Tôn Ngộ Không là một con khỉ tinh nghịch, có tính cách ngang ngược, hung hăng và thường gây ra nhiều rắc rối. Tuy nhiên, sau khi bị trấn áp dưới núi Ngũ Hành 500 năm, hắn đã dần thức tỉnh và nhận ra lỗi lầm của mình.
Khi được Đường Tăng giải thoát, Ngộ Không đã vô cùng vui mừng, để báo đáp Đường Tăng đã cứu mạng, Tôn Ngộ Không hứa sẽ phò tá Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh.
Đường Tăng dù biết Tôn Ngộ Không là một con yêu hầu đã gây ra nhiều tội tày đình, nhưng ông vẫn sẵn sàng tha thứ cho Ngộ Không và tin tưởng giao cho y trọng trách phò tá đi Tây Trúc thỉnh kinh là một biểu hiện của tình yêu thương và lòng bao dung vô bờ bến.
Điều này đã giúp Tôn Ngộ Không có thêm động lực để tu tâm dưỡng tính, trở thành một con khỉ tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, mặc dù đã bị trấn áp 500 năm, Tôn Ngộ Không vẫn còn tính tình nóng nảy hung hăng, sau khi được giải thoát y đập một gậy chí mạng vào con hổ dữ khiến Đường Tăng sợ quá suýt ngã ngựa.
Có thể nói, Đường Tăng là người phàm xác thịt, Ngộ Không có bản lĩnh thần thông biến hoá. Ngộ Không nhận Đường Tăng làm thầy vì ân cứu khỏi núi Ngũ Hành, vì ăn năn hối lỗi và vâng lời Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhưng nể sư phụ thì có còn phục sư phụ thì chưa.
Điển hình là lúc đánh chết 6 tên cướp chặn đường, lột lấy quần áo và tiền bạc, cười khanh khách khiến Đường Tăng trách mắng, Ngộ Không tỏ ra không hài lòng, bực tức dùng phép cân đẩu vân rồi bay vút về phương Đông.
Qua đây có thể thấy, Đường Tăng sẽ không thể nào chế ngự được bản tính hung hăng, nóng nảy của Ngộ Không chỉ bằng lời nói.
Sau khi Ngộ Không đã bỏ Đường Tăng đi, Quán Âm Bồ Tát hoá thân làm bà lão, tặng cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô cùng bài chú để chế ngự tâm ma của Tôn Ngộ Không.
Sau đó, khi lừa được Ngộ Không đeo vòng kim cô. Đường Tăng mới “thị uy” niệm thử. Lúc này Ngộ Không đau đầu giữ dội, định lấy gậy mà đập chết Đường Tăng nhưng không được đành chỉ biết van xin sự phụ tha thứ.
Kể từ khi bị đeo vòng kim cô trở đi, chỉ cần Tôn Ngộ Không phạm sai lầm, Đường Tăng đều sẽ trừng phạt bằng cách đọc thần chú khiến hắn đau tưởng chết đi sống lại. Từ đó Tôn Ngộ Không đã hạn chế rất nhiều tính cách ngang ngược, nóng nảy của mình.
Việc Tôn Ngộ Không hạn chế tính cách ngang ngược, nóng nảy nhờ vòng kim cô là một minh chứng cho sức mạnh của sự trừng phạt. Tuy nhiên, trừng phạt chỉ là một biện pháp tạm thời, để có thể thay đổi bản thân một cách thực sự, mỗi người cần phải có ý thức và quyết tâm vươn lên.
Quốc Tiệp