Xuân này vui hơn xuân trước
Cách đây gần 5 năm, chúng tôi có dịp tới xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước tìm hiểu về cuộc sống của đồng bào người Stiêng, quả thực họ còn rất khó khăn. Người già còn phải chăn trâu thuê, mót củ mì, mót điều, trẻ nhỏ thì lăn lộn với đất đỏ, không được đến trường. Đặc biệt, họ còn duy trì nhiều hủ tục lạc hậu như đàn ông cưới nhiều vợ, sinh nhiều con. Hôm nay quay lại, dù phải gian khổ vượt qua những cung đường "lên trời thì gần, xuống chợ thì xa" nhưng đã có nhiều điều làm chúng tôi ngạc nhiên.
Điều đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận đó là một con đường lớn, rộng thênh thang đang hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản và phát triển kinh tế xã hội. Cạnh đó, các trung tâm hành chính, thương mại cũng đang mọc lên, tạo nên một đô thị mới ở nơi vốn là rừng sâu lắm thác nhiều gềnh. Người dân nơi đây nói chung và cộng đồng người Stiêng nói riêng đang chào đón một mùa xuân vui tươi hơn, ấm áp hơn.
Nay các em đã được đến trường đóng ngay tại thôn.
Chúng tôi đến Bù Gia Phúc 1, một trong những thôn có đông đồng bào người Stiêng nhất của xã Phú Nghĩa. Điểu Duông dù đang bận chơi trận bóng chuyền nhân dịp Tết đến xuân về, song anh cũng "tạm dừng" trận đấu "nảy lửa" để cho chúng tôi biết về đời sống của đồng bào mình. Điểu Duông dù mới bước sang tuổi 39 nhưng đã có 3 năm làm trưởng thôn. Anh cũng được biết đến là một gương điển hình của xã Phú Nghĩa trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện, hai vợ chồng anh có 6 ha đất, trồng điều và cao su. "Cao su mới trồng được 2 năm, khoảng hơn 2 năm nữa là cho mủ rồi anh ạ", Điểu Duông phấn khởi kể. Mỗi năm, vợ chồng anh canh tác trên mảnh rẫy rộng lớn này, trừ đi các khoản chi phí, thu về khoảng 70 triệu đồng. Đối với đồng bào người Stiêng nơi đây thì anh được cho là một hộ khá. Có điều kiện về kinh tế, Diểu Duông chăm lo cho con cái và cho ăn học hết. "Cháu nhỏ nhất giờ cũng đi học mẫu giáo rồi anh ơi", Điểu Duông chia sẻ.
Tiếp tục theo chân Điểu Duông đến nhà ông Điểu Chal, năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn còn đan lát khỏe. Ông cho biết, đây là nghề truyền thống của gia đình. Đan vừa để giữ nghề vừa để kiếm thêm thu nhập. Đa phần, sản phẩm của ông bây giờ là đồ dùng mỹ nghệ, những cái ngày xưa chỉ dùng cho các hoạt động sản xuất hàng ngày của đồng bào người Stiêng.
Nói về đời sống của bà con đồng bào, Điểu Duông cho biết, đa phần đồng bào là những người làm nương rẫy, làm thuê mướn và đời sống đã khá hơn trước nhiều. Hiện nay, thôn chỉ còn 4 cháu không đi học, do hoàn cảnh quá khó khăn mà thôi. Ông Bùi Tấn Chắc, Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa cho biết: "Hiện nay, xã đã phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Riêng bậc mầm non do nhiều yếu tố khác nhau nên chưa thực hiện được. Trong đó, lượng học sinh dân tộc đến trường là rất cao". Ông Chắc cho biết thêm, giờ thu nhập bình quân đầu người đạt gần 7,3 triệu đồng/năm/người, cao hơn gấp đôi so với năm 2006.
Trước đây, trẻ em phải theo mẹ, người lớn tuổi chăn trâu, đốn củi, mót mũ cao su... mà không được đến trường. (Ảnh chụp năm 2008).
Nhiều hủ tục giờ chỉ còn là kí ức
Nói chuyện với chúng tôi, Điểu Duông chia sẻ, trước đây, cuộc sống của người đồng bào Stiêng còn khó khăn là do có khá nhiều hủ tục lạc hậu, kìm hãm sự phát triển. Trong đó, điển hình nhất là tục cưới nhiều vợ, tục đâm trâu và chạy theo phong trào.
Tục đâm trâu là theo truyền thống của những người trước để lại. Theo đó, khi có điều kiện hoặc khi thu hoạch vụ mùa xong, đặc biệt là thời gian sau này, khi hạt điều có giá, bà con thường giết rất nhiều trâu. Có năm, giết mấy chục con là chuyện bình thường. Thời ấy, tục quay đầu trâu diễn ra luân phiên, hôm nay anh làm, mời tôi và mời dân bản cả làng thì hôm sau, tôi phải trả lễ, đâm trâu thiết đãi lại anh và cả dân làng. Cứ thế, xoay vòng theo tục quay đầu trâu. Có khi một lần đâm trâu, dân làng ăn hai ba ngày liền. Điều này hết sức lãng phí, bởi ngoài trâu thì còn tốn rất nhiều thứ: Thời gian, tiền bạc, các đồ ăn, thức uống khác...
Bên cạnh tục đâm trâu thì chuyện cưới nhiều vợ (sai) và sinh nhiều con cũng từng là một hủ tục của người Stiêng tại Phú Nghĩa. Đặc biệt là các thôn Bù Gia Phúc 1, Đắc Son 1, Đắc Son 2, Bù Cà Mau... một người đàn ông cóá tới 3 - 4 vợ là chuyện không hiếm. Thậm chí, có người lấy đến 7, 8 vợ. Đến bây giờ có người vẫn còn sống như cụ Điểu Mố nay đã ngoài 80 có 3 người vợ (đã mất 1). Sau này, những người có 2 vợ cũng đếm trên dưới cả chục hộ tại Đắc Son 1, Bù Gia Phúc 1. Chế độ đa thê tồn tại và phát triển một thời gian khá dài ở cộng đồng người Stiêng là do suy nghĩ có nhiều đất, cần người làm cộng với chuyện cưới về cho vui cửa, vui nhà. Dù để lấy được vợ trong phong tục của người Siêng rất tốn kém.
Ông Điểu Manh, nguyên trưởng thôn Bù Gia Phúc 1 cho biết, trong văn hoá, xã hội của tộc người Stiêng, để lấy được một người vợ, người đàn ông phải tuân theo những quy định gắt gao của dân bản. Theo đó, lễ vật cưới vợ gồm có: Từ ba xà lung (chum lớn), có giá khoảng 10 triệu đồng; bốn đến năm cái tố (ché). Nếu là tố rồng thì có giá khoảng 1 triệu đồng/cái, tố bình thường khoảng 200 ngàn/cái, cộng thêm ba đến bốn chục triệu để lo tiền đám cưới. Theo tục lệ, người đàn ông Stiêng muốn lấy vợ (lần đầu) và cưới ở nhà trai thì phải làm trâu, bò, heo mời hết nhà gái và bà con dân bản. Còn từ vợ hai trở đi thì người đàn ông chỉ phải trả của, làng không bắt cưới linh đình như vợ đầu. Trường hợp nào không có tiền, của thì phía nhà vợ sẽ cho nợ và phải ở rể. Thường thì họ ít khi trả được hết nợ, phải ở rể suốt cuộc đời. Còn trâu bò, heo để đãi dân bản, làng cũng cho nợ, mỗi năm trả một ít. Trước kia, khi một người đàn ông có nhiều vợ thường ở vào một cái chòi giữa rẫy của mình, mỗi đêm có một bà vợ mang cơm thay phiên. Sau này, các bà vợ cùng chồng sống chung trong gia đình, ở cùng trong một nhà và làm chung những nương rẫy mà họ có.
Ông Chắc cho biết thêm, sau này, khi đời sống dần khá lên, một số hộ chi nhiều tiền để xây nhà, mua sắm xe, đồ đạc trong gia đình. Thế là bà con khác cũng chạy theo mua sắm, xây dựng nhà cửa... dù không có tiền. Họ vay mượn chỗ này chỗ kia, thế chấp đất đai để xây nhà cả trăm triệu đồng, mua xe gắn máy hàng chục triệu. Đến khi không có tiền trả, buộc phải bán đất đai, làm cho chính quyền địa phương hết sức đau đầu. Thêm vào đó, thời gian gần đây, khi cao su có giá, nhiều hộ lại đổ xô cưa điều, trồng cao su. Chúng tôi cũng đã đến vận động, giải thích cho họ hiểu chỉ nên chuyển đổi cây trồng với vườn cây nào kém hiệu quả, lâu năm. Tránh để khi mất giá lại trở nên trắng tay, vì cao su phải đầu tư nhiều chi phí, thời gian thu hoạch lâu.
"Hiện nay, Lễ hội đâm trâu thì chúng tôi vẫn khuyến khích bà con dân bản giữ gìn nhưng mỗi năm chỉ làm một lần chung cho cả xã và chỉ làm một con trâu cho đúng lễ nghi", ông Chắc cho biết. "Cùng với hủ tục đâm trâu, phong trào mua sắm, xây nhà... thì chuyện cưới nhiều vợ của đàn ông người Stiêng đã không còn nữa. Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và hiểu biết pháp luật nhiều nên bà con đã biết và chấp hành, sống một vợ một chồng. Như thế là đã đổi thay rất nhiều rồi anh ạ", Điểu Duông chia sẻ.
Trung Nghĩa