Tôn Ngộ Không vốn sinh ra từ một hòn đá ở Hoa Quả Sơn, sau hàng vạn năm hấp thụ tinh hoa của trời đất đã hóa thành một con Thạch Hầu. Thạch Hầu ngộ tính rất cao nên nhanh chóng trở thành người đứng đầu của lũ khỉ ở Hoa Quả Sơn.
Sau đó, Tôn Ngộ Không giác ngộ lẽ vô thường, quyết chí đi tìm đạo để thoát khỏi luân hồi. Lênh đênh vượt biển, lang thang trên bộ mười mấy năm trời, cuối cùng gặp được Bồ Đề Tổ Sư bái làm môn hạ của ông, được đặt tên là Tôn Ngộ Không, học được 72 phép biến hóa và Cân đẩu vân. Sau đó vì quá kiêu ngạo phô trương mà bị đuổi khỏi sư môn.
Không lâu sau khi bị đuổi khỏi sư môn Tôn Ngộ Không đã làm nên những chuyện kinh thiên động điạ, từ đại náo Long cung, Địa phủ đến cả Thiên cung. Tuy nhiên, nếu không có người tiều phu chỉ đường thì Thạch Hầu chưa chắc đã tìm đến được chỗ của Bồ Đề Tổ Sư chứ đừng nói tới chuyện đại náo Thiên cung.
Trong tác phẩm Tây du ký của nhà văn Ngô Thừa Ân, khi Hầu Vương đang lên núi tầm sư học đạo thì nghe thấy tiếng hát của tiều phu, trong đó có đoạn:
“Mặc vinh nhục kệ thị phi; Ung dung điềm đạm ta thì sống lâu.
Gặp nhau Phật Đạo phép màu; Bình tâm tĩnh tọa giảng câu hòa bình”.
Hầu Vương lần theo tiếng hát đến gần tiều phu nói: “Xin kính chào vị thần tiên!”.
Tiều phu nói: “Ta chỉ là một tiều phu, hằng ngày chặt củi mang vào thành bán kiếm vài quan tiền vừa đủ để phụng dưỡng mẫu thân già yếu, làm sao dám nhận hai chữ thần tiên chứ”.
Hầu Vương: “Ta vừa nghe rõ rằng ngài hát bài hát của thần tiên đấy thôi!”.
Tiều phu: “Chả là nhà ta ở gần núi Linh Đài Phương Thốn, động Tà Nguyệt Tam Tinh, nơi đó có Bồ Đề Tổ Sư, ông ấy đã dạy ta hát bài hát này”.
Hầu Vương: “Sư tổ Bồ Đề à, ông ấy ở đâu vậy?”.
Tiều phu: “Cứ đi theo đường núi này sẽ tới nơi”.
Từ tình tiết trên, có thể thấy tiều phu một mình gánh củi ở trong rừng, nhưng khi gặp Hầu Vương, một con khỉ nói tiếng người nhưng lại không chút sợ hãi, phong thái vẫn ung dung điềm đạm, ứng đáp từng câu từng chữ rành mạch rõ ràng, hơn nữa lại cực kỳ thông hiểu thần tiên, quả không giống với một người đốn củi bình thường.
Quả thật có rất nhiều giả thuyết về nhân vật tiều phu này. Kính mời độc giả đón đọc trong phần tiếp theo.
Còn tiếp…
Quốc Tiệp (t/h)