Bài viết này đề cập đến những tên người cụ thể trong những sự kiện cụ thể đã được đăng báo trong năm 2012. Vì tên người ở Việt Nam rất dễ bị trùng, ví dụ như Nguyễn Thị Lan chẳng hạn, ở nước ta có cả chục ngàn người mang tên này, nên trước hết, tôi thành thật xin lỗi những độc giả và các bậc tiền nhân có tên trùng với những nhân vật sẽ được nêu sau đây.
Khi đặt tên cho con, đại đa số mỗi cái tên đều mang một ý nghĩa nhất định theo suy nghĩ của các bậc làm cha làm mẹ. Các bậc phụ huynh mong muốn cái tên ấy sẽ giúp đứa bé lớn lên thành đạt, thông minh, độ lượng, có lòng nhân ái, mạnh khỏe, làm điều tốt… Hoặc ngược lại, đứa bé ấy là kết quả của một mối tình ngang trái cho nên nó được đặt tên Hận, ví dụ Ân Hận, Trường Hận… Hoặc vì quá nghèo không có tiền mua điện thoại di động nên người dân tộc thiểu số ở một ngôi làng thuộc miền Trung rủ nhau đặt tên con là Đinh Nokia, Đinh Samsung, Đinh Motorola… Hoặc có một thai phụ nọ không kịp đến bệnh viện đành sinh con trên xe taxi nên đặt tên Rớt cho đứa bé. Cũng có bậc phụ huynh, không hiểu rơi vào tình cảnh như thế nào lại đặt tên con là Xỉn, rất “gần gũi” với Lưu Linh.
|
Cũng có người tin cái tên sẽ vận với số phận nên tìm cách đổi tên, thậm chí đổi luôn ngày sinh tháng đẻ với mong muốn thay đổi cuộc đời theo chiều hướng khá hơn, hoặc chỉ nhằm tránh sự xui rủi cứ bám miết theo mình. Thế nhưng, sự đời lại không đơn giản một khi có cái tên sáng sủa thì phần số sẽ sáng theo hoặc gặp vận may. Xin đơn cử những trường hợp sau đây để cùng chiêm nghiệm.
Người mang tên Nhân Từ thường có sự khoan dung, độ lượng, bác ái và sẽ không bao giờ làm điều ác, về lý thuyết là vậy. Thế nhưng có một gã 29 tuổi, tên Nguyễn Nhân Từ, nhà ở đường Lê Đức Thọ, P.1, Q.Gò Vấp (TP.HCM) đã thượng cẳng chân hạ cẳng tay với đứa bé mới 3 tuổi tên Nguyễn Hoàng Anh (con riêng của vợ) đến mức phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Bác sĩ chẩn đoán bé Hoàng Anh bị chấn thương tinh hoàn hai bên, vỡ gan gây chảy máu ổ bụng. Một đứa bé 3 tuổi thì có biết sân si, thù hằn với ai đâu, sao phải lãnh hậu quả như vậy?
Yêu người và giết người
Đó là trường hợp của một anh chàng 22 tuổi, quê ở Bến Tre, mang một cái tên rất nhân bản: Trần Nguyễn Ái Nhân (ái nhân tức là yêu người). Số là Ái Nhân đến nhà một người bạn ở khu phố 6, P.Phú Khương, TP.Bến Tre nhậu. Trong lúc chén tạc chén thù với các “chiến hữu”, Ái Nhân toàn nói chuyện bạo lực, choảng nhau nên được Trần Đại Phương Tính (quê ở Lâm Đồng) khuyên đừng nói chuyện đó, mất vui. Đó là một lời khuyên có lý. Thế nhưng không biết suy nghĩ thế nào, Ái Nhân chộp con dao gọt trái cây đâm một nhát vào cổ khiến Phương Tính tử vong.
Thái bình và bạo lực
Cũng na ná như trường hợp “yêu người” nói trên, một thanh niên tên Nguyễn Thái Bình, 22 tuổi, quê ở Bình Phước, quen biết và đem lòng yêu thương cô gái Hồ Thị Thu, 19 tuổi cùng quê. Khi Thái Bình ngỏ lời yêu thì bị Thu từ chối. Tức giận và sốc nặng trước sự phũ phàng, Thái Bình mang chai xăng tạt vào người cô Hồ Thị Thu rồi lạnh lùng bật quẹt gas... Kết cục của “mối tình rực lửa”: cô Thu bị thương tật 55%, kẻ si tình dại dột lãnh án 10 năm tù giam về tội giết người.
Võ Đông Sơ và Heineken
Tôi có một đồng nghiệp quê ở Đồng Nai, lần nào cũng vậy, hễ hát karaoke là thế nào anh ta cũng ca bài vọng cổ Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà. Mặc dù không phải dân miền Tây nhưng phải thú thật anh ta hát bài này khá mùi. Theo tuồng tích thì Võ Đông Sơ là một chiến binh xông pha ngoài trận mạc và anh dũng hy sinh ở chốn binh đao, vĩnh biệt tình yêu lý tưởng với nàng Bạch Thu Hà đang mòn mỏi ngóng chờ nơi hậu tuyến. Võ Đông Sơ trong cải lương là nhân vật không có thật, chỉ là hình tượng. Có một Võ Đông Sơ ngoài đời bằng xương bằng thịt, nhưng không phải xông pha ngoài chiến trường mà dính dáng đến… bia bọt.
Trưa 18.5.2012, sau nhiều ngày theo dõi, công an đã bắt quả tang Võ Đông Sơ (41 tuổi, quê ở Long An) đang chất 23 két bia Heineken giả lên xe tải trước nhà không số, đường Nguyễn Văn Thời, xã Quy Đức, H.Bình Chánh, TP.HCM. Theo lời khai của Võ Đông Sơ, anh ta cùng đồng bọn lùng mua chai bia thật và nắp bia Heineken đã qua sử dụng, sau đó lấy 1/3 nước bia Heineken thật trộn với 2/3 bia Sài Gòn xanh để cho ra lò bia chai Heineken giả, mang đi bỏ mối cho các quán nhậu. Võ Đông Sơ trong cải lương nếu có sống dậy nhìn thấy cảnh này chắc cũng... cắn lưỡi chết phức cho xong.
Hồ Quý Ly báo thù
Nếu ai đã từng học lịch sử Việt Nam thì đều biết Hồ Quý Ly, một vị vua đầu thế kỷ 15, đặt tên nước là Đại Ngu, trị vì được 7 năm (1400 - 1407), cùng thời với nhà Minh bên Trung Hoa. Hồ Quý Ly có 2 người con trai được sử sách ghi nhận là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương. Có ý kiến cho rằng Hồ Quý Ly là nghịch thần, kẻ tiếm ngôi nhà Trần. Nhưng cũng có ý kiến nhận xét ông là nhà cải cách, mang hoài bão xây dựng đất nước thái bình. Thế kỷ 21 cũng có một Hồ Quý Ly.
Rạng sáng một ngày đầu năm 2012, cảnh sát giao thông TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) phát hiện hai người điều khiển xe máy biển số 72L9-5424 chở theo... 3 con dao nên tiến hành kiểm tra. Hai người này còn rất trẻ: Lê Minh Sang, 14 tuổi và Hồ Quý Ly, 16 tuổi. Công an hỏi đêm hôm khuya khoắt mang dao đi đâu? Hồ Quý Ly khai do mâu thuẫn với nhóm thanh niên nọ nên mang dao đi trả thù. CSGT sau đó đã bàn giao hai kẻ “muốn báo thù” cho Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Vũng Tàu tiếp tục làm rõ.
Nguyễn Công Trứ lãnh án
Chúng ta đều biết Nguyễn Công Trứ là một nhân vật lịch sử, từng giữ chức thượng thư (bộ trưởng) và tổng đốc dưới thời nhà Nguyễn vào thế kỷ 19. Ngay từ thuở hàn vi, còn rất trẻ thế nhưng ông đã có hoài bão, nuôi lý tưởng lớn của các bậc trượng phu:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Ấy vậy mà, có một kẻ cũng mang tên Nguyễn Công Trứ mới 15 tuổi đầu, đang học lớp 10 ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định chẳng những chưa giúp ích gì cho gia đình mà do cần tiền chơi game nên bịt mặt như ninja, lẻn vào nhà bà bác ruột trộm tài sản. Bị phát hiện, Nguyễn Công Trứ đã dùng dao đâm chết bác ruột của mình. Không giống tiền nhân “đứng trong trời đất”, Nguyễn Công Trứ hậu sanh phải ngồi tù 10 năm. Than ôi!
Tên và tâm
Có thể khẳng định một điều: cái tên không quyết định bạn sẽ trở thành người như thế nào. Nói cách khác, số mạng của một con người không phụ thuộc vào Tiền hoặc cái Tên trong giấy khai sinh hay thẻ chứng minh nhân dân. Cái Tâm và Tài mới quyết định. Muốn thành đạt và có cái tâm trong sáng, người ấy phải sống trong một môi trường giáo dục tốt, với gia đình làm nền tảng, ý thức được hành vi bản thân và yêu thương đồng loại, bất chấp mình đã và đang mang một cái tên bình dị, chân quê hoặc “chẳng giống ai” đi chăng nữa. Còn ngược lại, cho dù bạn mang một cái tên đẹp như thơ hay hoành tráng như dũng sĩ mà không được giáo dục đàng hoàng thì hậu quả khó lường, thậm chí là bi kịch.
Chuyện gia đình tôi
Nhà tôi có 4 anh em, 2 trai 2 gái, tôi là anh cả. Cô em út tên Đoàn Thị Hoàng Oanh, nay đã 45 tuổi. Sau này ba tôi mới tâm sự là hồi thập niên 1960, ông rất ngưỡng mộ giọng hát của ca sĩ Hoàng Oanh nên đặt tên này cho đứa con út. Không biết ba tôi có mong muốn con mình lớn lên trở thành ca sĩ hay không chứ thú thật, ca sĩ Hoàng Oanh hát hay bao nhiêu thì cô em út của tôi…hát dở bấy nhiêu.
Nếu cô ấy đi dự thi đại loại như Vietnam Idol hay Giọng hát Việt có lẽ rớt ngay từ vòng... gửi xe, chắc cú luôn!
Đoàn Xuân Hải/Theo Thanh niên