Trên tờ Sydney Morning Herald của Australia, tác giả Guy Wilkinson đã chia sẻ những trải nghiệm khó quên sau chuyến khám phá Sài Gòn trên xe máy do một phụ nữ Việt Nam lái.
Có 5 triệu chiếc xe máy ở thành phố Hồ Chí Minh. Đây thực sự là một con số rất lớn. Nhưng bạn chỉ có thể cảm nhận được điều này khi ngồi trên một chiếc xe máy và tham gia vào dòng chảy giao thông hỗn loạn của thành phố vào buổi sáng sớm.
Bám chặt vào phía sau một chiếc Vespa, tôi phải đấu tranh với bản thân mình trong khi người hướng dẫn viên của tôi lướt đi một cách bình thản qua một "tổ ong bắp cày" gồm đủ loại xe máy, ô tô, xe tải, nối đuôi nhau chạy qua một đám mây mù khí thải.
> Đọc thêm: Nhà hàng Bắc Kinh kỳ thị người Nhật, Philippines và Việt
Phải cảm ơn cô Ngô Thị Ánh, người đang chở tôi đi. Dù chỉ cao khoảng 1m50, cô vẫn dễ dàng điều khiển chiếc xe, điều mà cô đã thành thạo từ khi mới 15 tuổi.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là công viên Tao Đàn. Tại đây, tôi gặp Tùng – một Việt kiều Mỹ đã quyết định mở một công ty du lịch bằng xe máy với các tay lái kiêm hướng dẫn viên là các cô gái Việt Nam cách đây 2 năm.
Tùng chia sẻ: “Mọi người đã cho rằng tôi bị khùng. Họ lo ngại về sự an toàn cũng như ý định lệch lạc, nhưng tôi cho rằng nếu bạn muốn hiểu văn hóa Việt Nam, bạn phải nói chuyện với một người phụ nữ. Họ tham gia vào tất cả các khía cạnh khác nhau của cuộc sống, điều này sẽ giúp bạn có một cái nhìn sâu sắc hơn. Phụ nữ cũng là những người điều khiển xe máy thận trọng hơn nam giới”.
Vượt qua những hoài nghi ban đầu, công ty của Tùng – có tên là Tours XO cho đến nay đã gặt hái thành công lớn. Các chuyến tham quan của công ty tập trung vào các địa điểm ẩm thực, cuộc sống về đêm, các điểm tham quan mang tính biểu tượng hoặc cũng có thể đi theo hành trình riêng biệt do du khách yêu cầu. Tùng đã chỉ cho tôi về một mặt cắt ngang của nền văn hóa mà hầu hết du khách có thể không nhìn thấy.
Bây giờ vẫn còn rất sớm. Trên khắp công viên, những người đàn ông đang ngồi trên ghế nhựa nhấm nháp cà phê đá trong nắng mai. Một số thì chơi cờ, nhưng hầu hết đến đây vì một lý do khác, để nghe chim hót. Hàng chục lồng chim bằng gỗ nhốt những chú chim sáo, hoạ mi, chim sơn ca… nằm rải rác trên bãi cỏ hoặc treo trên các cành cây.
Từ 6h sáng, các quý ông thuộc đủ các tầng lớp xã hội tụ tập lại đây, chỉ đơn giản là để ngồi và lắng nghe. Mặc dù hầu hết những chú chim chỉ có giá trị vào khoảng 30 – 50 USD, cũng có những chú chim sở hữu giọng hót đặc biệt có giá lên đến hàng nghìn USD. Những người chủ thường thả những chú chim yêu dấu nhất về thiên nhiên khi chúng già như một hình thức khen thưởng.
Chúng tôi vào một quán có tên “Phở Bình” gần đó để ăn sáng bằng phở - món ăn truyền thống của Việt Nam. Đây là một địa điểm khá đặc biệt, nơi một nhóm chiến sĩ Việt Cộng đã lên kế hoạch cho một cuộc tổng tấn công táo bạo dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968.
Cuộc tấn công này đã khiến quân Mỹ bị bất ngờ. Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã bị chiếm đóng trong vòng 8 tiếng trước khi lính Mỹ giành lại quyền kiểm soát.
Trung tâm căn phòng giờ đây là một bàn thờ bằng gỗ. Có cả tấm ảnh đen trắng ghi lại chân dung của những người đã tham gia trận chiến.
Bản kế hoạch của cuộc chiến đã được cất giấu phía sau một bức tranh Phật. Từ cửa sổ căn phòng có thể nhìn ra con hẻm nhỏ, nơi những chiếc xe máy đã tập kết để chở các chiến binh lâm trận.
Sau bữa sáng, chúng tôi lại rong ruổi trên xe máy. Ngô Thị Ánh tiếp tục chứng minh năng lực kỳ lạ của mình: vừa lái xe trên đường phố vừa trò chuyện với tôi một cách vui vẻ.
Tại chợ Tân Định, một địa điểm du lịch thay thế cho chợ Bến Thành nổi tiếng hơn, chúng tôi đi lang thang qua các cửa hàng bán đủ thứ như các loại gia vị kỳ lạ, vải vóc, vải lụa, thịt và cá… Một người bán hàng giơ một xâu ếch lên trước mặt tôi cười nhăn nhở trong khi tôi chết khiếp.
Đồ may mặc ở Việt Nam khá phong phú, trong khi giá rất rẻ, theo tiêu chuẩn Australia của tôi. Với kinh nghiệm mua sắm của mình, Ánh đưa tôi ra đường Nguyễn Trãi, con đường trải dài từ Quận 1 đến Quận 5.
Địa điểm tham quan cuối cùng của chuyến du lịch bằng xe máy là Bưu điện trung tâm thành phố được thiết kế bởi kiến trúc sư Gustave Eiffel. Tôi gặp ông Dương Văn Ngô 83 tuổi, người làm nghề phiên dịch và viết thư tại đây từ khi 17 tuổi. Với tuổi đời mình, ông là một là một nhân chứng sống của tòa nhà lịch sử này…
Ánh đưa tôi mũ bảo hiểm để bắt đầu quay về. Chúng tôi từ từ thả mình xuống con đường dốc, tăng tốc, và một lần nữa lại bị nuốt chửng vào dòng chảy giao thông náo nhiệt của thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Kiến thức