Đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"
Tết Nguyên đán là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau, đón không khí mùa xuân sau một năm làm việc vất vả. Tết đến Xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt, được nhận lì xì, mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Bên cạnh đó là khao khát sự trường tồn cuộc sống, sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình.
Ngoài ra, Tết Nguyên đán còn là dịp để hướng về cội nguồn. Đó là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta bao đời nay. Trải qua thời gian, phong tục đón tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét văn hóa riêng, đậm đà bản sắc.
Người Việt cho rằng, Tết cổ truyền của dân tộc là cơ hội để thể hiện đạo lý Uống nước nhớ nguồn một cách sâu sắc, cụ thể nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết Nguyên đán. Đã thành thông lệ, bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp hàng năm, các gia đình sẽ đi thăm và quét dọn mồ mả tổ tiên, họ mang hương, hoa quả đến cúng và mời vong linh tổ tiên về nhà ăn Tết với con cháu. Đây là một phong tục phổ biến của tất cả người Việt, thể hiện lòng hiếu đạo, sự thành kính đối với đấng sinh thành và những người đã mất, cũng chính là truyền thống hướng về cội nguồn, đạo lý của dân tộc Việt Nam.
Tết cổ truyền của người Việt Nam không chỉ thể hiện sự giao cảm giữa trời đất và con người trong quan niệm của người phương Đông, mà thiêng liêng hơn cả đó chính là ngày đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều mong được trở về sum họp với gia đình trong những ngày Tết, để được trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa, để cúng ông Công, ông Táo, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu.
Giây phút thiêng liêng
“Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành trình về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Chỉ có những ai phải đi xa mới nhớ, mới biết trân trọng từng giây phút được trở về bên người thân yêu ruột thịt trong mấy ngày Tết. Và vui nhất là những phút giây cả nhà quây quần gói bánh, trông nồi bánh chưng bên bếp lửa hồng và đếm ngược tiễn năm cũ, chào năm mới.
Thời khắc Giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của mọi gia đình. Giây phút thiêng liêng ấy được thể hiện qua việc thực hành nghi lễ trang trọng trước bàn thờ tổ tiên và các thần linh để cầu mong về một năm mới an khang, mùa màng tươi tốt, con người bình yên may mắn và thành đạt.
Nét đẹp văn hóa từ giây phút Giao thừa như muốn thể hiện ý nghĩa biểu trưng cho truyền thống hiếu kính với các bậc tiền nhân trong quá khứ, với các bậc sinh thành trong hiện tại và bộc lộ lời nguyện cầu về một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng cho con cháu. Cũng xuất phát từ thời điểm giao mùa linh thiêng này, con cháu từ khắp các gia đình lại tỏa ra bốn phương, ríu rít bên nhau hành hương đến các điểm tâm linh, xin lộc, xin hoa, cầu phúc, cầu tài, hướng về năm mới với biết bao hy vọng tốt đẹp.
Tục xông đất và mừng tuổi cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt vào buổi sớm đầu năm. Nó mang ý nghĩa biểu tượng hơn là vật chất, thể hiện lòng tôn kính bậc sinh thành, những bậc cao niên trong họ hàng, làng xóm và sự quan tâm đến thế hệ măng non tương lai. Ẩn sau mỗi phần quà mang tính biểu tượng đó còn là lời nhắn nhủ, tâm sự, khuyên răn, gửi trao ý nguyện giữa các thế hệ về khát vọng vào một ngày mai tươi đẹp, may mắn.
Thật hiếm có dân tộc nào lại cô đọng thế ứng xử của mình trong 3 ngày đầu năm mới một cách cụ thể và hàm chứa nhiều ý nghĩa: “Mồng một tết Cha, Mồng 2 Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Đó là sự phối kết đậm đà giữa lối sống hiếu lễ với đạo đức “tôn sư trọng đạo” của các thế hệ người dân đất Việt. Đó đồng thời cũng là sự tiếp nối của lối sống theo đạo lý truyền thống “ăn quả nhớ người trồng cây”, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Cũng từ lối sống trọng thầy, đạo đức “tôn sư trọng đạo”, tục xin chữ đầu xuân năm mới đã và đang trở thành nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, thể hiện cho truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.
Những phong tục ngày Tết dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt. Tuy nhiên, cùng với tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế, giao lưu và hội nhập quốc tế, những nét truyền thống văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam đang bị tác động của những yếu tố ngoại lai. Ngày xưa, người ta thường nói là “ăn Tết”, còn bây giờ là “chơi Tết”, không ít gia đình trẻ thích đi du lịch trong dịp Tết Nguyên đán, thay vì trở về quê hương. Nó cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này, khi các cháu cũng muốn tách khỏi gia đình để đi chơi với bạn bè trong những ngày Tết cổ truyền. Chính sự tác động của đời sống văn hóa-xã hội, sự hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Việt.
Để giữ gìn và phát triển những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền là trách nhiệm của mỗi người con đất Việt. Dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài, giữ được nét truyền thống văn hóa của Tết Việt sẽ đưa chúng ta về với cội nguồn, về với tổ tiên và quê hương, gia đình - nơi đã sinh ra ta, nuôi ta khôn lớn trưởng thành. Từ đó, để mỗi người Việt Nam càng thêm tự hào, trân trọng về truyền thống vẻ vang của dân tộc, yêu thương giúp đỡ nhau nhiều hơn; ra sức phấn đấu, rèn luyện và cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc, quê hương, sống xứng đáng với đất nước Việt Nam “ngàn năm văn hiến”.
Bích Hà