Hà Nội không hào hoa, thanh lịch mà là sự hội tụ
Với hàng loạt tác phẩm viết về Tây Nguyên, ai cũng nghĩ rằng Nguyễn Cường là đứa con của mảnh đất này. Bởi có gắn bó, có hiểu thấu nỗi lòng của từng chiếc lá, từng mảnh đồi, từng con người ở nơi đây thì mới viết nên những ca khúc bất hủ, có giá trị muôn đời như thế. Xuyên suốt các tác phẩm, cảm hứng về Tây Nguyên là một mảng chủ yếu, giá trị và mang phong cách rất riêng làm nên thương hiệu Nguyễn Cường. Thế nhưng, ít ai ngờ rằng nhạc sĩ Nguyễn Cường lại là một người Hà Nội thứ thiệt.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường
Nguyễn Cường sinh năm 1943, may mắn được lớn lên, hoà mình vào cuộc sống cổ kính giữa lòng phố cổ Hà Nội. Nói về tuổi thơ của mình, ông nói trong tiếng cười rạng rỡ: "Ngày nhỏ tôi nghịch ngợm lắm. Tôi được hưởng từ ông cụ, một phi công hàng không dân dụng của Pháp, cả cơ thể lực lưỡng lẫn một tâm hồn ưa phiêu lưu mạo hiểm". Và cứ thế, những cây kem Tràng Tiền tuổi thơ thơm mát cũng đi vào kí ức của ông đến tận bây giờ. Chứng kiến nhiều bước chuyển mình của mảnh đất Thủ đô, Nguyễn Cường đã khắc sâu từng hình ảnh, giọng nói, tiếng cười, tất cả đã trở thành một nguồn cảm hứng song hành trong các ca khúc viết về Tây Nguyên của ông sau này. Tiếp xúc với nhiều luồng văn hoá vừa hiện đại vừa cổ điển, chàng thanh niên Nguyễn Cường đã nuôi dưỡng trong mình những ước mơ, hoài vọng về tương lai.
Ông cho biết: "Tôi có trọn vẹn một tuổi thơ bé, tuổi thanh niên trưởng thành ở khu phố cổ. Tôi lớn lên và gắn liền với tiếng tàu điện leng keng, những buổi trốn học, lang thang đá bóng, đá cầu, trèo me hái sấu. Tôi biết rõ Hà Nội như lòng bàn tay mình và Hà Nội thấm đẫm trong mỗi ca từ giai điệu của tôi dù rằng bài hát đó là Ma'Đrăk (tỉnh Đăk Lăk), Pleiku (tỉnh Gia Lai), Buôn Ma Thuột (tỉnh Đăk Lăk). Thế nhưng, sau bao nhiêu năm dời xa Thủ đô để đến với Tây Nguyên hoang dã, mọi thứ thay đổi khiến đứa con nhiều năm xa quê ấy không khỏi ngỡ ngàng. Ông tâm sự: "Hà Nội là nơi tôi sinh ra, lớn lên nhưng bây giờ thấy tôi ở Hà Nội nhiều người tưởng tôi là khách về chơi. Họ đâu biết được rằng thật ra tôi là người Hà Nội chính cống".
Thế nhưng, khác với mọi người, Hà Nội trong trái tim của nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng có nhiều nét riêng. Ông cho biết: "Hà Nội là trái tim của cả nước. Vì thế, tôi yêu Hà Nội là đương nhiên và cái nhu cầu cần bộc lộ ra càng nhiều hơn. Tình yêu với Hà Nội tôi đã bộc lộ trọn vẹn trong các ca khúc của mình và trong từng tâm hồn của mỗi tác phẩm. Vì tôi nợ cả cuộc đời với Hà Nội nên những bài hát về Hà Nội luôn là những đơn đặt hàng của trái tim. Thế nhưng, tôi khác mọi người ở chỗ nếu như ai đó nhớ về Hà Nội ở sự thanh lịch và lãng mạn thì với tôi, những khi nghĩ về Hà Nội là nghĩ đến sự hội tụ".
Không ít nhạc sĩ cùng thời với Nguyễn Cường phải thốt lên rằng, tất cả những vẻ đẹp cổ kính, nhẹ nhàng, êm ả của Hà Nội đã được Nguyễn Cường gửi gắm qua từng câu chữ và qua cả cái hồn của mỗi ca khúc khi viết về Tây Nguyên. Điều này đã tạo nên một hình ảnh sắc nét của Nguyễn Cường mà cứ nhắc đến ông là người ta nghĩ ngay tới các tác phẩm viết về Tây Nguyên nhưng lại mang dáng dấp bóng hình Thủ đô yêu dấu. Thế nhưng không hài lòng với những gì đã và đang có, với nhạc sĩ Nguyễn Cường, cuộc sống là những xê dịch bất tận, ông luôn đi tìm lối đi mới cho âm nhạc. Chính vì vậy, mà nhiều người nói cuộc đời Nguyễn Cường luôn là những trải nghiệm mới, không bước lại những lối đi cũ.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường và ca sĩ Siublack.
Hành trình chinh phục núi rừng Tây Nguyên
Ai cũng biết tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Cường thường gắn liền với những bài hát mang đậm chất Tây Nguyên với giọng ca Y Moan, Siu Black. Ông chia sẻ: "Sự gắn bó, tình yêu của tôi với Tây Nguyên, với âm nhạc là một sự tự nhiên. Tôi đến với âm nhạc từ một lần đi xem ca nhạc cổ điển khi còn rất bé. Tốt nghiệp trung cấp violoncelle năm 1965, Nguyễn Cường viết đơn tình nguyện vào chiến trường B nhưng lại được phân công về công tác tại Đoàn Ca múa Tây Nguyên (nay là Đoàn Ca múa Đam San). Năm 1980, sau khi tốt nghiệp khoa Sáng tác Nhạc viện Hà Nội, Đoàn Ca múa Đăk Lăk mời ông và nhạc sĩ Trần Tiến về sáng tác. Kể từ đó, mọi người biết đến ông trong các ca khúc viết về Tây Nguyên.
Nhiều người bạn của Nguyễn Cường chia sẻ, mặc dù là người Hà Nội nhưng Nguyễn Cường không chỉ đến với Tây Nguyên bằng mấy câu nhạc vàng, quan họ, nhạc đỏ, hay nhạc tiền chiến, mà ông còn đến Tây Nguyên cả với Bach, Mozart, Betthoven, nhạc Jazz...
Xuất phát từ tình yêu dành cho núi rừng, Nguyễn Cường mang theo nỗi khát vọng của tuổi trẻ để khám phá những bí ẩn nơi miền đất mới. Chính điều đó đã thôi thúc ông tìm đến nơi đây dù cho mấy sông cũng lội mấy núi cũng trèo. "Cả Hà Nội trong tôi cùng đến với Tây Nguyên. Tôi tự thấy mình hợp với khí chất khoáng đãng, rộng lớn và mãnh liệt của Tây Nguyên", nhạc sĩ Nguyễn Cường nói.
Với tuổi đời trẻ trung, năng nổ nhưng chàng trai đất Hà thành không tránh khỏi những bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất núi rừng bao la ấy. Ông tâm sự: "Lần đầu tôi lên Tây Nguyên là năm 1981. Lúc bấy giờ nghe tiếng nói của những người dân ở đây tôi không hiểu được gì. Thế nhưng, không hiểu vì sao tự trong trái tim của mình, tôi thấy thích, cảm và yêu tiếng nói của họ. Xứ sở này bắt đầu gợi cho tôi nhiều bí ẩn, mỗi lời nói, tiếng cười nơi đây đều gợi cho tôi những nốt nhạc. Đó là thứ âm nhạc dân gian hùng vĩ, dịu dàng, vỗ về, có sức quyến rũ khiến tôi không thể cưỡng lại. Để hoà nhập vào cuộc sống hoang sơ của núi rừng, Nguyễn Cường đã phải mày mò từng bước một để có thể hiểu được tiếng nói của bản làng. Để có những cảm hứng sáng tạo lâu bền về mảnh đất Tây Nguyên, Nguyễn Cường khẳng định: "Tôi đã bị hút hồn vào thiên nhiên và con người nơi đây ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Mảnh đất này đã cho tôi cơ hội bộc lộ những mãnh lực trong tâm hồn".
Không chỉ vậy, Tây Nguyên với ông là một người tình đầy mê đắm. Tây Nguyên quyến rũ ông bởi những huyền thoại và màu xanh hoang sơ của cỏ dại. Và để đáp lại những vẻ đẹp huyền diệu ấy, ông đã theo Tây Nguyên bằng cả thời trai trẻ. Mối tình si ấy đã đằng đẵng hơn 20 năm nay. Suốt thời gian ấy, không biết bao nhiêu đứa con tinh thần của ông đã lần lượt ra đời mang vẻ đẹp, tình yêu Tây Nguyên hùng vĩ đến với mọi người. Sau bao nhiêu năm đến với âm nhạc, Nguyễn Cường đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm. Trong đó có khoảng 60 ca khúc viết về Tây Nguyên hoang dã đầy quyến rũ. Ông cho biết: "Mỗi lần tôi đến Tây Nguyên rồi đi, cảm xúc mới lại về và ca khúc mới lại ra đời".
Nguyễn Cường bộc bạch: "Tình yêu của tôi dành cho Tây Nguyên như một mối tình, cũng có giận hờn, trắc trở. Nhưng Tây Nguyên trong tôi luôn là một thiếu nữ trẻ mãi không già. Tây Nguyên luôn là một mảnh đất mơ mộng trong tôi. Tôi giao lưu với nó, nó giao lưu với tôi. Tôi nhớ nó, nó cũng nhớ tôi". Cứ thế, tình yêu với mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên được ông giải thích ngay trong ca khúc đầu tiên. Ông đến với Tây Nguyên thật giản dị: "Vì một bình minh rừng thu sương tan/Vì một trường ca, trường ca Đam San/ Vì một tình yêu, tình yêu Miết Man/Có mênh mang đồng cỏ...". Tây Nguyên mãi là nguồn cảm hứng bất tận của ông. Có lẽ chính vì vậy mà nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho rằng cái vóc của Nguyễn Cường về Tây Nguyên rất lớn. Nguyễn Cường là người khai phá, kể về câu chuyện đại ngàn hùng vĩ đối với thế hệ mai sau.
Nguyễn Cường luôn trăn trở: "Đã là một nghệ sĩ là phải ghi dấu ấn của mình trong tác phẩm. Tác phẩm không cần phải ai giới thiệu mà chỉ cần vài nét nhạc là khán giả có thể nhận ra ngay. Tôi tự nhận mình là một giấc mơ gãy cánh, có thể thành nhưng không đạt, có tên tuổi, nổi tiếng một tí nhưng không đạt được ước mơ của chính mình". Nguyễn Cường là một tâm hồn nghệ sĩ không bao giờ biết đủ, biết bằng lòng. Những ca khúc của ông dữ dội mà lắng sâu như chính con người ông. |
Thơ Trịnh