Gia đình thoát nghèo bền vững
Mấy ngày trước Tết, cũng như người dân trong bản Xằng, xã Lục Dạ, huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An, gia đình ông Vi Văn Diện (SN 1955) hối hả, rộn ràng dọn dẹp nhà cửa. Mọi công việc đồng áng, nương rẫy được gác lại, phụ nữ thì làm bánh, đàn ông trong nhà mổ lợn để chuẩn bị cho ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Tết đến, gia đình sum vầy, cùng nhau nhắc chuyện cũ để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Nhìn ngôi nhà sàn khang trang này không ai nghĩ rằng cách đây 3 năm gia đình ông Diện lại thuộc hộ nghèo trong xã. “Từ khi thoát nghèo, mọi người trong nhà cố gắng chăm chỉ làm việc hơn trước. Chứ đã viết đơn xin ra, mà khổ quá lại phải vào lại hộ nghèo thì mọi người trong bản cười mất”, ông Diện vui vẻ nói.
Sinh ra ở mảnh đất được bao quanh bởi núi rừng như thế này, gia đình lại đông con, cuộc sống phụ thuộc vào nương rẫy nên ông Diện “nghèo từ trong trứng nước”. Nhờ chính sách xóa mù chữ của Nhà nước, ông Diện cũng được đi học để viết được cái tên của mình. Vào năm tròn 18 tuổi, cũng là thời điểm chiến tranh đang ác liệt, ông Diện quyết định trốn nhà nhập ngũ và được tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị.
“Năm 1979, tôi phục viên trở về quê và được bầu làm bí thư chi đoàn xóm, phó chủ nhiệm hợp tác xã. Đến năm 1984, tôi trúng vào hội đồng nhân dân của xã. Cũng vào năm đó, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến nay cũng được 35 năm tuổi Đảng rồi”, ông Diện kể.
Mặc dù cố gắng lao động nhưng càng về già, sức khỏe của ông càng yếu. Vợ chồng có 4 người con trai, vì thế làm lụng vất vả cũng chẳng đủ ăn. Năm 1995 là năm lần đầu tiên chính quyền địa phương xét duyệt hộ nghèo trên địa bàn, cũng từ đó gia đình ông Diện luôn thuộc hộ nghèo.
“Tôi luôn cảm thấy xấu hổ, mình là Đảng viên, lại đang có sức lao động, vậy mà nuôi vợ và các con không được, phải nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước. Vì thế đến năm 2015, khi thấy các con của tôi đã đủ tuổi khôn lớn có thể bắt đầu đi làm, thì tôi quyết định viết đơn xin rút ra khỏi hộ nghèo”, ông Diện nhớ lại.
Quyết định này khiến vợ con ông rất bất ngờ, thời điểm này gia đình vẫn đang đói khổ, việc làm này sẽ khiến gia đình ông không được hưởng các chế độ ưu đãi của chính quyền nữa. Thế nhưng, biết tính của ông Diện đã quyết định thì sẽ làm bằng được, nên không ai dám can ngăn. Ông Diện cũng hiểu, vì vậy đã tổ chức buổi họp gia đình, nói lên lý lẽ của mình và mong vợ con chấp nhận.
“Lúc khó khăn thì được Nhà nước cho vào hộ nghèo, giờ tuy không phải giàu sang nhưng đã ổn định rồi thì nên ra để dành cơ hội đó cho người khác. Ở trong bản còn rất nhiều gia đình còn khó khăn hơn gia đình tôi. Hơn nữa, có thoát nghèo thì mới có nghị lực làm ăn, chứ không thể thụ động chờ hỗ trợ được nữa”, ông Diện giải thích lý do viết đơn xin thoát nghèo.
Mặc dù vậy, những năm đầu tiên gia đình ông Diện cũng lao đao vì khó khăn. Cả nhà chỉ có một ít đất ruộng, một năm làm được 2 vụ lúa chẳng đủ ăn. Sau đó, những người con trai lần lượt lập gia đình, chen chúc trong một căn nhà sàn không có vách. Bản thân ông Diện lại bị thương tật ở tay nên không thể đi làm thuê các công việc nặng nhọc được. Vậy nhưng, ông vẫn tin nếu quyết tâm thì việc gì cũng có thể làm được.
Ông Diện cho biết thêm: “May mà những đứa con của tôi cũng có chí, lần lượt vào Nam tìm việc gửi tiền về. Vợ của tôi không một lời trách móc, cùng tôi cặm cụi làm ruộng, làm nương rẫy. Giờ đây, sau hơn 3 năm viết đơn thoát nghèo, thì gia đình tôi đã thoát nghèo thật sự. Mua được tivi để xem, mua được xe máy để đi. So với đời sống của mọi người trong bản thì đã sướng hơn rất nhiều rồi”.
Nhớ về quyết định lúc xưa, ông Vi Văn Diện thừa nhận đó là việc “liều lĩnh” nhưng phải làm. Ông Diện cho hay, nếu có hộ nghèo thì được bảo hiểm, xin thuốc không mất tiền, con đi học được miễn giảm, Tết còn có quà, gạo. Thế nhưng nếu ai cũng muốn hộ nghèo thì làm sao đời sống phát triển được. Hơn nữa, ông làm như vậy cũng là muốn làm gương cho con cháu, luôn cố gắng chứ không được trông chờ vào Nhà nước.
Chính quyền không ép buộc
Bà Kha Thị Tím, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Những năm gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện việc liên tiếp người dân tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Có thể xem đây là một tín hiệu tích cực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chứng tỏ bà con bắt đầu có ý thức vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tư tưởng trông chờ, ỷ lại đang dần được xóa bỏ”.
Theo vị Phó chủ tịch huyện, xóa đói giảm nghèo là công cuộc lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, trong đó mấu chốt chính là người nghèo phải có quyết tâm thoát nghèo, nghĩa là có ý thức rũ bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Đáng mừng là mỗi năm, vào mỗi dịp bình xét hộ nghèo, ở huyện miền núi Con Cuông lại xuất hiện những lá đơn xin thoát nghèo. Điều quan trọng, phần lớn các hộ gia đình viết đơn đều thoát nghèo bền vững.
Chị Hà Thị Nhàn (SN 1982), trú tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông là một trong những người viết đơn xin thoát nghèo năm 2019. Chị Nhàn cho biết, do điều kiện sức khỏe của vợ chồng chị không được tốt nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, suốt 8 năm qua luôn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Gia đình chúng tôi cũng đã được hưởng nhiều chế độ về chính sách ưu đãi của cấp trên… và vợ chồng tôi cũng làm thêm có mức thu nhập tạm ổn. Đặc biệt, năm 2018, gia đình được hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, không còn phải sống trong căn nhà cũ rách nát nữa. Vì vậy tôi mới bàn với chồng nên xin thoát nghèo, nhường các chế độ cho những người khác”, chị Nhàn nói.
Ban đầu chồng chị còn đắn đo, nhưng cuối cùng chị đã thuyết phục và đi đến thống nhất viết đơn xin thoát nghèo. Lá đơn của chị viết với những dòng chữ nguệch ngoạc, nhưng thể hiện sự quyết tâm cao: “Thời gian qua gia đình chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế. Do vậy, thôn bản cũng đã xét cho gia đình chúng tôi thuộc diện hộ nghèo từ năm 2010 đến 2018. Gia đình chúng tôi cũng đã được hưởng nhiều chế độ về chính sách ưu đãi của cấp trên… Và gia đình chúng tôi cũng làm thêm có mức thu nhập tạm ổn. Cuối năm 2018, sau khi bình xét hộ nghèo, gia đình chúng tôi đã tình nguyện xung phong thoát nghèo”.
Ông Vi Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho biết, mặc dù cuộc sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã vẫn còn có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên điều mừng nhất là người dân đã ý thức và thay đổi suy nghĩ trong cuộc sống. Đó là biết nhường cơm sẻ áo, chia sẻ khó khăn cùng nhau, động viên nhau làm ăn để thoát nghèo.
“Năm 2018, có thêm 16 hộ ở bản Xiềng làm đơn, đưa số hộ xin thoát nghèo lên con số 19. Đây là hành động tự nguyện, chính quyền không hề ép buộc. Chứng tỏ một tín hiệu đáng mừng cho xã khi người dân đã hiểu, quyết tâm cố gắng thay đổi cuộc sống chính mình”, ông Nam nói.
Bài 2: Tâm sự của người phụ nữ quyết xin ra hộ nghèo để nhường cho hoàn cảnh khốn khó hơn được đăng tải trên báo điện tử Người Đưa Tin vào 8h30 sáng 8/2, mời quý vị và các bạn đón đọc.