Sau khi tức giận vì bị tiểu đồng của Trấn Nguyên đại tiên xúc phạm, nổi máu tam bành, Tôn Ngộ Không liền đạp đổ cây nhân sâm vạn năm quý báu của vị địa tiên Trấn Nguyên đại tiên.
Trong đêm hôm ấy, 4 thầy trò Đường Tăng chạy trốn khỏi Ngũ Trang quán.
Clip Trấn Nguyên Đại Tiên bắt phạt 4 thầy trò Đường Tăng vì tội làm đổ cây nhân sâm quý, hứa kết nghĩa huynh đệ với Tôn Ngộ Không nếu y làm cây sâm sống lại:
Phát hiện 4 thầy trò Đường Tăng trốn sau khi đánh đổ cây nhân sâm quý, Trấn Nguyên Tử cưỡi mây lành đuổi theo, đằng vân một cái đi được một vạn dặm, trong khi thầy trò bốn người đi cả một ngày một đêm vẫn chưa được 100 dặm, Trấn Nguyên Tử lại phải đi vòng lại 9.000 dặm, đáp mây xuống bắt giữ 4 thầy trò đến 2 lần liền.
Vị Đại Tiên thấy bốn người biến mất không còn tung tích đâu nữa, liền than rằng: "Con khỉ này từng đại náo thiên cung, quả thật bản lĩnh không tầm thường. Ta không thể dung túng cho nó, tránh ngày sau gây thành họa lớn, trước mắt vẫn là đuổi theo, bắt nó về hỏi tội".
Trói bốn thầy trò, Trấn Nguyên Tử trách mắng Đường Tăng không biết dạy đồ đệ, lại vung mạnh cây roi muốn đánh đòn.
Trấn Nguyên Đại Tiên quyết định chiên dầu Tôn Ngộ Không, nhưng Ngộ Không lại dùng thần thông đem sư tử đá ngoài cổng biến thành hình dạng của mình, quẳng vào trong vạc dầu, khiến cho cái vạc bị đập thủng.
Trấn Nguyên Tử thấy không bắt được Tôn Ngộ Không, lại đổi sang một vạc dầu khác, ra lệnh luộc Đường Tăng.
Ngộ Không thấy sư phụ sắp bị luộc, vội vàng cầu xin Trấn Nguyên Đại Tiên, nói bản thân mình đã sai, hứa sẽ đi bù đắp, chỉ xin đừng làm khó Đường Tăng nữa.
Trước khi đi, Tôn Ngộ Không và Trấn Nguyên đại tiên giao ước: "Ta biết chuyện của ngươi, biết bản lĩnh của ngươi. Nếu con khỉ nhà ngươi cứu sống cây nhân sâm của ta, ta sẽ xin kết nghĩa làm anh em".
Ngộ Không lém lỉnh: "Có gì mà khó. Ông hứa rồi đấy nhé!".
Quả đúng như vậy, Ngộ Không đi khắp tam đảo mười châu, cuối cùng được Phổ Đà gặp Quan Âm Bồ Tát giúp cứu sống cây nhân sâm.
Quan Thế âm phán rằng: "Nước Cam Lồ trong tịnh bình của ta chữa được cây tiên".
Sau khi cây nhân sâm được cứu sống, theo lời giao ước, Trấn Nguyên Tử Đại Tiên đã kết bái huynh đệ cùng với Tôn Ngộ Không. Thầy trò năm người lại tiếp tục lên đường.
Suy cho cùng, tác phẩm Tây Du Ký là một ẩn dụ lớn cho quá tình tu tập tìm chân thân, bản ngã của mỗi con người.
Còn với 4 thầy trò Đường Tăng, mọi chuyện chỉ mới bắt đầu. Con đường thỉnh kinh xa xôi vạn lý, gian hiểm trùng trùng thật khiến lòng người cảm khái mãi không thôi.
Lại nói về chuyện cây nhân sâm.
Trước khi tiến hành quay những cảnh phim trên núi Thanh Thành, đạo diễn Dương Khiết đã yêu cầu cho nghệ sĩ thiết kế mỹ thuật Mã Vận Hồng ở lại dưới núi tìm địa điểm quay cảnh cây nhân sâm.
Cây cối trên núi thường khá dày và tập trung, không được phép chặt phá, cũng không có khu đất trông rộng rãi để quay.
Việc này không quan trọng địa điểm ở đâu, chỉ cần có là được, nếu có chụp lại hình và gửi lên núi cho Dương Khiết xem xét, phù hợp sẽ cho người tiến hành mô phỏng dựng một cây giả thật lớn.
Vào phút chót, đoàn làm phim đã tìm thấy "cây nhân sâm", đó chính là cây ngân hành của nhân vật lịch sử Trương Tòng đời Hán cho trồng với tuổi đời hơn 1.700 năm, chiều cao 6,3m, nằm trong công viên văn hóa Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Về những quả nhân sâm trong nguyên tác, cái khó là để tái hiện lại hình ảnh quả nhân sâm trên phim sao cho chân thật nhất, làm sao để biến một loại quả không có thật thành loại quả có thật cho các nhân vật Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng có thể cắn ăn ngon lành?
Dương Khiết mời nghệ sĩ mỹ thuật Trương Liệt Quân từ Kịch viện Nghệ thuật Nhân dân Tứ Xuyên tới giúp sức tạo hình và tạo ra số lượng lớn quả nhân sâm như yêu cầu của nữ đạo diễn.
Sau nhiều bàn bạc, cuối cùng, Trương Liệt Quân và đạo diễn Dương cùng bàn bạc và quyết định sử dụng củ đậu của vùng Tứ Xuyên tạo hình nên những quả nhân sâm huyền thoại.
Ban đầu, Trương Liệt Quân dùng dao và điêu khắc những củ đậu cho có hình những em bé trong tư thế ngồi, sau đó phủ lớp màu thực phẩm ra bên ngoài một cách khéo léo sao cho thật giống một loại trái cây nhất có thể.
Và nhờ có sự nhiệt tình của Liệt Quân, chỉ trong một ngày miệt mài ông đã tạo ra hàng trăm quả nhân sâm để từ đó, trong lịch sử tạo hình Trung Quốc, hình ảnh quả nhân sâm trẻ em đã đi vào huyền thoại.
(Còn nữa)
Minh Anh