Ra đời đã mấy trăm năm, nhưng Tây du ký cho đến nay vẫn giữ được sức hút đặc biệt đối với khán giả. Bên cạnh Đường Tăng, Trư Bát Giới, Sa Tăng thì Tôn Ngộ Không là nhân vật nổi bật được xây dựng thành công với hình tượng thần thông quảng đại, hành hiệp trượng nghĩa.
Nhắc đến Tôn Ngộ Không, mọi người đều nhớ ngay tới một con Thạch Hầu học được thuật trường sinh, lại có 72 phép biến hóa thần thông vì vậy có bản lĩnh sánh ngang với trời đất. Ngọc Đế từng sai 10 vạn thiên binh, thiên tướng hạ phàm giáng yêu nhưng đều thất bại.
Trong số đó có Tứ đại Thiên Vương, Lý Tịnh, Tam Thái Tử Na Tra đều là những vị thần có pháp lực thuộc hàng mạnh nhất trên Thiên giới nhưng cũng chịu đầu hàng trước gậy Như Ý của Ngộ Không.
Chỉ đến khi cháu của Ngọc Đế là Nhị Lang Thần ra tay, ông và Tề Thiên Đại Thánh đã đại chiến những trận long trời lở đất, dùng từ mưu trí, binh khí cho đến tài năng biến hóa thần thông.
Nếu so về binh khí thì gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không được đúc thành từ lò Bát Quái, tôi luyện qua sức nóng của Tam Muội Chân Hỏa và được hấp thụ hào quang của nhật nguyệt.
Gậy Như Ý có thể tùy ý biến hóa to nhỏ ngắn dài, nặng tới 1 vạn 3 ngàn 5 trăm cân nên nếu trúng một gậy này dù yêu ma quỷ quái hay tiên nhân đắc đạo cũng khó tránh khỏi thần hồn tiêu tán, vạn kiếp bất phục.
Còn Tam Tiêm Đao của Nhị Lang Thần là do Giao Long ba đầu hóa thành. Giao Long vốn là một đại yêu quái có yêu thuật cao minh, nó từng bóp nát trái tim của Dao Cơ tiên tử nên tự thân Tam Tiêm Đao mang trong mình linh tính và pháp lực mạnh, khó có thần binh nào sánh kịp. Nhưng nếu đặt cạnh gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không thì vẫn chưa thể sánh bằng.
Nhưng xét về phép thuật, Dương Tiễn và Tôn Ngộ Không đều biết 72 phép thần thông biến hóa. Khi giao chiến với Tôn Ngộ Không trong trận đại náo Thiên cung, Dương Tiễn đã buộc Tôn Ngộ Không phải dùng 72 phép biến hóa để tháo chạy.
Khi Ngộ Không biến thành rắn thì Nhị Lang Thần biến thành loài chim ăn rắn, Ngộ Không biến thành chim ưng thì Nhị Lang liền biến thành cung tên bắn xuyên trời… Nhị Lang Thần và Tôn Ngộ Không đã đại chiến long trời lở đất. Hai bên quyết đấu bất phân thắng bại.
Từ đó dẫn đến những tranh cãi không có hồi kết về chuyện, Tôn Ngộ Không hay Nhị Lang Thần, ai mới là chiến thần mạnh nhất Tây du ký?
Rõ ràng so về sức mạnh của Ngộ Không và Nhị Lang Thần thì quá khó vì nếu Tôn Ngộ Không được hào quang của Phật pháp bảo hộ nên có bãn lĩnh và công lực đứng đầu vạn vật, thì Nhị Lang Thần Dương Tiễn lại được sự bảo trợ của Viêm Đế. Thế nên có thể xem thực lực của Tôn Ngộ Không và Nhị Lang Thần là ngang nhau.
Tuy nhiên, có một chi tiết mà nhiều người ít chú ý tới, đó là trong nguyên tác hay phim Tây du ký 1986 khi Nhị Lang Thần giao đấu với Tôn Ngộ Không, Tề Thiên Đại Thánh đã biến thành Nhị Lang Thần đến tận phủ của ông để đùa cợt, đủ để thấy Ngộ Không không hề e sợ Nhị Lang Thần. Ngoài ra, Nhị Lang Thần cũng không hề một mình giao chiến với Tôn Ngộ Không mà còn có trợ thủ đó là Hạo Thiên Khuyên (có bản dịch Hao Thiên Khuyển hay Khao Thiên Khuyên).
Nói về Hạo Thiên Khuyển, đây không phải là con chó tầm thường, mà nó là thần khuyển dũng mãnh - sủng vật mạnh nhất trong hệ thần. Nó có pháp lực cao cường, từng cắn cổ Triệu Công Minh, cắn bả vai Bích Tiêu, cắn vòng chân mới của Dương Tiễn (lúc mới gặp)... đều là những nhân vật có pháp lực cao cường.
Hạo Thiên Khuyển vốn là chó kéo xe của Viêm Đế, sau đó thuộc sở hữu của Nhị lang thần, con chó này từ đó theo phò trợ cho Nhị Lang Thần diệt yêu trừ ma, trở thành một trong những pháp bảo nổi tiếng khiến biết bao yêu ma quỷ quái hãi hùng. Thậm chí, có lời đồn rằng các hiện tượng thiên nhiên kỳ quái như nguyệt thực, nhật thực xảy ra là do loài thiên khuyển này tác quái.
Tuy nhiên, dù cả Nhị Lang Thần và Hạo Thiên Khuyển kết hợp cũng vẫn không thể nào khắc chế được Tôn Ngộ Không, nên Thái Thượng Lão Quân liền ném Kim Cang Trác trúng đầu Ngộ Không, đồng thời Hạo Thiên Khuyển lao vào cắn chân Ngộ Không, Dương Tiễn mới nhân cơ hội đánh ngã và bắt sống được Tề Thiên Đại Thánh.
Qua đó có thể thấy, ở thời kỳ đỉnh cao Tôn Ngộ Không có thể đại náo Thiên cung khiến người người khiếp sợ, không phải chỉ dựa vào may mắn mà còn có bản lĩnh chọc trời khuấy nước thực sự. Tôn Ngộ Không bị đánh bại do ông chỉ có một mình đơn độc chiến đấu, nếu khi đó Tề Thiên Đại Thánh có được sự giúp sức của 6 ma vương (huynh đệ kết nghĩa với Tôn Ngộ Không), thì có thể sẽ dẫn đến một cuộc đại chiến giữ tiên giới và yêu ma với qua mô rộng lớn hơn và đáng sợ hơn nữa.
Quốc Tiệp (t/h)