Các video ghi lại cuộc tấn công bằng loại tên lửa tiên tiến này đã được nhiều nguồn tin tức khác nhau của Nga công bố từ ngày 4/2 đến ngày 28/2.
Bốn trong số các cuộc tấn công bằng tên lửa Izdeliye 305 là nhằm vào các vị trí của Ukraine ở khu vực định cư Malinovka thuộc vùng Zaporozhie. Một trong những mục tiêu là vị trí được lực lượng Ukraine sử dụng làm trung tâm liên lạc. Một thiết bị đầu cuối internet vệ tinh Starlinke đã được lắp đặt ở vị trí này.
Hai cuộc không kích khác nhằm vào một trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở khu định cư Tonenkoye. Một vị trí tiền phương của lực lượng Kiev ở phía đông khu định cư Opytne thuộc khu vực Donetsk cũng là mục tiêu bị tấn công.
Tên lửa Izdeliye 305 được Cục thiết kế Cơ khí Kolomna phát triển cho các máy bay trực thăng tấn công Mi-28NM và Ka-52M nâng cấp. Nó cũng có thể được phóng từ trực thăng của lực lượng đặc biệt Mi-8MNP-2.
Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính với sự hỗ trợ GLONASS, đầu dò dẫn đường hình ảnh nhiệt quang học và liên kết dữ liệu bảo mật hai chiều. Tầm bắn tối đa của tên lửa được cho là khoảng 15 km. Nó được trang bị đầu đạn nổ mạnh, nặng tới 25 kg.
Tên lửa Izdeliye 305 có thể được sử dụng ở hai chế độ khác nhau. Ở chế độ thứ nhất, mục tiêu được người điều khiển đánh dấu trước khi phóng và trực thăng tác chiến có thể quay đi ngay sau khi phóng tên lửa.
Ở chế độ thứ 2, tên lửa được phóng mà không khoá mục tiêu. Đầu tiên, tên lửa được phóng đi sau đó sử dụng hướng dẫn quán tính với định vị vệ tinh để điều chỉnh. Hình ảnh từ thiết bị tìm kiếm sẽ được truyền trở lại trực thăng thông qua hệ thống liên kết dữ liệu, được đặt tên là AS-BPLA. Người điều khiển có thể chọn mục tiêu và thay đổi mục tiêu trong khi tên lửa đang bay về phía khu vực của nó.
Trực thăng của Nga đã sử dụng tên lửa Izdeliye 305 để tấn công các mục tiêu của Lực lượng Vũ trang Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt.
HOÀ AN (Theo SF, AV)