Với tên gọi chính thức là BGM-109 Tomahawk, đây là tên lửa hành trình chủ lực của quân đội Mỹ. Tomahawk là loại vũ khí tầm xa, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bay ở tốc độ cận âm và được sử dụng chủ yếu bởi quân đội Mỹ.
Được phát triển ban đầu bởi General Dynamics (nay là Raytheon), Tomahawk đã trở thành biểu tượng của kho vũ khí Mỹ nhờ độ chính xác, tính linh hoạt, tuổi thọ cao, khả năng sát thương mạnh và sự tăng cường đáng kể cho năng lực chiến lược của Mỹ.
Khi xung đột tại Ukraine đang leo thang và các cuộc khủng hoảng khác ở Trung Đông, châu Á đang làm phân tán sự tập trung và nguồn lực của Mỹ, các lãnh đạo của Raytheon khẳng định rằng họ sẽ sớm mở rộng sản xuất tên lửa hành trình Tomahawk lên gấp sáu lần so với hiện tại.
Tên lửa hành trình Tomahawk "trình làng"
Những năm 1970, Chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ ở đỉnh điểm va để thay thế tên lửa hành trình Harpoon đã lỗi thời, General Dynamics phát triển Tomahawk.
Tomahawk được thiết kế để tăng cường khả năng tấn công tầm xa của Hải quân Mỹ. Tên của loại tên lửa này được lấy cảm hứng từ chiếc rìu của người thổ dân châu Mỹ, tượng trưng cho khả năng tấn công chính xác. Kể từ khi được giới thiệu lần đầu vào năm 1983, Tomahawk đã chứng minh nó là một trong những hệ thống phòng thủ phổ biến nhất của Mỹ. Các phiên bản hiện tại của Tomahawk đã được cải tiến với hệ thống định vị GPS và tích hợp hiện đại.
Một tên lửa Tomahawk nặng khoảng 1.360kg, dài 6m, đường kính khoảng 52cm và sải cánh 2,6m. Tên lửa này bay ở tốc độ cận âm, khoảng 550 dặm/giờ (Mach 0.72). Tầm bắn của nó lên đến 1.852km, với một số phiên bản tầm bắn vượt mốc 2.778 km.
Các thông số kỹ thuật của Tomahawk
Tên lửa hành trình Tomahawk sử dụng động cơ tuabin quạt mang lại khả năng hoạt động êm ái và hiệu quả. Tên lửa này có khả năng tàng hình và được tối ưu hóa nhờ tích hợp GPS, cho phép nó tấn công mục tiêu ở những địa điểm khó tiếp cận.
Tên lửa Tomahawk tăng cường khả năng răn đe chiến lược nhờ khả năng tấn công chính xác tầm xa. Những tên lửa này có thể được phóng từ nhiều nền tảng khác nhau, giúp nâng cao sức mạnh của Hải quân Mỹ. Hơn nữa, Mỹ có thể gửi đi thông điệp răn đe mà không cần leo thang căng thẳng lên mức độ xung đột cao, mang lại một phản ứng phù hợp.
Hiện tại, Tomahawk không còn giữ được vị thế là hệ thống vũ khí thống trị như trước đây, nhưng với những ưu điểm nổi bật, loại tên lửa này vẫn là hệ thống cực kỳ nguy hiểm.
Thế Hải (Theo National Interest)