Chiều 8/1, tại buổi họp báo về việc đảm bảo tiền mặt và an toàn, thông suốt hoạt động thanh toán trong dịp Tết Nguyên Đán 2018, ông Phạm Bảo Lâm – Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ - NHNN khẳng định, trong năm 2017 sẽ tiếp tục chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ (từ 5.000 đồng trở xuống) ra lưu thông dịp Tết Nguyên Đán.
Tuy nhiên, NHNN vẫn sẽ in một lượng tiền mới với mệnh giá trên 10.000 đồng, dựa theo nhu cầu chính đáng của người dân.
Ông Lâm cho hay, việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên Đán giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này (từ năm 2013) lên đến khoảng gần 2.200 tỷ đồng.
Về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt Tết Nguyên Đán Mậu Tuất 2018, NHNN khẳng định đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt chính đáng cho người dân, không ủng hộ việc dùng tiền lẻ đi lễ chùa, cúng bái...
NHNN có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động lập kế hoạch đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt, nhu cầu thanh toán của đơn vị, đảm bảo các máy ATM hoạt động thông suốt trong dịp Tết.
Trả lời câu hỏi của PV về các chế tài xử phạt các TCTD để cây ATM "chết" quá lâu hay áp lực đổi tiền lẻ, các điểm đổi tiền lẻ lấy phí cao..., NHNN cho biết đã có quy định xử lý tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Trong các năm trước cũng đã tiền hành xử phạt những trường hợp này.
Về vấn đề nhu cầu sử dụng tiền lẻ tại các trạm BOT trong thời gian gần đây, nhất là nhu cầu sử dụng tiền mệnh giá 100 đồng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin, đây không phải là hiện tượng, nhu cầu tiền mặt khách quan của dân cư, mà chỉ là nhu cầu cục bộ, phục vụ mục đích riêng của các tài xế và các trạm BOT trong việc đấu tranh quyền lợi.
"Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt, từ mệnh giá 100 đồng đến 500.000 đồng" - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định.