Người dân tự đặt cho ông cái biệt danh “say” bởi họ lập luận "chỉ có người say mới dám làm những chuyện như vậy" chứ không phải do ông hay rượu chè gì.
“Bạn” của người chết đuối
Đến thôn Hải Bình, chỉ cần hỏi "Tây say" là ai cũng biết, có người còn hỏi thêm: "Nhà anh cần cải táng hay sao mà tìm ông Tây? Giờ này ông ta chăn dê ngoài cồn đó". Gặp mặt, tôi quả thực bất ngờ vì anh đâu rượu chè be bét, say xỉn như lời nhiều người vẫn đồn. Trò chuyện dưới bóng phi lao, ông giải thích rành mạch: "Tôi tên đầy đủ là Lê Hữu Tây, năm nay 57 tuổi rồi, dân làng thấy tôi chôn cất xác chết, cải táng mà không sợ sệt nên gọi tôi là Tây say".
Ông kể lại cơ duyên cách đây 25 năm khiến ông "chết tên": "Một ngày giữa tháng mười âm lịch, mưa bão dữ lắm, lúc đó tôi đang vớt củi dọc bờ biển bỗng thấy vật gì đó đen đen, hình như có trùm vải y hệt xác người chết đuối. Mặc dù rất sợ nhưng nghĩ rằng nếu xác người thật phải đem họ lên bờ để người nhà còn đem về hương khói. Một lúc sau vật lạ bị sóng tấp hẳn vào bờ cát, đúng là một thi thể đã chết lâu ngày, thấy không thể để lâu nên vợ chồng tui chôn cất ngay trong đêm, hương khói đàng hoàng".
Chưa hết, sáng hôm sau trong lúc vớt củi, ông gặp thêm một thi thể nữa vừa dạt vào bãi cát nên đưa về làng. Dân làng kéo đến quyết định chôn cất người đã chết, giữ lại kỉ vật của nạn nhân để người nhà nhận dạng sau này.
Từ đó, chẳng hiểu "có duyên" hay không mà ông thỉnh thoảng lại gặp những xác chết trôi dạt về vùng biển Thuận An. Ông vừa dẫn chúng tôi ra bãi cát trước nhà, vừa cho biết: "Tất cả những xác chết mà tui vớt được đều chôn cất ở đây".
Dừng chân trước ngôi mộ mà nước mực trên bia còn mới, ông kể lại câu chuyện cách đây hơn 1 tháng: "Tui đang thái thức ăn cho dê thì anh hàng xóm chạy vào hô hoán: "Có một cái xác không đầu, không tay vừa tấp vào anh ơi, ra đây xem thế nào". Nghe vậy tui bỏ dao chạy nhanh ra bãi biển An Hải. Người vây xung quanh chật kín nhưng không ai dám tới gần, trên cổ nạn nhân còn dính sợi dây chuyền gắn tượng phật Quan âm, tay chân không còn nhưng có ống quyển". Sau khi trình báo công an, không phải ai khác mà chính ông lại đứng ra an táng cho người xấu số. Vuốt ve tấm bia, ông rưng rưng: "Đến nay vẫn chưa thấy có ai đến nhận cả, ngày làm đám ma dân làng góp được 3 triệu mua quan tài, lễ vật. Cách đây mấy tháng vợ chồng tui bỏ công cuốn nấm (xây mộ) cho anh ấy, nếu không gió thổi bay mộ sau này người nhà khó tìm ra".
Trong nghĩa trang "mồ côi" này, mỗi nấm mồ là một câu chuyện buồn. Trầm ngâm dừng bước trước một nấm mồ đề rõ 3/2010, ông chậm lời: "Đây là thi thể nam được tàu ngư dân vớt vào giao cho trạm biên phòng Thuận An, đến nay vẫn chưa có thân nhân đến nhận".
“Tuyệt kỹ” mắm nêm
Một mình khuân vác những thi thể lênh đênh nhiều ngày giữa trùng khơi rồi tự tay an táng, cải táng mà không hề cần đến một thiết bị y tế hỗ trợ nào, ông khiến nhiều người ngỡ ngàng trước việc làm của mình. Thậm chí có hàng xóm còn bảo anh "dại khi làm công việc không công".
Tây “say” bên khu nghĩa trang người chết dạt vào từ biển khơi
Trở lại với những thắc mắc của nhiều người mỗi khi nhắc đến chuyện ông không ngại vác thi thể đã trương sình lên vai rồi cuốn chiếu làm lễ an táng cho nạn nhân. Ông cho biết: "Không một loại dầu thơm nào có thể át được mùi tử thi phân hủy, thậm chí còn tạo ra mùi hôi khó chịu hơn. Mỗi lần an táng xác chết hay cải táng, liệm thi thể tôi chỉ cần lấy vải mỏng bọc ít mắm nêm rồi buộc ngang mũi là xong".
Ông nói thêm: "Trước và sau khi làm (an táng, cải táng thi thể), tôi đều dùng rượu, lá trầu giã nhuyễn bôi lên cơ thể, không chỉ có tác dụng át mùi, lá hỗn hợp này mà còn khử trùng, tránh được vi khuẩn truyền nhiễm".
Ông lão dũng cảm này thừa nhận mình làm được công việc ghê rợn đó một cách thoải mái nhờ vào cái "tâm": "Nhìn những thi thể đã mất đầu, mất tay dạt từ biển vào mà tôi chạnh lòng. Nếu mình là người nhà nạn nhân sẽ đau đớn thế nào khi thấy thân nhân tử nạn như vậy, nếu không ai dám vớt họ lên, chôn cất họ tử tế thì sau này linh hồn họ làm sao siêu thoát được. Hãy xem thi thể xấu số như người nhà sẽ làm được mọi việc, có tâm việc gì cũng nên".
Nỗi niềm nghĩa địa mồ côi
Dù hằng ngày bận rộn với công việc chăn dê nhưng mỗi khi nghe tin người lạ về làng, ông đều hớt hả chạy đến làm quen, hỏi xem có phải người nhà về tìm thi thể thân nhân hay không. Có lẽ niềm hy vọng đó đã trở thành "bản năng" trong ông. "Vẫn còn hơn 17 ngôi mộ nữa chưa có người nhà đến nhận về, tội nghiệp cho họ, không biết sau ni khi tôi qua đời có ai biết mà chỉ chỗ cho người ta tìm mộ không", ông canh cánh nỗi lòng.
Trước lúc tạm biệt, gương mặt người đàn ông ấy vẫn xa xăm về phía biển khơi, hình như trong mắt ông hiện lên nỗi âu lo gì đó. Thực vậy, Tây “say" lo lắng: "Mấy năm nay, năm nào sóng biển đều lấn bờ vài chục mét, những ngôi mộ vô chủ trước đây chôn ở ngoài kia nhưng phải dời đi hai lần vì sợ bị sóng cuốn. Nay sóng biển lại gần khu nghĩa địa nữa rồi, nước đến đâu chạy tới đó thôi, mong sao thân nhân những ngôi mộ này sớm về nhận mộ tôi mới yên tâm".
Có lẽ những ai đọc bài viết này đều không chỉ bất ngờ trước hành động nghĩa hiệp của Tây “say" mà còn bất ngờ hơn khi biết rằng trong nhà ông có một ngăn thờ là nơi vợ chồng anh cúng kị những vong linh không chủ do anh chôn cất.
Vợ ông kể: "Nhiều người lắm, cúng giỗ mãi không đủ tiền chú ơi, sau nhiều lần suy nghĩ vợ chồng tui quyết định lấy ngày anh Tây vớt thi thể đầu tiên làm ngày giỗ cho tất cả những người xấu số. Đó là ngày rằm tháng chạp hằng năm, có thì mình làm nhiều, không thì bát cơm, đĩa rau cũng ấm lòng người ta chú à".
Tấm lòng của người vợ chồng ông quả thực khiến nhiều người cảm động. Cứu người, giúp người như vậy nhưng có ai quà cáp hậu tạ, Tây “say" đều một mực từ chối, ông tâm niệm: "Đã giúp người thì không bao giờ chờ báo đáp, ngược lại đã chờ báo đáp thì đừng giúp. Tôi giúp người vì quan niệm mình cũng như người ta thôi, ai mà chẳng có lúc khó khăn, hoạn nạn, đã là con người phải biết đùm bọc, cưu mang nhau".
Mai Long