Sau khi lặng lẽ rút khỏi các vòng đua, “gác kiếm, mai danh” trong ánh hào quang, Đặng Văn Quý vẫn hàng ngày vẫn âm thầm gắn bó với nghiệp xe cộ.
Gặp người đàn ông giản dị này tại tiệm sửa xe Đặng Văn Quý (ĐVQ) nằm đối diện chợ Chim Xanh (đường Bình Thời, quận 11, TP.HCM). Khi nhắc đến chuyện đua xe, ánh mắt ông vẫn rạng ngời phấn khích, như tìm thấy người có niềm đam mê với mình.
Khi nói đến chuyện đua xe, đôi mắt Đặng Văn Quý vẫn rạng ngời phấn khích
Ông bắt đầu tâm sự về cái duyên với nghiệp xe của mình. Đó dường như đã biến thành cái nghiệp gắn bó với cả đời ông. Ông Quý nhận định: “Tôi có duyên với xe máy, cái duyên đó đã bén thành nghiệp suốt đời tôi”.
Nghiệp xe cộ ngấm vào ông từ thuở ông còn ấu thơ. “Mười một tuổi tôi bắt đầu học việc tại một tiệm sửa xe, ban đầu là xe đạp, nhưng khi được tiếp xúc với xe máy là tôi mê luôn”, người đàn ông có mái tóc hoa râm này cho hay.
Từng chi tiết máy móc trên chiếc xe máy đều thôi thúc ông khám phá, nếu chỉ dừng lại ở công việc sửa chữa thôi thì không đủ. Ông Quý cho biết: “Phải ngồi trên xe, cảm nhận từng chuyển động của nó mới thỏa mãn lòng say xe của tôi”.
Những năm 1960, làng thể thao giải trí Sài Gòn luôn được đốt nóng bởi những giải đua xe máy. Lúc đó dù mới 11 tuổi nhưng Đăng Văn Quý bị cuốn hút bởi những vòng đua tại trường đua Phú Thọ. Và ông đã tham gia giải đua.
Nhưng ĐVQ không thể góp mặt, bởi theo quy định của ban tổ chức, các tay đua phải trên 18 tuổi và có cam kết của cha mẹ, nên mãi đến năm 1967, ĐVQ mới khởi nghiệp bằng cách dự giải đua xe máy tại sân bóng Cộng Hòa (nay là SVĐ Thống Nhất). Năm 1969, ông đã đoạt danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp.
Chỉ về tấm cờ, danh hiệu đầu tiên được treo trên tường, ông Quý cho biết: “Trong gia đình, chỉ cỏ mẹ là người không muốn tôi đi theo nghiệp của một tay đua vì mức độ nguy hiểm của cái nghề này. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến mãi tới năm 20 tuổi tôi mới có được sự chấp thuận của người mẹ để tham gia giải đua tại sân banh Cộng Hòa. Tuy lần đầu tham gia nhưng tôi nhập cuộc với một kết quả không tệ khi cưỡi trên chiếc Ru-mi Rô-ben (Đức) và cán đích ở vị trí thứ tư”.
Trong suốt sự nghiệm gắn bó với đường đua, Đặng Văn Quý gặt hái được hầu hết các danh hiệu. Và trở thành một huyền thoại, một tay đua bất khả chiến bại
Khác với các tay đua khác, mặc dù những lần đầu tham gia đua ông rất run nhưng không bao giờ ông dùng tới rượu để ổn định tâm lý như những tay đua khác. Và sau mỗi vòng đua, dù tập hay chính thức, ông luôn bỏ thời gian ngồi suy nghĩ lại các động tác, kỹ thuật về lên giảm ga hay số… để rút kinh nghiệm.
Trước mỗi vòng đua các vận động viên sẽ được ban tổ chức cho chạy thử để làm quen với đường đua, kiểm tra xe, ông Quý thường không thử tay lái cùng với những vận động viên khác vì điều đó theo ông rất dễ bị đối thủ nắn gân. Ông thường tập một mình để giấu đi những ngón nghề của cá nhân…
“Một tuần trước giải, ban tổ chức các giải thường dành đường đua để vận động viên thử tay lái, kiểm tra xe. Để giấu nghề, trong tập luyện, riêng phần tăng tốc hay giảm tốc tôi đều giấu tay ga, các đối thủ không ai đoán được đâu là thực đâu là ảo” – ông Quý cười.
Tuy nhiên, để có được chiếc xe đua như ý, ĐVQ còn phải nhờ thầy mình là Tám Giàu giúp hoàn thiện cực tốt phần máy xe, đặc biệt là xoáy nòng, canh xăng, canh lửa, độ nhông sên đĩa để đạt được công suất tối đa sau mỗi cú vẩy tay ga.
An Nguyên
Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Để chia sẻ thông tin, hình ảnh về những chiếc xe độc đáo, xin mời độc giả gửi thư về email: toasoan@nguoiduatin.vn