểm đó ông và gia đình ra sức khai phá mảnh đất gần nhà trên núi Cấm để trồng su su. Do mãnh thú ở trên núi lúc này khá nhiều nên gia đình ông phải nuôi tới 9 con chó để đảm bảo an toàn cho người thân. Vào dịp tết Nguyên đán cách đây 15 năm, ông Tám Thảo thấy quanh nhà mình có một thứ gì đó rất lạ khiến đàn chó liên tục kêu rống lên, lúc thì ầm ĩ, lúc lại sủa ăng ẳng, đôi khi chân chúng cứ run lên lẩy bẩy. Ba ngày sau đó ông phát hiện một con chó của gia đình mình bị mất tích khi nó tiễn chú của ông về nhà. Ông cho biết, đường qua nhà ông chú có rất nhiều hang đá (người địa phương gọi là lò ảng), cây cối mọc um tùm là nơi trú ngụ của loài rắn, trăn, nưa hay rắn hổ mây.
Một tháng sau đó, khi ông đang ở vườn su su làm cỏ thì bỗng dưng thấy chú chó đi theo kêu lên vài tiếng ăng ẳng rồi im thin thít. Nghi là có chuyện chẳng lành, ông cầm cây rựa chạy ra xem sự thể ra sao thì bắt gặp một con trăn khổng lồ đang siết chặt con chó của mình. "Nếu như con trăn này nó ăn con khác thì tôi đã không giết nó đâu vì bản tính trăn rất lành, nhưng miếng mồi nó đang hưởng thụ kia lại là con chó thân yêu nhất của tôi nên tôi phải ra tay", Tám Thảo cay cú nói. Vì tiếc chú chó, lại nghĩ về con chó lần trước bị mất mà không rõ nguyên nhân nên ông đổ hết tội cho con trăn này.
Không đắn đo, ông cầm rựa bay thẳng vào nơi con trăn đang cuốn chặt con chó, đập liên tiếp vào đầu nó bằng sống dao. Quá đau, con trăn buộc lòng phải buông miếng mồi ra, quất mạnh đuôi về phía ông khiến đất đá bay bụi mù rồi tìm đường tẩu thoát. "Trăn tinh nhanh nhẹn chui vào lò ảng nhưng tôi đã kịp thời bay đến túm chặt đuôi nó, dùng hết sức kéo nó ra ngoài. Vì tôi nghĩ nếu lúc này mà không bắt nó thì lần sau nó sẽ bắt chó của mình tiếp thì sao", ông Tám Thảo cho biết.
Sau một hồi giằng co với trăn tinh, Tám Thảo dốc hết sức lôi được nó ra khỏi hang, phi thân lên tóm lấy đầu trăn tinh nhưng không may lại bị nó quấn chặt người lại. Trong lúc sống chết, dù bản tính hiền lành nhưng lúc này con trăn đã siết chặt người Tám Thảo ngày một mạnh hơn. Những tiếng kêu răng rắc của khớp xương phát ra từ bên trong cơ thể khiến ông tê liệt. Ông cố gắng làm thân mình mềm lại bằng cách nén khí ép công lực nhằm đánh lạc hướng trăn tinh.
Theo phản xạ, thấy con mồi nằm yên, con trăn phải từ từ buông ra, Tám Thảo chộp lấy cơ hội, túm chắc chắn vào đuôi nó, đồng thời bẻ gập đuôi lại khiến con trăn khổng lồ tê liệt. Có cơ hội thở được, ông lấy hơi gọi vọng về nhà kêu người tới giúp. Người làm công cho ông đang làm vườn cách đó không xa, nghe thấy tiếng chủ liền chạy lại, sau đó cả vợ con ông cũng chạy tới dùng rựa và gậy gộc đập liên hồi vào thân thể con trăn. Theo lời ông Tám Thảo, chỉ khi thân thể nát bấy, con trăn khổng lồ mới chịu buông ông ra...
Đăng Văn - Nguyên Việt
(Còn nữa)