Năm hết Tết đến, mối lo tiền bạc ngày một nặng gánh. Nhiều lúc tôi ước gì 10 năm mới có một cái Tết thôi. Bởi bên cạnh niềm vui của vô số người thì vẫn còn sự ấm ức của chàng rể sống nhờ nhà vợ là tôi.
Tôi biết, việc kể lể chẳng đáng mặt đàn ông chút nào. Song tôi cũng là con người với những tâm tư thường nhật. Lẽ nào đàn ông không được lên tiếng trước những áp bức cứ đè nặng trên đầu?
Đã 4 năm sống cảnh “chó chui gầm chạn” mà chỉ được về thăm bố mẹ đẻ có 4 lần. Ngày đầu tôi về thăm gia đình sau ngày cưới. Sau một đêm ngủ, vợ tôi chê nhà quê lắm dĩn cắn đỏ da, đồ ăn chém to kho mặn. Tôi bị vợ ép tức tốc về nhà ngoại. Lần thứ 2, 3 tôi về nhà nội do bố mẹ tôi ốm nặng phải nhập viện. Lần thứ 4 vợ chồng tôi về quê dự đám tang của ông nội. Hết!
Tôi thường phải nghe mẹ vợ thuyết giáo: “Con đã ở rể thì phải toàn tâm chăm lo cho bố mẹ vợ và vợ. Đừng có mà đứng đằng ngoại trông đằng nội nghe. Ăn cơm nhà vợ, ở nhà vợ thì phải chăm sóc cho nhà vợ thật chu đáo. Sau này cả cái cơ ngơi này sẽ chia cho vợ chồng con phần hơn”.
Tôi ậm ừ cho qua chuyện, còn trong lòng không phục. Thế này thì đến lúc vợ chồng tôi có con, tôi sẽ phải vừa làm bố vừa làm mẹ hầu con thôi.
Bố mẹ vợ tôi sinh một bề con gái. Chị vợ đã kết hôn và ra ở riêng. Còn cơ quan tôi cách xa nhà 50 km nên tôi đành ở tạm nhà vợ để tiện cho công việc.
Bố mẹ vợ cũng không muốn vợ chồng tôi dọn ra ngoài ở vì sợ tuổi già dễ bề gặp trái gió trở trời. Thương bố mẹ vợ, tôi buông mình trong kiếp ở rể. Thôi thì ăn nhiều ở hết bao nhiêu.
Ngày Tết ngày nhất, bố mẹ vợ không cho tôi về thăm bố mẹ đẻ. Tôi phải dọn dẹp nhà cửa, nấu mâm cúng suốt 3 ngày Tết. Bố vợ tôi bảo: “1 năm 365 ngày đã ở nhờ nhà vợ được thì Tết cũng về nhà làm gì. Lúc nào có công to việc lớn thì anh mới được về”.
Nhiều lúc có khách khứa đến chúc Tết, bố mẹ vợ tôi cứ thản nhiên giới thiệu: “Nhà thằng rể nghèo nên đành ở Tết đây”.
Tết năm nào, mọi người trong nhà vợ tôi cũng đi chơi họ hàng, làng xóm láng giềng. Còn tôi trở thành thằng trông nhà tiếp khách bất đắc dĩ. Nghĩ mà muốn đập tung mọi thứ cho bõ tức.
Nhiều lúc có khách khứa đến chúc Tết, bố mẹ vợ tôi cứ thản nhiên giới thiệu: “Nhà thằng rể nghèo nên đành ở Tết đây”.
Nhiều người không biết chuyện đã oán trách tôi. Họ bảo: “Con không chê cha mẹ khó”. Sao vì muốn ăn sung mặc sướng mà không về thăm Tết nhà mình. Họ có biết đâu tôi đã bị bố mẹ vợ cản về thăm nhà. Tôi có uất ức mà chẳng dám nói ra.
Tôi còn nhớ Tết năm ngoái, anh chị vợ về ăn Tết nhà vợ thường tỏ ý khinh thường tôi. Anh rể bảo: “Nhất chú, được bám váy nhà vợ, chẳng phải lo đếch gì đến tiền bạc”.
Quả thực, sinh hoạt phí của vợ chồng tôi vẫn phải nộp cho bố mẹ vợ đầy đủ. Tôi phải đi làm chính, làm thêm để thích ứng kịp với cuộc sống giàu sang nhà ngoại. Chứ tôi chưa từng cầm tiền của bố mẹ vợ lần nào.
Lúc cả nhà ăn lẩu uống rượu, tôi chẳng được ngồi tại mâm mấy phút vì còn phải lăng xăng đi tiếp thức ăn cho mọi người. Tôi chẳng khác gì bồi bàn cả.
Tối đến tôi thủ thỉ với vợ: “Anh là chồng em hay là thằng ở nhà em. Anh có thể chăm chỉ làm lụng việc nhà. Nhưng mọi người phải giữ sĩ diện cho anh lúc có khách chứ”.
Tôi tưởng vợ sẽ thấu hiểu nỗi lòng mình. Ai dè cô ấy bĩu môi: “Cưới 4 năm mà chưa đẻ được con là tại anh. Giờ anh lại bắt vợ làm việc nhà thì đến bao giờ mới được phát lì xì cho con hả?”. Thì ra từ trước đến nay, cô ấy đổ lỗi hiếm muộn cho chồng. Trong khi bao nhiêu lần tôi giục cô ấy cùng tới viện kiểm tra đều bị chối từ.
Tết nữa lại sắp đến, tôi lại sắp thành thằng lao công dọn dẹp nhà cửa, xách đồ cho mẹ vợ, nấu nướng sắp cỗ. Nghe nói Tết này được nghỉ tới 9 ngày. Tôi muốn đưa vợ về thăm bố mẹ mình quá. Song vợ tôi lại muốn đi du lịch chứ nhất định không chịu về “cái chốn nhà quê lắm dĩn ấy”.
Tôi nên làm gì để thoát khỏi kiếp đọa đày ở rể trong những ngày Tết sắp tới. Có lẽ nào tôi xin cơ quan cho lịch trực suốt mấy ngày Tết để khỏi phải chứng kiến cảnh chướng tai gai mắt ở nhà vợ?
Hay tôi cứ một mình về ăn Tết ở nhà bố mẹ đẻ? Hoặc tôi phải giương điều kiện với vợ: Một là chung tay làm việc nhà trong ngày Tết, hai là đi du lịch? Các bạn thấy cách nào phù hợp nhất với tình cảnh của tôi lúc này?
Theo Pháp luật Xã hội