Khoảng trống hỏa lực chống tàu, xuồng cỡ nhỏ
Do phương án bố trí các tổ hợp tên lửa chống hạm tầm xa trên các đảo ở Trường Sa có nhiều hạn chế nên nhiệm vụ chống hạm được các tàu chiến luân phiên trực ở đây đảm nhiệm. Các tên lửa Kh-35E tầm bắn 130km trên các tàu Gepard 3.9, Molniya có thể tạo ra một vành đai an toàn rộng lớn trên biển.
Tuy nhiên, trong việc chống đổ bộ, đánh chiếm đảo mà đối tượng là các tàu đệm khí, xuồng đổ bộ cỡ nhỏ thì các tên lửa này khó phát huy tác dụng. Chúng tạo ra một khoảng trống hỏa lực chống hạm, bởi các lý do sau đây:
Các tên lửa tầm xa Kh-35E có tầm bắn nhỏ nhất là 5km. Trong khi đó, khoảng cách từ đảo tới các tàu đổ bộ đối phương quá gần, tình trạng đóng quân xen kẽ trên quần đảo Trường Sa khiến khó có thể khai hỏa từ xa khi đối phương chưa thực sự lộ rõ ý định đánh chiếm đảo.
Thứ hai, các tên lửa như Kh-35E là những vũ khí hạng nặng được ưu tiên dùng để tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn. Vì thế, đối với các tàu, xuồng đổ bộ có diện tích phản xạ thấp, tốc độ cao, Kh-35E sẽ có xác suất tiêu diệt thấp.
Thứ ba, các tàu chiến cũng như tên lửa trên một tàu có số lượng nhất định, ngược lại các tàu, xuồng đổ bộ thường có số lượng lớn khi đối phương tiến hành đánh chiếm đảo, do vậy không thể đảm bảo tiêu diệt hết được các mục tiêu.
Ngoài ra, vũ khí trên tàu còn có các loại pháo hạm nhưng chúng là vũ khí không được dẫn đường được đặt trên một hệ thống không ổn định là các chiến hạm. Khi bị ảnh hưởng bởi sự rung lắc của tàu thì dù có hệ thống ổn định làm giảm ảnh hưởng, việc bắn trúng các mục tiêu nhỏ, cơ động nhanh như tàu, xuồng đổ bộ là rất khó khăn.
Tàu đổ bộ cỡ nhỏ.
Vậy cách nào để Việt Nam lấp đầy khoảng trống hỏa lực chống hạm này?
Hỏa lực chống hạm tầm gần cỡ nhỏ kiểu Việt Nam
Đối với thế giới, các loại hỏa lực chống tăng thường chỉ hoạt động đúng với tên gọi của nó. Tuy nhiên ở Việt Nam, các loại vũ khí chống tăng còn trở thành loại hỏa lực chống xuồng đổ bộ hay các tàu thuyền cỡ nhỏ hết sức hiệu quả nhờ tính linh hoạt và cơ động. So với pháo hạm được đặt cố định trên đảo với tầm bắn khi chiến đấu chỉ trên dưới 1.000m thì các loại vũ khí này có xác suất tiêu diệt mục tiêu cao hơn nhiều.
Trước hết là súng chống tăng B-41 (RPG-7). Không chỉ chống tăng, B-41 đã được bộ đội Việt Nam dùng để phá lô cốt, bắn rơi trực thăng và bây giờ là tiêu diệt, làm tê liệt các tàu xuồng cỡ nhỏ của đối phương.
Mặc dù cự ly bắn ngắn, độ chính xác không cao như các loại vũ khí có điều khiển khác nhưng B-41 lại cực kỳ đơn giản, linh hoạt, uy lực lớn và rẻ tiền nên dễ dàng trang bị, huấn luyện.
Tiếp đó là SPG-9, với khối lượng tổng thể là 49,7 kg, chiều dài 2,11m, góc bắn có thể âm 3 độ, tầm bắn hiệu quả của đạn xuyên giáp 1.300m và của đạn nổ phá mảnh 4.500m, thời gian chuyển trạng thái 35 giây, tốc độ bắn thực tế 5-6 phát/phút. Loại vũ khí này rất phù hợp với các đảo trên quần đảo Trường Sa.
Đặc biệt là súng chống tăng hiện đại nhất hiện nay RPG-29. Súng được thiết kế đơn giản với ống phóng đường kính 105mm. Ống phóng ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu có chiều dài 1,85m, trọng lượng (có đạn) khoảng 18,8kg.
Với kích cỡ, trọng lượng đó, RPG-29 có thể mang vác, cũng như bắn từ trên vai người lính. Tầm bắn hiệu quả bằng kính ngắm là 450m, tốc độ bắn 4 quả/phút, khả năng xuyên giáp 650mm ở góc chạm 60 độ. Đạn nhiệt áp TBG-29V khi nổ tạo ra sóng xung kích với cường độ rất lớn, gây ra sức nóng tiêu diệt sinh lực đối phương trong bán kính 10m.
Không chỉ dùng các loại súng phóng rocket chống tăng không điều khiển như RPG-7, SPG-9, RPG-29 mà Hải quân Việt Nam còn dùng các loại tên lửa chống tăng có điều khiển với tầm bắn xa hơn, độ chính xác cao hơn.
Các tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển 9K11 Malyutka (NATO định danh là AT-3, bộ đội ta hay gọi là B-72), 9K111 Fagot (NATO định danh là AT-4) luôn uy lực và có độ chính xác gần như tuyệt đối.
Tổ hợp tên lửa chống tăng 9K111 Fagot có trọng lượng chỉ 22,5kg, tầm bắn hiệu quả từ 70-2.500m. Lệnh điều khiển tên lửa từ cần lái được truyền đến quả đạn qua dây dẫn. Xạ thủ sẽ theo dõi vị trí tên lửa qua một đèn hồng ngoại ở phía sau đuôi tên lửa. Điều khiển hữu tuyến giúp tránh được mọi thủ đoạn gây nhiễu của đối phương. Hệ dẫn đường này được đánh giá là có độ chính xác lên đến 90%.
Nhưng đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của tên lửa chống tăng vác vai hạng nhẹ MATADOR có xuất xứ từ Israel. MATADOR có kích thước nhỏ, nhẹ nhất với trọng lượng chưa nạp đạn là 8.9kg và khi nạp đạn là 14.2kg, có thể tác chiến trong không gian chật hẹp. Tầm bắn hiệu quả khoảng 500m, sơ tốc đầu nòng 250m/s.
Các loại hỏa lực chống tăng mang vác của Quân đội nhân dân Việt Nam 1. Súng B-41 (RPG-7) 2. Súng chống tăng SPG-9 3. Tên lửa chống tăng có điều khiển 9K111 Fagot 4. Tên lửa chống tăng có điều khiển MATADOR
Đạn tên lửa MATADOR được thiết kế với hệ thống ổn định cao nên gần như không bị tác động bởi sức gió do đó có độ chính xác rất cao. Khả năng không bị tác động bởi sức gió là một yêu cầu rất quan trọng khi sử dụng ở các khu vực biển đảo vốn thường xuyên có gió thổi mạnh.
Ngoài ra, Hải quân Việt Nam còn dùng các loại vũ khí khác như súng phóng lựu ASG-17, súng máy phòng không 12,7mm… để ngăn chặn các tàu, xuồng đổ bộ cỡ nhỏ, tiêu diệt sinh lực của đối phương.
Tuy nhiên, dù thế nào, các loại vũ khí chống tăng cũng không phải là những vũ khí chuyên dụng để tiêu diệt các loại tàu, xuồng đổ bộ, do quỹ đạo, hệ thống điều khiển, các loại đầu đạn chưa hoàn toàn phù hợp dẫn đến hiệu quả không hoàn toàn cao mà chỉ ở mức đáp ứng được. Vậy có loại vũ khí chống tàu, xuồng đổ bộ nào phù hợp với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa?
Tên lửa chống hạm cỡ nhỏ tầm gần
Bên cạnh việc tăng tầm xa, khả năng sát thương đối với các tàu cỡ lớn, việc chế tạo các tên lửa chống hạm trong giai đoạn hiện nay có một xu hướng mới: Đó là phát triển các hệ thống tên lửa chống hạm cỡ nhỏ tầm gần.
Đây là một xu hướng tương tự như sự ra đời của các tên lửa phòng không mang vác tầm gần sau khi đã có các loại tên lửa phòng không tầm trung, tầm xa.
Không thể nói là các loại vũ khí tầm gần có mức độ hiện đại thua kém so với các vũ khí tầm xa mà nhiều trường hợp lại ngược lại, ví dụ các hệ thống như hệ thống pháo tên lửa phòng không tự hành Pantsir-S1 của Nga được đánh giá hết sức hiện đại.
Với tên lửa chống hạm cỡ nhỏ tầm gần, đa phần các nước cải tiến từ các tổ hợp tên lửa chống tăng hoặc phòng không mang vác với các đặc trưng về dẫn đường, quỹ đạo mới. Vì dựa trên cơ sở là các tên lửa mang vác nên các hệ thống này có kích thước nhỏ gọn. độ cơ động cao, giá thành hạ, vận hành đơn giản, rất phù hợp với điều kiện của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong số các loại tên lửa chống hạm tầm gần cỡ nhỏ, nổi tiếng nhất là hệ thống RBS-17 của Thụy Điển. Tổ hợp này được bắt đầu nghiên cứu từ tháng 10/1984 theo đơn đặt hàng trị giá 7,7 triệu USD của Thụy Điển với hãng Rockwell (Mỹ) nhằm phát triển một hệ thống tên lửa đất đối hạm tầm ngắn chuyên dùng để chống tàu đổ bộ và tàu chiến nhỏ.
RBS-17 được phát triển dựa trên tên lửa chống tăng AGM-114B Hellfire, được trang bị một bệ phóng mang vác chuyên dụng độc đáo, lắp một tên lửa tự dẫn laser bán chủ động Hellfire cải tiến với đầu đạn phá mảnh của Bofors. Tên lửa và bệ phóng có thể mang vác trong các túi chuyên dụng bằng kíp chiến đấu 2 người.
Tuy gọn nhẹ, song RBS-17 có tầm bắn hiệu quả đến 10 km và uy lực chiến đấu khá mạnh có khả năng đánh chìm tàu đổ bộ đệm khí, xuồng đổ bộ hay tàu quét lôi, 2-3 quả có thể đánh chìm tàu đổ bộ có lượng giãn nước 2.000 tấn. RBS-17 được chuyển giao cho Thụy Điển năm 1989-1991, sau đó năm 1997-1998 các hệ thống này cũng được cung cấp cho Na Uy.
Các tổ hợp tên lửa chống hạm cỡ nhỏ tầm gần 1. RBS-17 2. Startreck 3. Mk60 4. Centurion
Tiếp theo là tổ hợp Starstreak được hãng Thales (TADL) nghiên cứu, sản xuất và phát triển. Đạn tên lửa Starstreak đặt trong ống bảo quản kín, tên lửa có chiều dài 1,39m, đường kính thân 13cm và trọng lượng phóng 16,8kg, trọng lượng đầu đạn 0,9 kg. Tầm bắn tên lửa từ 300-7.000m. Nguyên gốc là tổ hợp phòng không tầm thấp nhưng phiên bản Seastreak dành cho lực lượng hải quân có nhiều cải tiến có thể dùng để tiêu diệt các tàu thuyền cỡ nhỏ ở cự ly gần.
Một sản phẩm mới của hãng Raytheon hợp tác với Hải quân Mỹ là hệ thống Mk60 sử dụng tên lửa Griffin có chiều dài 1,09m, nặng 15kg, đầu đạn nặng 6 kg, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 5,6 km. Hệ thống tên lửa Mk60 với tên lửa AGM-176 Griffin được sử dụng để bảo vệ chiến hạm khỏi các mục tiêu nhỏ như các tàu thuyền hay bất cứ phương tiện mặt nước nào của đối phương.
Mới nhất là sản phẩm hợp tác giữa hai tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu là Raytheon (Mỹ) và Chemring Group (Anh) sử dụng tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin bắn từ bệ phóng CENTURION làm nhiệm vụ diệt tàu mặt nước. Sản phầm đã được thủ nghiệm thành công vào tháng 12/2013 tại bãi thử Estate, Anh. Đây là giải pháp của 2 công ty này đưa ra để đối phó với tàu tấn công nhanh ven biển của đối phương với tiêu chí giá thành thấp.
FGM-148 Javelin nặng 11,8kg, dài 1,1m, đường kính thân 127mm, lắp đầu nổ nặng 8,4kg đủ sức khiến tàu mặt nước cỡ nhỏ hư hại đáng kể, mất sức chiến đấu. Tên lửa đạt tầm bắn hiệu quả từ 75m tới 2.500m, tầm bắn tối đa gần 5.000m.
Theo Trí thức trẻ