Tên cướp khét tiếng một thời chết thảm trong cô độc

Tên cướp khét tiếng một thời chết thảm trong cô độc

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Điềm Khắc Kim chết lúc 1h45' ngày 27/11/1986 tại trại giam Chí Hòa không một người thân thích bên cạnh. Tên cướp khét tiếng một thời chết trong tình trạng cơ thể gầy đét, người co rút, vốn đã nhỏ con, giờ Điềm Khắc Kim giống như một đứa trẻ con lên 10.

Tuy là người chiến thắng trong cuộc đấu giành trái tim nhưng Điềm Khắc Kim cũng không sao chiếm được "món quà" mà thiếu tá Tòn cam tâm từ bỏ. Thất bại trong việc cưa đổ trái tim người đẹp bán cà phê ở khu cầu Hang, Điềm Khắc Kim giã từ luôn xóm cũ ôm mối hận trong lòng sống đời lang bạc kỳ hồ và với mặc cảm không còn gì để mất trong cuộc đời của một tên tướng cướp, Điềm Khắc Kim quyết trở lại nghề xưa.

Pháp luật - Tên cướp khét tiếng một thời chết thảm trong cô độc

Một góc Sài Gòn trước năm 1975.

Lại đụng độ với cảnh sát hình sự

Quay lại thời điểm, sau khi Điềm Khắc Kim trốn khỏi trại cải tạo Tống Lê Chân, thời gian này công an TP.HCM đã thành lập đơn vị săn bắt cướp (SBC), tập trung về đơn vị toàn những trinh sát thiện chiến, vừa bắn súng cả hai tay vừa giỏi võ nghệ, chia nhau thành từng tổ liên tục tuần tra trên khắp các địa bàn trọng điểm bằng xe Honda 67 xoáy nòng để rượt đuổi, truy bắt những tên xã hội đen gây án nên bọn tội phạm co vòi, di tản chiến thuật ra ngoại ô, hoặc nằm im ẩn náu. Điền Khắc Kim cũng thế, khó có cơ hội làm ăn lớn như ngày xưa.

Một hôm hắn chuyển địa bàn vào khu vực quận 8 để canh me tìm kiếm con mồi để trấn lột cho đỡ vả (vất vả-PV). Tới khu vực cầu chữ Y, Điềm Khắc Kim phát hiện được con mồi có vẻ ngon ăn nên ra tay trấn lột. Nạn nhân hốt hoảng kêu la cầu cứu, lúc này một tổ trinh sát hình sự công an quận 8 đang phóng xe tuần tra địa bàn nghe tiếng kêu cứu vội lao tới. Điềm Khắc Kim liều lĩnh chống cự bằng khẩu colt 45, hắn bắn thẳng vào các trinh sát.

Một cuộc đọ súng nẩy lửa diễn ra tại chân cầu chữ Y khiến người đi đường nằm rạp xuống, người điều khiển phương tiện lưu thông cũng dạt ra hai bên chân cầu tránh đạn. Tổ trinh sát hình sự công an quận 8 bỏ xe máy, triển khai đội hình vây chặt tên cướp, bắn chặn không cho hắn con đường thoát. Điềm Khắc Kim ỷ có khẩu colt 45 đầy đạn nên ngoan cố chống cự, khi hắn đưa khẩu súng lên nhắm bắn một trinh sát đang lao tới và xiết cò thì cạch một tiếng, khẩu súng kẹt đạn.

Hai trinh sát chặn đầu, khóa đuôi tên cướp lợi dụng thời cơ vàng này áp vào quật ngã Điềm Khắc Kim rồi bập còng số 8 vào tay hắn, tước luôn khẩu colt 45 không cho hắn có cơ hội xiết cò lần thứ hai. Cuộc đấu súng, vây bắt tên cướp táo tợn diễn ra y như trong phim kết thúc khiến người dân đi đường ngỡ ngàng lẫn thán phục sự gan dạ, phản xạ nhanh như chớp của các trinh sát hình sự công an quận 8. Đó là ngày 25/9/1985.

Trở lại "lò bát quái" Chí Hòa

Trước cơ quan điều tra, Điềm Khắc Kim khai nhận từ khi trốn khỏi Nông trường cao su Dầu Tiếng tỉnh Tây Ninh (khi được chuyển từ trại Tống Lê Chân về đây lao động) hắn đã gây ra 6 vụ án ở Sài Gòn. Điều đáng lưu ý là tướng cướp Điềm Khắc Kim lừng lẫy một thời đã "xuống cấp" đến nỗi chôm cả chiếc xe đạp cũ của một người dân dựng hớ hênh trước một quầy bán sách cũ ở khu vực quận 3 và bị bắt. Khi bị đưa về giam ở công an quận 3 Điềm Khắc Kim đã giấu tung tích tướng cướp, khai tên mình là Lê Văn Minh, cha vô danh, mẹ tên Lê Thị Đeo ngụ ở Nông trường cao su Dầu Tiếng. Chính vì thế nên chỉ 1 tháng sau, hắn được tha sau khi viết bản cam kết thề không tái phạm.

Nhưng lần này thì khác, với vụ trấn lột người đi đường giữa ban ngày tại chân cầu chữ Y và bị bắt quả tang với khẩu colt 45, chống cự lại người thi hành công vụ, Điềm Khắc Kim bị lật lại hồ sơ, không chỉ có 6 vụ án mới nhất hắn gây ra mà còn nhiều tội lỗi chất chồng. Tháng 11/1985, tướng cướp Điềm Khắc Kim bị cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can với hành vi cướp có vũ khí và bị tạm giam tại trại giam Chí Hòa.

Lần này trở lại "lò bát quái", nơi Điềm Khắc Kim từng ở trước năm 1975, nơi hắn đã từng lập kỳ tích trốn chạy một cách ngoạn mục chắc hẳn tên cướp không khỏi bùi ngùi nhớ lại một thời oanh liệt nay còn đâu. Hơn ai hết, Điềm Khắc Kim biết rõ cái thời oanh liệt ấy đã chấm dứt.

Bị giam ở Chí Hòa, Điềm Khắc Kim càng thấm thía hơn với biệt danh tướng cướp cô độc. Tuy hắn có hai bà vợ, 7 đứa con nhưng cả hai bà vợ này đều đã lỡ bước sang ngang. Con hắn do người khác nuôi, vợ hắn đã lấy kẻ khác nên không một lần tới thăm cho chồng cũ phải đạo trước khi dứt tình. Điềm Khắc Kim suốt ngày sống thui thủi, câm lặng, rúc vào một góc riêng như cái bóng. Biệt danh lẫy lừng: "Độc hành đại đạo hái hoa dâm tặc" chỉ còn là một hình ảnh của quá khứ. Và quá khứ ấy chính là nỗi khổ đau dày vò tâm trí của kẻ cô độc, đang đi xuống con dốc nửa đời người luôn sống bằng hoài niệm cũ.

Ở trại giam Chí Hòa, sức khỏe của Điềm Khắc Kim ngày càng xuống dốc nghiêm trọng. Đây là lúc các vết thương trên cơ thể của tên tướng cướp vẫn còn âm ỉ giờ có cơ hội bùng phát, hoành hành, nhất là vết thương nặng ở bụng khi bị cảnh sát chế độ cũ bắn trong một lần đọ súng sinh tử.

Viên đạn xuyên vào ổ bụng đã làm Điềm Khắc Kim bị đứt 3 khúc ruột và được bác sĩ cứu chữa bằng cách thay cho 3 đoạn ống cao su chữa cháy, nay chính là nỗi đau kinh khủng hoại tử ruột khiến nhiều lần Điềm Khắc Kim ngất lịm. Rồi vết thương ở đầu, viên đạn đi sướt một mảng tóc khiến hắn bị hói và chỗ da đầu bị lõm xuống, mẻ một miếng xương sọ. Những khi trái gió trở trời chính chỗ này đã làm cho Điềm Khắc Kim có những cơn choáng chết người.

Chưa hết, Điềm Khắc Kim còn bị lao phổi, vi trùng lao đang ra sức tấn công, tên tướng cướp cảm thấy chán chường, suy kiệt về thể xác lẫn tinh thần. Điềm Khắc Kim hầu như thường xuyên nằm trong khu bệnh xá của trại giam.

Pháp luật - Tên cướp khét tiếng một thời chết thảm trong cô độc (Hình 2).

Chân dung Điềm Khắc Kim được gia đình phác họa lại.

Lời trăng trối của tướng cướp

Dân gian có câu "con chim sắp chết tiếng kêu rất thảm", Điềm Khắc Kim rất có thể đã biết mình không còn sống được bao lâu trên cõi đời này nữa nên đã nhiều lần tỏ ra sám hối, ăn năn tội lỗi. Trong những giây phút hồi tâm, Điềm Khắc Kim đã thổ lộ với cán bộ quản giáo hắn rất ân hận vì đã không chịu hối cải, hoàn lương, sống cuộc đời lương thiện sau ngày giải phóng 30/4/1975 khi được Cách mạng đưa từ Côn Đảo về cho học tập cải tạo tại trại Vị Thanh, Cần Thơ để chuẩn bị làm người lương thiện. Nếu ngày ấy hắn chịu khó học tập, lao động cải tạo chờ ngày ra trại, quyết chí làm ăn chân chính, sống cuộc đời đúng nghĩa của một người đàn ông có trách nhiệm với gia đình thì hắn đã không có một kết thúc như thế này.

Điềm Khắc Kim cũng chợt nhớ tới ông Kha Lon Riêm, một người cha hiền lành, tội nghiệp sau ngày giải phóng đã đạp xe ba gác kiếm sống rồi cuối cùng chết trong bệnh tật, già yếu. Điềm Khắc Kim ân hận vì đã không nghe lời cha, chịu khó đi học, trang bị cho mình một số vốn kiến thức để lớn lên ra đời có việc làm chân chính, sống cuộc đời lương thiện. Và điều làm Điềm Khắc Kim đau lòng nhất khi nghĩ tới bà Lê Thị Đeo, bà mẹ hiền lành, tần tảo đến hết cuộc đời còn phải bận tâm lo nghĩ tới đứa con ngỗ nghịch.

Và rồi tên tướng cướp khét tiếng ngày nào bỗng chùng lòng rơi nươc mắt khi nghĩ tới vợ con, dù chẳng ai tới trại giam thăm nuôi hắn. Nhưng nghĩ cho cùng đâu phải lỗi của họ mà chính do Điềm Khắc Kim tự đánh mất hết tình cảm gia đình và trong sâu thẳm cuộc đời một thanh niên bình thường tên Kha Lon Theo rẽ ngang thành một tướng cướp nuôi trong lòng nhiều thù hận, ân oán muốn làm một kẻ độc hành và "đại đạo hái hoa dâm tặc". Suy cho cùng, hắn có kết cục như ngày hôm nay cũng do mặc cảm tự ti và phẫn hận vì người yêu đầu đời bị mấy tên lính Mỹ hãm hiếp rồi giết chết. Nhưng cách trả thù đời, trả thù người kiểu của Điềm Khắc Kim không ai chấp nhận được.

Điềm Khắc Kim chết lúc 1h45' ngày 27/11/1986 tại trại giam Chí Hòa không một người thân thích bên cạnh. Tên cướp khét tiếng một thời chết trong tình trạng cơ thể gầy đét, người co rút, vốn đã nhỏ con, giờ Điềm Khắc Kim giống như một đứa trẻ con lên 10. Điềm Khắc Kim chết do lao phổi, sức khỏe suy kiệt, ruột bị hoại tử, không người thân đến nhận xác.

Đám tang cô độc

Trại giam Chí Hòa đã lo hậu sự cho Điềm Khắc Kim theo đạo lý nghĩa tử là nghĩa tận. Chiếc xe tang đơn độc với có vài người trong ban nghi lễ của trại giam đưa Điềm Khắc Kim về nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa, tro cốt được cho vào bình, đưa sang ngôi chùa trong khu hỏa táng Bình Hưng Hòa để hàng ngày được các sư cúng cơm, nhang khói và nghe kinh siêu thoát. Nghe đâu tới 10 năm sau gia đình mới nhận bình tro cốt này về nhà thờ cúng. Và đây cũng chính là sự sum họp muộn màng trong không khí gia đình của cậu bé Kha Lon Theo, với người mẹ đau khổ lúc nào cũng mong ngóng đứa con trai giang hồ, lãng tử.

Võ Trí Minh Nhân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.