Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Rất nhiều em có cuộc sống ngắn ngủi như ngọn nến trong đêm. Điều các em cần nhất không phải chỉ cơm ăn áo mặc mà là được tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống.
Hiện tại, mái ấm Làng Hòa Bình có hơn 50 người từ sơ sinh đến 34 tuổi. Hầu hết các em bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra và có bố hoặc mẹ sống ít nhất 10 năm trong vùng nhiễm hóa chất do quân đội Mỹ rải xuống thời kỳ chiến tranh. Các em không chỉ là nỗi đau, mà còn là nỗi sợ hãi của các ông bố, bà mẹ. Nhưng khi các em bị chính cha mẹ đẻ chối từ thì vẫn còn tập thể y bác sĩ của Làng Hòa Bình trong bệnh viện Từ Dũ dang rộng vòng tay nhân ái đón nhận.
Trao đổi với PV, nữ hộ sinh Đoàn Thị Thanh (Phó khoa Phục hồi chức năng, Làng Hòa Bình) cho biết: “Chúng tôi xem các em như con đẻ. Mọi người làm việc bằng cả tấm lòng, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho các em. Nhìn bọn trẻ tội nghiệp như vậy nên ai cũng thương,...
Các bé ở đây đều mang những dị tật bẩm sinh, nhẹ là cứng khớp, quặt chân quặt tay, còn có em cụt tứ chi, đầu to, đầu nhỏ, không có mắt, mặt biến dạng,... Tội nghiệp nhất là những em vừa dị tật vừa thiểu năng trí tuệ, chỉ duy trì đời sống thực vật. Có em 8 tuổi nhưng chỉ bé bằng một đứa trẻ 9 tháng, lại phải mang trên thân hình yếu ớt ấy một cái đầu quá khổ,...”.
Dường như, đây là một thế giới vô cùng đặc biệt, một thế giới có những đứa trẻ không nói, không cười, nhưng các em vẫn cảm nhận được tình yêu thương,... Đi qua những căn phòng của các em, tôi thấy chúng chơi đùa rất vô tư. Có em khuyết chân, đang đá bóng bằng đầu gối, vẻ say mê lộ trên nét mặt. Một em nữ không có tay đang xếp hình bằng bàn chân cũng bị cụt ngón...
“Các em rất dễ thương, ngây thơ và hồn nhiên lắm! Cũng rất tinh ranh, kiểu trẻ con... Việc chăm sóc các em nhiều khi cũng rất vất vả nhưng nghĩ tới sự mất mát của các em là chị em chúng tôi lại hiểu được nỗi lòng của bọn trẻ nên càng yêu thương các em hơn,...”, chị Thanh bày tỏ.
Thương các em là vậy nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các y bác sĩ của Làng Hòa Bình vẫn không tránh khỏi nỗi lo lắng. Bởi những dịp này, không khí Tết nhất vô cùng nhộn nhịp và các em cũng hòa theo những sự nhộn nhịp đó. Nhiều lúc, khi được cô giáo ở trường cho nghỉ Tết, các em thường rất háo hức.
Nếu không tổ chức vui Tết, các em sẽ rất dễ buồn và tủi thân. Bác sĩ Lê Thị Hiền Nhi (Trưởng khoa Phục hồi chức năng ở Làng Hòa Bình) cho hay, để tránh sự tủi thân của các con, vào những dịp lễ Tết, các y bác sĩ của bệnh viện cùng phối hợp với đoàn tình nguyện, các em sinh viên tổ chức các buổi giao lưu đón Tết.
“Thường, chúng tôi sẽ tổ chức vui chơi ngay tại khuôn viên bệnh viện vì một số em không thể ra ngoài lâu. Tuy nhiên, để các em cảm nhận đầy đủ nhất hương vị của Tết, chúng tôi vẫn phối hợp với đoàn sinh viên tình nguyện cũng như các nhà hảo tâm tổ chức chơi công viên hay đi thăm vườn hoa.
Những dịp đó, bọn trẻ rất thích. Dù, chúng khá mệt nhưng vô cùng vui...! Những lần như vậy, mỗi cô kèm một em, nếu như có tắm biển thì phải bế từng em xuống bãi tắm,... Khi đó có rất nhiều thanh niên tình nguyện, các em rất mừng, bọn nhỏ cứ đòi bế, đòi cõng và nép vào các thanh niên tình nguyện đầy quyến luyến,...
Ngoài ra, những dịp này, các nhà hảo tâm đến thăm còn mang đủ các loại bánh chưng, mứt kẹo, làm một số món ăn ngon đặc biệt mà ngày thường không có để giúp các em cảm nhận đủ hương vị Tết”, bác sĩ Nhi chia sẻ.
Tuy nhiên, trong cái không khí ấy, một số em bé vẫn mang trong mình cảm giác buồn, đôi mắt chúng cứ nháo nhác nhìn khắp nơi để tìm mẹ. Theo tìm hiểu của PV, các em này sinh ra trong gia đình khó khăn, bản thân lại dị tật, bố mẹ không đủ điều kiện cũng như cách chăm sóc nên đã đến gửi các em lại bệnh viện,... Khi đó, có nhiều phụ huynh hứa với con sẽ đến thăm, có bố mẹ hứa cuối năm sẽ đưa các con về. Nhưng cuối cùng, những người quay trở lại thăm con lại vô cùng hiếm hoi.
Nhiều trẻ Làng Hòa Bình là tấm gương vượt khó Mặc dù mang trong mình nỗi đau da cam, nhưng khá nhiều đứa trẻ xuất phát từ Làng Hòa Bình đã hòa nhập cuộc sống và gặt hái rất nhiều thành công. Trong đó có Trần Thị Hoan tốt nghiệp hai trường ĐH Ngoại ngữ và ĐH Công nghệ thông tin; em Nguyễn Hồng Lợi đạt Huy chương vàng bơi lội và nhiều môn thể thao khác; em Lê Minh Châu trở thành họa sĩ được nhiều người mến mộ; Trần Minh An đang là sinh viên xuất sắc của trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM,... Các em mang trong mình nỗi đau da cam và bị khuyết tật nhưng ý chí vượt khó lại khiến rất nhiều người nể phục. Để ủng hộ và động viên, ban Giám đốc bệnh viện đã tuyên dương các em, đưa các em làm tấm gương sáng cho nhiều em nhỏ tiếp tục noi theo. |
Dương Hạnh