Tây du ký 1986 là bộ phim thành công nhất trong tất cả các phiên bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Ngô Thừa Ân. Không chỉ ghi tên mình vào danh sách các tác phẩm kinh điển của điện ảnh Hoa ngữ, sự thành công của bộ phim này đã giúp Dương Khiết trở thành nữ đạo diễn tài danh, huyền thoại, bộ phim còn tạo ra loạt các nhân vật kinh điển, từ dàn diễn viên chính như Tôn Ngộ Không của Lục Tiểu Linh Đồng, Đường Tăng của Từ Thiếu Hoa và Trì Trọng Thuỵ, Trư Bát Giới của Mã Đức Hoa… đến diễn viên phụ thời lượng xuất hiện ít ỏi như Tây Lương nữ vương của Chu Lâm hay Phật tổ Như Lai của Chu Long Quảng...
Sau hơn 36 năm, Tây du ký 1986 đã trở thành bộ phim kinh điển và khó có thể thay thế. Tuy nhiên rất nhiều chi tiết trong tác phẩm này không chuẩn xác như nhiều người nghĩ.
Trong phim Tây du ký 1986, Tôn Ngộ Không xuất thân là một con khỉ sinh ra từ tảng đá Tiên hấp thụ linh khí của trời đất và tinh hoa của nhật nguyệt, theo Bồ Đề Tổ Sư giải thích, đó là do "Trời Đất sinh ra". Sau này, với bản tính nghịch ngợm và không sợ bất cứ điều gì, Tôn Ngộ Không xuống Đông hải, đoạt lấy Như Ý Kim Cô Bổng (Định Hải Thần Châm) và một bộ khuê giáp.
Tôn Ngộ Không mạnh đến mức có thể đánh bại Lý Thiên Vương, Na Tra và Cự Linh Thần, đại náo toàn bộ thiên cung. Thấy vậy, Ngọc Hoàng đành phải nhờ tới Phật Tổ ra tay giúp đỡ, thành công chế ngự được "con khỉ đá". Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành Sơn 500 năm cho đến khi được Đường Tăng đi qua cứu thoát.
Sau khi rời khỏi ngọn núi đã đè nặng lên thân mình suốt mấy trăm năm, Tôn Ngộ Không một lòng đi theo Đường Tam Tạng đến Tây Thiên thỉnh kinh. Chướng ngại vật đầu tiên mà hai thầy trò gặp phải chính là một con hổ trong núi, thấy sư phụ kêu cứu, Tôn Ngộ Không xuất hiện và nói: "Bảo bối gậy Như Ý 500 năm nay chưa được dùng, ngươi chính là kẻ nạp mạng đầu tiên!".
Giết chết con hổ lớn, Tôn Ngộ Không liền lột da và mang theo bên mình. Trong hôm đó, Đường Tăng thức cả đêm để may thành chiếc áo choàng cho đồ đệ.
Đường Tăng khâu tấm da hổ thành áo cho Tôn Ngộ Không: "Trời lạnh rồi, ta thấy áo của ngươi rất mỏng, tấm da hổ này vừa hay thành áo khoác cho người tránh rét”.
Lúc này Tôn Ngộ Không phấn khích nhảy nhót rồi hỏi lại: "May cho tôi ư?", tới mức khiến Đường Tăng vô ý đâm kim vào tay. Nhưng vị hòa thượng vẫn điềm tĩnh nói: "Ta không sao".
Cảnh phim đã khiến người xem vô cùng cảm động vì tình cảm Đường Tăng dành cho Tôn Ngộ Không vì hành động khâu áo cho đồ đệ.
Không chỉ là một món đồ trang trí trên người thông thường, có nhiều khán giả cho rằng, mảnh da hổ này mang nhiều lớp nghĩa hơn thế. Từ xa xưa, hổ luôn được coi là chúa sơn lâm, tượng trưng cho sức mạnh của thiên nhiên. Vì thế, qua việc đánh bại con hổ và mặc da hổ lên người, nhân vật Tôn Ngộ Không được hiểu rằng đã đánh bại một sức mạnh to lớn, làm chủ được tự nhiên. Xứng đáng với danh hiệu Tề Thiên Đại Thánh.
Trên một khía cạnh khác, có người cho rằng hình tượng Tôn Ngộ Không được mô phỏng theo một vị thần trong đạo của người Ấn Độ. Vị thần này được miêu tả có tính cách hung dữ, nhiều tay chân, biết dùng tất cả các loại vũ khí và khoác trên hông một tấm da hổ. Vị thần này tài giỏi, thông minh và được coi như thần bảo hộ cho con người.
Tuy nhiên, có một sự thật là Đường Tăng không hề may áo cho Ngô Không, theo nguyên tác, Tề thiên đại thánh khi nhìn thấy sư phụ cởi một tấm vải trắng ra đã tự dùng kim chỉ may cuốn quanh người. Sau khi Ngộ Không tới hỏi Đường Tăng trông có đẹp không, Đường Tăng khen đẹp ba lần rồi mới tặng lại tấm vải cho Tôn Ngộ Không làm áo.
Quốc Tiệp (t/h)