"Thông điệp kép" của Tổng thống Nga
Theo CNN, phát biểu trước truyền thông sau khi tham dự hội nghị quốc tế "Một vành đai, một con đường" ở Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi một giải pháp hòa bình cho những căng thẳng đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.
“Tôi muốn khẳng định rằng, chúng tôi kiên quyết phản đối việc mở rộng nhóm cường quốc hạt nhân. Trong mọi trường hợp, bất kỳ vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa nào cũng là không thể chấp nhận được. Chúng tôi coi vụ thử tên lửa là nguy hiểm và phản tác dụng", Tổng thống Putin nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần ngưng đe dọa Triều Tiên và tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Liệu có thể hay không? Tôi cho rằng hoàn toàn có thể được".
Về phần mình, Bình Nhưỡng tuyên bố những hành động thử tên lửa là nhằm đáp trả mối nguy hiểm và đe dọa hạt nhân của Mỹ cùng các nước đồng minh.
"Chúng tôi sẽ tiến hành thử tên lửa đạn đạo ICBM vào bất cứ thời điểm nào, bất cứ đâu theo quyết định của lãnh đạo Triều Tiên", Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Chi Jae-ryong phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ Hai (15/5).
Trước đó, nhiều quan chức Nhà Trắng cho rằng, vụ thử tên lửa ngày 14/5 của Triều Tiên đang phát đi thông điệp tới chính quyền Nga. “Với một tên lửa bay đến gần khu vực đất liền của Nga hơn là so với Nhật Bản. Tổng thống Donald Trump không thể tưởng tượng được rằng Nga lại 'hài lòng' với hành động này", tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin nhấn mạnh, ông đã biết những thông tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên qua báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Tuy nhiên, ông bác bỏ thông tin và khẳng định, vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng không hề đe dọa đến Nga mặc dù tên lửa này rơi cách phía Đông của Nga chưa đầy 100km.
Xem thêm >>> Toàn cảnh những vụ thử tên lửa của Triều Tiên từ khi Trump cầm quyền
Tên lửa tấn công Mỹ “trong tầm tay”?
Sau vụ thử tên lửa sáng ngày 14/5, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết, tên lửa này đã bay được một chặng đường dài 787km, đạt tới độ cao hơn 2.111 km trước khi rơi xuống vùng biển Nhật Bản.
Các nhà phân tích cho rằng, với loại tên lửa mới, Triều Tiên hoàn toàn có thể tiêu diệt căn cứ Guam, siêu căn cứ quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương, vốn chỉ cách Triều Tiên 3.400 km. Nhưng tên lửa này còn lâu mới có thể vươn tới Mỹ khi khoảng cách là hơn 8.000 km và tiểu bang gần Triều Tiên nhất là Hawaii cũng cách Bình Nhưỡng 7.000 km.
Xem thêm >>> Hé lộ cuộc sống bí ẩn của một ‘tiểu Triều Tiên’ ở Nga - Kỳ II
Tại sao Nga lên tiếng bênh vực giữa “tâm bão”?
Nga là một trong số ít quốc gia có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cho hay, ngoài Trung Quốc, Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Triều Tiên. Nga đã xuất khẩu khoảng 36.000 tấn dầu trong năm 2015 sang Triều Tiên.
Theo CNN, Nga và Triều Tiên không có quan hệ thương mại chặt chẽ, nhưng hai bên đang xây dựng quan hệ kinh tế trong thời gian gần đây. Hai nước vừa mở các dịch vụ vận chuyển bằng phà, Moscow cũng tạo điều kiện cho khoảng 50.000 người Triều Tiên lao động chân tay trong các dự án ở Nga.
Trong quan hệ cấp lãnh đạo, cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il từng thăm cấp Nhà nước tới Nga trong năm 2011. Trước đó, Tổng thống Putin cũng tới thăm Bình Nhưỡng năm 2000.
“Trong khi Nga đang lo ngại về năng lực phát triển tên lửa của Triều Tiên, thì nước này cũng nhận thấy Bình Nhưỡng như một cơ hội giúp Nga đạt được một số mục đích trong quan hệ với Mỹ và Phương Tây. Quan trọng nhất, các quan chức Moscow biết được rằng, họ không phải là mục tiêu của Bình Nhưỡng”, Matthew Chance, phóng viên CNN thường trú tại Nga bình luận.
Trong một diễn biến liên quan, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 15/5 đã ra tuyên bố "bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động gây bất ổn cao độ của Triều Tiên".
Tuyên bố nêu rõ, Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình và có biện pháp bổ sung, bao gồm cả trừng phạt với quốc gia đồng minh Trung Quốc này.
Phương Anh
Xem thêm >>> Bị tố tiết lộ tin mật cho Nga: TT Trump đã vượt giới hạn đỏ?