Triều Tiên được cho là sở hữu rất nhiều loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, như Nodong và phiên bản của tên lửa Scud.
Với tầm xa khoảng 1.000km, tên lửa Nodong về lý thuyết có thể tấn công Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, do độ chính xác kém, nên tên lửa này là vũ khí chiến trường không hiệu quả và chắc chắn Triều Tiên không thể nhắm được vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, nó có thể gây thương vong lớn cho dân thường.
Tên lửa tầm trung Musudan làm một trong những quan ngại chính đối với Nhật Bản, bới nó có khả năng vươn xa 4.000km, cho phép Triều Tiên tấn công tới bất kỳ vị trí nào bên trong nước Nhật. Ước đoán về độ lớn của kho tên lửa Musudan của Triều Tiên rất khác nhau, từ chỉ hơn chục quả cho tới hơn 200 quả.
Song “anh cả” của nó, Taepodong 2, lại được giới chức quân sự Mỹ “coi trọng” hơn. Tên lửa dài 40m này được tin là có tầm xa 6.000km, có nghĩa là về lý thuyết có thể nhắm tới Alaska. Hồi tháng 12/2012, một phiên bản cải tiến của Taepodong 2, đã phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo.
Barry Pavel, cựu giám đốc cấp cao về chính sách quân sự của Hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng miêu tả vụ phóng khi đó là “một bước ngoặt”. “Nó có công nghệ nhìn chung giống với công nghệ cần có của tên lửa hạt nhân liên lục địa. Vì vậy đó mới là điều đáng lo ngại”, ông cho hay.
Theo Vũ Quý/Dân trí