Những ngày cuối năm, khi công việc đã sắp xếp ổn thỏa để chuẩn bị cho một kỳ nghỉ Tết dài, tôi bước ra ngoài hành lang cầu thang để thảnh thơi hút một điếu thuốc, suy ngẫm về một năm đã qua. Ở đó, tôi được nghe về niềm vui giản dị của chị lao công tóc ngắn mà tôi vẫn gặp hàng ngày.
Chị cười tươi, khoe với đồng nghiệp của mình rằng, năm nay chị lại nhận được phong bao lì xì của một người nào đó trong tòa nhà nơi tôi làm việc. Đó là người duy nhất mà mấy năm làm tại đây luôn lì xì cho chị trong những ngày cuối cùng trước khi về nghỉ Tết. Dù số tiền nhỏ bé, nhưng chị cảm thấy ấm áp khi công việc của chị luôn có người nhớ đến và tôn trọng.
Cầu thang bộ của tòa nhà là nơi cánh nghiện thuốc tụ tập, cũng là một trong những nơi mà chị lao công tóc ngắn tất bật từ sáng đến tối. Chị quét từng bậc thang và dọn sạch tàn thuốc rơi vương vãi.
Có hẳn một chiếc kệ đựng tàn thuốc ở đó, nhưng chẳng mấy khi những mẩu đầu lọc được gạt vào đúng địa chỉ. Mỗi ngày, có hàng chục lượt người tấp nập qua lại, ánh lửa chớp sáng, làn khói nghi ngút, điếu thuốc đã dập rơi vương vãi khắp nơi, tàn thuốc nhòe nhoẹt cả chân cầu thang. Chị vẫn lầm lũi nhặt nhạnh từng chút một. Ai cũng hiểu rằng, chỉ cần mỗi người chịu khó ra chiếc kệ đựng tàn thuốc một chút, chị có lẽ cũng bớt vất vả hơn.
Công việc của chị lao công cũng không đơn giản chỉ có vậy. Mỗi ngày, chị cùng với đồng nghiệp dọn dẹp từng sảnh của tòa nhà, hầm để xe, nhà vệ sinh, cho đến mọi ngóc ngách.
Chừng ấy công việc đối với dáng vóc nhỏ bé như chị quả thực là nặng nề. Thực tế, nếu không vì mưu sinh, cũng chẳng mấy ai muốn bản thân mình chọn công việc như vậy. Thứ công việc mà lương thì thấp, môi trường độc hại, lại phải đón nhận những ánh nhìn thiếu tôn trọng.
Nhưng không có chị và những người đồng nghiệp chọn công việc đó, tôi và mọi người sẽ không thể có được một môi trường làm việc sạch sẽ, thoải mái như hiện tại. Không có chị, chúng tôi không những sẽ vừa phải làm tốt công việc của mình, lại vừa bận bịu dọn dẹp những thứ mình thải ra.
Từ niềm vui của chị lao công với chiếc phong bao lì xì nhỏ bé, tôi lại nhớ về những người khác xung quanh mình. Họ cũng đã chọn những công việc thầm lặng để giúp cho bản thân tôi và nhiều người có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi nhớ về người bạn công an ở quê, người vẫn đang vùi đầu làm việc trong những ngày mà người thân, gia đình, bạn bè đang vui tươi đón mùa Xuân trong tiếng pháo hoa rộn rã, ly rượu mừng nồng nàn.
Vẫn như mọi khi, ca trực của cậu sẽ kéo dài từ trước đêm Giao thừa vài ngày cho đến tận khi kỳ nghỉ Tết trôi qua. Cảnh đón Giao thừa năm nay cũng giống như năm ngoái, tôi và người vợ trẻ của cậu bạn đứng bên ngoài hàng rào chắn, còn bạn tôi đứng ở trong bảo vệ cho trận địa pháo hoa.
Hình ảnh đó khiến chúng tôi vẫn hay đùa với nhau rằng, nó không khác gì “kẻ trong song sắt, kẻ ngoài song sắt” của một nhà giam. Chuông đồng hồ chỉ vào 12h đêm, từng đợt pháo hoa nhiều màu sắc phóng vút lên trời cao. Bạn tôi quay lại trao vội những lời chúc ngọt ngào cho vợ mình rồi lại im lặng, tập trung cao độ cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh.
Sau ca trực đó, bạn tôi sẽ trở về nhà quây quần với gia đình một chút để sáng hôm sau tiếp tục công việc phục vụ cho người dân trong năm mới.
Tôi cũng nhớ đến em trai tôi. Năm nay là lần đầu tiên nó không về đón Tết cùng gia đình. Không có khung cảnh quây quần như mọi năm, không có bánh chưng, không có thịt gà. Chỉ có những cuộc gọi FaceTime chớp nhoáng với bố mẹ trong thời gian nghỉ giải lao, những bữa ăn tạm vội vã với bánh mì.
Em tôi cùng với các đồng nghiệp ở lại để phục vụ cho những vị khách nước ngoài, những người Việt Nam xa xứ về quê ăn Tết ở cảng hàng không quốc tế. Có những nỗi buồn được giấu vào trong, có những lời động viên, khích lệ tinh thần để làm việc cho thật tốt. Chẳng ai muốn phải xa gia đình những ngày đặc biệt như thế này, nhưng tất cả là vì công việc, đó cũng là niềm vui và là niềm tự hào.
Tôi cũng cảm phục những người đồng nghiệp của mình, những “người đưa tin” thực thụ, sẵn sàng gác lại những niềm vui ngày Tết để lên đường với hành trang máy ảnh, quyển sổ, cây bút - đưa những thông tin nóng hổi đến cho mọi người, mọi nhà, ở tận nơi địa đầu Tổ quốc, góp thêm không khí nồng ấm cho cái Tết cổ truyền của dân tộc.
Chị lao công, bạn tôi, em tôi và những người đồng nghiệp kính mến đều là những con người thầm lặng trong cuộc sống này. Có những người nhớ ra họ, cũng có người lãng quên, nhưng họ vẫn luôn âm thầm cống hiến không biết mệt mỏi, không một lời than vãn.
Những ngày đầu năm mới, tôi muốn dành những phong bao lì xì đỏ tươi cho những con người thầm lặng đó. Những con người không chọn công việc nhẹ nhàng, để cho những người khác có một cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
Mạnh Kiên