Bác sĩ nam khoa Nguyễn Bá Hưng, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, cho hay, ở người bình thường, thể tích tinh hoàn to hay nhỏ được quyết định bởi các ống sinh tinh bên trong nó, càng nhiều và càng dồi dào ống này thì tinh hoàn càng nở to.
Tinh hoàn được coi là phát triển đầy đủ chức năng khi trên 16 tuổi nhưng thể tích có thể tiếp tục tăng đến khi 18 tuổi. Với nam giới trưởng thành, kích thước tinh hoàn phải đạt trên 12 ml mới mong có thể có chức năng sinh sản tốt được.
Trường hợp viêm tinh hoàn do virus quai bị, virus nhắm đến các tế bào biểu mô của các ống sinh tinh và tại đây chúng ra sức phá hủy cấu trúc này. Nếu ống sinh tinh bị virus phá hủy hết, tinh hoàn sẽ bị teo nhỏ xuống, thể tích còn lại chỉ bằng hạt lạc, dù trước đó có thể to bằng quả trứng gà. Nếu các cấu trúc này chưa bị phá hủy hết, tinh hoàn bị teo đi một phần, có thể chỉ còn bằng hạt mít hay hòn bi… Và biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị có thể bị một bên hoặc có thể xảy ra ở cả hai bên.
Về biểu hiện của tinh hoàn teo, Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thọ - Vinmec Times City, cho biết nam giới có thể nhận biết qua các dấu hiệu như:
- Tự sờ nắn và phát hiện tinh hoàn teo nhỏ hơn bên còn lại;
- Kích thước tinh hoàn nhỏ hơn so với người bình thường (kích thước trung bình của tinh hoàn từ 4-5cm, trọng lượng khoảng 20g).
- Tinh hoàn không căng.
Tinh hoàn teo sẽ làm ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hôn nhân vợ chồng:
- Kích thước tinh hoàn không như bình thường;
- Trương lực nhão;
- Giảm chất lượng tinh trùng;
- Chất lượng testosterone giảm;
- Giảm ham muốn;
- Xuất tinh sớm.
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây hiếm muộn
Với thắc mắc “1 tinh hoàn có sinh con được không?” thì theo bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, nếu chỉ bị sưng đau một bên, tinh hoàn bên đó sẽ teo và khả năng sinh sản sẽ giảm đi, tuy nhiên vẫn còn bên kia để bù trừ nên người bệnh vẫn có khả năng làm cha. Nếu bị cả hai bên, tác động đến khả năng sinh sản càng nặng nề, trường hợp xấu nhất là teo hoàn toàn, chức năng sinh sản vĩnh viễn bị loại bỏ và cho đến nay y học vẫn chưa có biện pháp điều trị hữu hiệu. Những người bệnh này không còn cơ hội được làm cha, nếu muốn có con họ chỉ còn cách đi xin tinh trùng hoặc xin con nuôi.
Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ trên Tuổi Trẻ, bác sĩ CKI Phạm Nam Việt lưu ý thêm, quá trình teo tinh hoàn sẽ diễn tiến từ từ sau đợt viêm cấp (2-6 tháng). Vì vậy những trường hợp quai bị có viêm tinh hoàn hai bên, để duy trì khả năng sinh sản (dành cho những thanh niên chưa lập gia đình hoặc chưa có con) có thể đến các trung tâm điều trị vô sinh xin trữ lạnh tinh trùng khi chất lượng và số lượng tinh trùng chưa bị giảm nhiều.
Tốt hơn hết là chủng ngừa quai bị, nhất là ở nam giới dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch chống quai bị.
Minh Hoa (t/h)