Đồng khô, ruộng khát
Tháng 3 là thời gian cao điểm, các tỉnh Tây Nguyên đang phải gồng mình “chống chọi” với một mùa khô khốc liệt. Thời tiết nắng nóng, mực nước tại các sông, suối bắt đầu khô cạn, hàng trăm ha hoa màu của người dân đứng trước nguy cơ hư hại do thiếu nước tưới. Bên cạnh đó, nguy cơ cháy rừng đang là nỗi lo của các cấp chính quyền địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, đến nay, toàn tỉnh xuống giống được 73.209,6ha cây trồng vụ Đông Xuân, đạt 92,1% kế hoạch, bằng 100,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lúa nước là 24.716,5ha, bắp 2.780,9ha, đậu các loại 4.214,7ha, dưa các loại 13.388,5ha, thuốc lá 4.346,3ha, mía trồng mới 6.132,8ha và cây hàng năm khác 3.747ha.
Hiện nay, mực nước tại các sông suối, ao hồ, mạch nước ngầm ở một số địa phương đang giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây trồng.
Thực tế, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, tại các huyện ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng khiến hàng trăm ha lúa nước, hoa màu của người dân bị hư hại không thể phục hồi.
Điều đáng nói, Sông Ba - một con sông lớn, nguồn cung cấp nước tưới chủ đạo của nhiều địa phương nay đang ở mức “báo động đỏ”. Điển hình như đoạn chảy qua địa bàn huyện Ia Pa đã cạn kiệt. Dòng sông trơ đáy khiến 8 trạm bơm lấy nước từ lòng sông không thể hoạt động hết công suất.
Trạm bơm điện của Hợp tác xã Nông nghiệp Chư Mố gồm 4 máy bơm, phục vụ nước tưới cho gần 200ha lúa nước. Tuy nhiên, khoảng nửa tháng nay, trạm bơm này chỉ hoạt động được 2 máy vì nước sông gần như khô cạn.
Ông Kpă Kju, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Chư Mố cho biết: “Khoảng hơn 2 tuần qua, mực nước Sông Ba xuống rất thấp, gây nhiều khó khăn cho HTX trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dù HTX đã huy động máy múc và huy động người dân cùng đắp đập, chặn dòng để dẫn nước vào bể hút của trạm bơm nhưng cũng chỉ hoạt động được 2/4 tổ máy".
Tình trạng tương tự, tại cánh đồng thôn Đoàn Kết, với gần 300ha cây trồng của hơn 40 hộ dân thuộc các xã: Ayun Hạ, Ia Ake và thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện đang đối mặt với nguy cơ mất trắng do thiếu hụt nguồn nước tưới.
Tại đây, hầu hết các diện tích cây trồng đều đang khô héo, đặc biệt là các diện tích lúa gần như cháy khô, không còn khả năng cứu vãn. Người dân nơi đây chỉ có 2 lựa chọn, hoặc là gặt lúa về làm thức ăn cho gia súc hoặc tự bỏ kinh phí khoan giếng tìm nguồn nước cứu cây lúa và hoa màu của mình.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Vũ Văn Khiển (trú tại thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện) cho biết, gia đình ông có 12ha đất trồng lúa nước, nhưng do nắng hạn đã làm 6ha bị cháy khô, không thể cứu được.
Theo ông Khiển, mỗi ha lúa, gia đình ông đầu tư từ 35 đến 40 triệu đồng cho cây giống, phân, thuốc và công cày. Nếu thu hoạch bình thường, 12ha lúa này mang về nguồn thu gần 1 tỷ đồng, nhưng giờ coi như mất đi một nửa.
Cùng chung hoàn cảnh, anh Siu Thuyên, một nông dân khác ở xã Ia Ake, (huyện Phú Thiện) than thở: "Năm nay, nắng hạn đã làm cho 2,5ha lúa nước của gia đình bị chết khô, còn lại 1,5ha cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Gia đình đã đầu tư nhiều tiền cho giống, phân, thuốc và công cày. Nếu như năm ngoái, gia đình tôi có thể thu về 10 tấn lúa/ha, thì năm nay chỉ còn khoảng 7 tấn".
Đầu tư, xây dựng các dự án thuỷ lợi
Ông Trần Minh Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện la Pa cho biết: “Để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra trong vụ Đông Xuân 2023-2024, ngay từ đầu vụ, phòng đã xây dựng lịch thời vụ, hướng dẫn người dân sản xuất giống lúa ngắn ngày, gieo sạ sớm hơn mọi năm 10-15 ngày.
Tuy nhiên, năm nay mực nước trên sông Ba và suối Đak Pi Hao đang khan hiếm khiến các trạm bơm không thể hoạt động hết công suất để cấp nước cho các đồng ruộng. Dọc sông Ba có 8 trạm bơm điện với 19 tổ máy cung cấp nước tưới cho khoảng 550ha lúa nước. Từ ngày 17/2 đến nay, mực nước trên sông Ba rất thấp, không đủ để các trạm bơm hoạt động".
Còn tại các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Chư Păh… dù chưa xuất hiện tình trạng khô hạn nhưng mực nước tại các sông suối, ao hồ, đập thủy lợi đã bắt đầu sụt giảm.
Anh Nguyễn Văn Thế (thôn 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết: “Tôi đang tưới đợt 2 cho vườn cà phê. Những năm trước, mực nước tại hồ thủy lợi đảm bảo tưới cho đợt 3, thậm chí đợt 4. Tuy nhiên, năm nay, nắng gắt kéo dài nên mực nước giảm nhanh hơn. Thời gian tới, nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài thì khả năng thiếu nước tưới cho cà phê là rất lớn. Giờ chỉ biết hy vọng năm nay xuất hiện mưa trái mùa sớm, để cây cà phê không bị hạn ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng”.
Ông Bùi Trọng Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho biết, khu vực cánh đồng thôn Đoàn Kết hiện vẫn chưa có hệ thống trạm bơm và kênh mương cấp nước, vì vậy tình trạng thiếu nước vào mùa khô thường xuyên xảy ra.
Nhất là năm nay, mùa mưa kết thúc sớm khiến cho nguồn nước thiếu hụt nghiêm trọng. Nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía tỉnh Gia Lai, nhiều khả năng người dân khu vực này sẽ mất trắng vụ mùa năm nay.
“Để giải quyết tạm thời tình hình, trước mắt, địa phương đã sử dụng trạm bơm điện dã chiến đặt tại kênh chính thuỷ lợi Ayun Hạ, lắp đặt đường ống dẫn nước bơm nước liên tục vào lòng suối Ia Ake để người dân tự bơm vào ruộng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không thể đáp ứng được nhu cầu nước tưới lâu dài cho cánh đồng thôn Đoàn Kết”, ông Thành nói.
Còn tại các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Ia Grai, Chư Păh, dù chưa xuất hiện tình trạng khô hạn nhưng mực nước tại các sông suối, ao hồ, đập thủy lợi đã bắt đầu sụt giảm.
Anh Nguyễn Văn Thế (thôn 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho biết: “Tôi đang tưới đợt 2 cho vườn cà phê. Những năm trước, mực nước tại hồ thủy lợi đảm bảo tưới cho đợt 3, thậm chí đợt 4. Tuy nhiên, năm nay, nắng gắt kéo dài nên mực nước giảm nhanh hơn. Thời gian tới, nếu thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài thì khả năng thiếu nước tưới cho cà phê là rất lớn. Giờ chỉ biết hy vọng năm nay xuất hiện mưa trái mùa sớm để cây cà phê không bị hạn ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng”.
Bên cạnh vấn đề thiếu nước tưới cho cây trồng, công tác phòng chống cháy rừng cũng là nhiệm vụ cấp thiết được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu.
Vừa qua ngày 5/3, đoàn công tác Cục Kiểm lâm, (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm làm trưởng đoàn, đã kiểm tra công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tại tỉnh Gia Lai.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm đánh giá cao công tác bảo vệ và PCCCR của các lực lượng chức năng và chủ rừng trong mùa khô 2023-2024, khi đã xây dựng các phương án rõ ràng, công tác trực, xử lý thực bì, đốt trước có kiểm soát thực hiện khá tốt.
Ông Thiện nhấn mạnh: Theo dự báo của cơ quan chuyên môn hiện nay diễn biến thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu rất khó lường. Vì vậy, trong thời gian tới các cơ quan chuyên môn, đơn vị chủ rừng của tỉnh thường xuyên theo dõi, cảnh báo sớm cho nhân dân biết cấp dự báo cháy rừng để sẵn sàng ứng phó.
Tổ chức lực lượng túc trực 24/24 giờ ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao nhằm phát hiện xử lý kịp thời.
Ông Vũ Ngọc An, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trước mắt, Sở đề nghị các địa phương, đơn vị khai thác công trình thủy lợi quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát nước. Theo dõi và bám sát kế hoạch điều tiết nước của các công trình thủy điện để bố trí lấy nước cho phù hợp, điều hòa lượng nước bơm, tưới giữa cây cà phê và cây lúa nước, không để xảy ra việc tranh chấp điện, nước phục vụ sản xuất; tổ chức bơm tưới cả ngày đêm khi có nước để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng.
Đồng thời, cân đối, sử dụng hợp lý nguồn nước, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa, cây trồng cạn; chuẩn bị sẵn sàng về máy móc, nhiên liệu, phương tiện cần thiết, nếu xảy ra hạn thì tiến hành bơm, tát nước ở những nơi còn nguồn nước".
“Về lâu dài, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án thủy lợi lớn, để phục vụ tưới và cắt lũ trên hệ thống sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh. Tăng cường đầu tư xây dựng mới các hồ chứa để chuyển nước tưới cho các vùng thường xuyên bị hạn, trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu, mở rộng diện tích được phục vụ nước tưới”, ông An nói.