Lũ quét lịch sử tràn qua xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái nơi “rốn lũ” tan hoang như bãi chiến trường, người dân phải gồng mình gắng gượng lo cho cuộc sống. Những ngày cuối năm người dân nơi đây đang cố gắng vun vén cho gia đình hương vị ngày Tết.
Để đến được với người dân xã Lao Chải cheo leo trên những đỉnh núi cao, chúng tôi phải trải qua tuyến đường gần 300km băng qua những cung đường rừng núi quanh co, bị sạt lở nguy hiểm do trận lũ ống kinh hoàng gây ra. Đi qua cung đường một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu, chúng tôi cảm nhận được những khó khăn của người dân vùng đất được mệnh danh là “cổng trời Tây Bắc”.
Đồng bào Mông vốn kiên cường chịu đựng gian khổ nhưng nơi bản Mông nghèo sau sự tàn phá của lũ dữ đã thành vết thương gắn vào cuộc đời người dân quanh năm lam lũ. Cơn lũ đi qua, nỗi kinh hoàng để lại còn tiếp tục ám ảnh, những hậu quả của nó còn đeo đẳng nhiều năm nữa đối với bản nghèo.
Những năm trước đây, khi Tết đến gần, người dân say chất ngất bởi men rượu ngô, rượu sắn với bát thắng cố ngựa, rôm rả và đi phố chợ huyện ồn ào, náo động mua sắm đón Tết và tiếng cụng ly, tiếng vòng bạc, quấn quanh váy áo. Nhưng năm nay, người dân nơi đây lại đang cố gắng từng ngày để sửa lại nhà cửa, cải tạo ruộng nương để ổn định cuộc sống.
Dù khó khăn, nhưng sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm vẫn ấm nồng bên những tràn ruộng bậc thang xâm xấp nước, bên những đon mạ bé xinh đang chờ tay người nông dân xuống cấy. Những luống ngô, luống khoai đang chuẩn bị đến ngày thu hoạch, đã giúp cho người dân khắc phục được phần nào sự nghèo đói. Những gia đình bị mất nhà do thiên tai đã được hàng xóm, láng giềng giúp đỡ dựng lại nhà để đón Tết.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, trước đây, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải không ăn Tết Nguyên đán nhưng theo chủ trương của tỉnh Yên Bái bằng sự hỗ trợ từ chính quyền, bắt đầu từ năm 2011 cho đến nay đồng bào đã ăn chung Tết cùng với cả dân tộc, lệch thời gian so với Tết cổ truyền của người Mông đúng 1 tháng.
Theo phong tục, người Mông bắt đầu ăn Tết từ tháng 12 Âm lịch. Bởi người Mông phải làm lúa nước một vụ với tập quán tự cung, tự cấp đã ăn sâu trong suy nghĩ đồng bào nên từ con người cho tới cái cày, cái cuốc, con trâu đều được nghỉ đón Tết.
Tháng 12, nếu con cái đi học chưa về thì, ông bà, cha mẹ vẫn phải làm Tết, đứa nào nhớ Tết, muốn ăn Tết có thể "bỏ học về một tí cũng không sao". Những đứa chăm hơn thì cứ học cũng được, rồi đến Tết Nguyên đán cô giáo cho nghỉ, về nhà để đón Tết cùng với gia đình, mổ lợn, mổ gà ăn sau.
Khi đến bản Háng Gàng, xã Lao Chải (bản cao nhất của huyện Mù Cang Chải, phải gánh hậu quả nặng nề của cơn lũ lịch sử), chúng tôi nhận thấy không khí Tết đã bao trùm, đi vào từng dãy núi, con suối chảy róc rách. Những người phụ nữ nơi đây đã tạm quên đi những đau thương mất mát, họ cười hồn nhiên thêu dệt những chiếc áo mới cho chồng, con.
Lãnh đạo UBND xã Lao Chải cho biết, bản Háng Gàng nằm cheo leo trên những sườn núi cao chênh vênh là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất khi cơn lũ quét qua, cho đến nay người dân đã cố gắng khắc phục khó khăn để đón Tết Nguyên đán cùng với cả dân tộc. Người dân được huyện hỗ trợ lương thực và giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất để đón cát Tết ấm no.