Sinh ra ở một miền quê nghèo, thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh - nơi mà cứ đến mùa giáp hạt hàng năm, tôi đều phải xách thúng đi mượn “ló” (lúa) về chà xát để có gạo ăn, chống đói qua ngày.
Cha mẹ tôi phải nấu rất ít gạo để làm cháo trộn vào với rau má, ruột chuối, rau lang... Trong cái nồi bé tí đó, các loại rau này nhiều gấp bội mà khuấy đều lên tìm hạt cũng khó thấy. Cha mẹ đành phải múc cho tôi một chén cháo để ra trước, sau đó mới đổ rau vào và dành lại phần mình.
Số tôi lại khó nuôi, khi sinh ra được một thời gian, sài nổi khắp đầu, những tưởng đã không còn sống nổi nhưng may mắn đã có một thầy thuốc trong làng chữa trị và cứu qua cơn nguy kịch. Thế nên khi còn nhỏ, cha mẹ có gì đều dành tôi phần ngon.
Rồi lớn lên, tôi sống trong gia cảnh nghèo nàn, chỉ ới một căn nhà nát, bốn bên là phên nứa. Mỗi lần, mưa bão đều phải lên nhà dì ở nơi cao hơn để nhờ trú ẩn cho tới khi hết mưa bão, lũ lụt. Năm nào cũng vậy, cứ phải vài ba lần dắt bò, heo đưa lên nhà dì cho trú tạm mấy ngày, trong khi đó, cha mẹ tôi vẫn phải ở lại chống chọi với mưa bão.
Trong tình cảnh đó, Tết đến là một điều gì vừa thiêng liêng vừa háo hức nhưng cũng rất chạnh lòng vì nhà không có tiền để sắm Tết. Dù vậy, cha mẹ vẫn cố gắng dành dụm để mua các nguyên liệu về gói bánh chưng, gạo nếp thì có sẵn hoặc được cô dì, chú bác cho thêm.
Gà có, lại sẵn thịt heo thì được cho thêm từ cô dì, chú bác xung quanh. Thế mới nói, “ngày 30 Tết thịt treo trong nhà”.
Tôi nhớ nhất vẫn là món thịt đông. Do trời lạnh, thịt để trong nồi, nó đông cứng. Dùng đũa mà cạy ra, ăn với cơm nóng thì cực ngon. Nhưng ngày Tết ít khi nấu cơm, ăn kèm với bánh chưng cũng ngon tuyệt, khi kèm với dưa muối, củ kiệu. Không biết ngày nay, ở quê có còn món này hay không?
Rồi Tết đến, bắt đầu kể từ ngày mùng 1, chúng tôi đi chúc Tết ông bà, cô dì, chú bác và đến thì được mừng tuổi, nhưng ít lắm. Người nhiều thì 1.000 - 2.000 đồng, người thì lại cho 500 - 200 đồng, nhưng chúng tôi vui lắm. Tuy nhiên, rất nhiều người còn lại không ai lì xì đồng nào, vì ai cũng nghèo, lấy đâu tiền mà lì xì cho lũ trẻ chúng tôi?.
Ngày Tết, chúng tôi chơi rất nhiều trò, như là đánh khăng, chơi đáo, kéo co, đá bóng... vui không thể tả được. Chơi đáo là “món” tôi thích nhất. Với 4 đồng xu (hay quen gọi là ken) và 1 con mẹ (hay quen gọi là trì), chúng tôi chơi luân phiên. Cũng có khi chơi 2 hoặc 3 con, cũng có khi chơi 5 hoặc 6 con xu.
Tôi không rõ ở các vùng khác gọi trò chơi dân gian này là gì nhưng đây là trò cực kỳ vui, thường là chơi ăn “vòng địu” (cọng thun) hoặc tiền lẻ. Chúng tới chơi cả ngày không mệt. Ai cũng vui, hồ hởi.
Để chơi, chúng tôi chia 2 vạch. 1 vạch làm chỗ đứng, vạch còn lại để phát xu lên. Từ chỗ đứng lên đến sân chơi khoảng 2-3m, tùy hội chơi quy định. Người chơi sẽ quăng 4 xu lên, thường phải qua vạch phát xu. Nếu xu kết thành 2 thì gọi là đôi, kết thành 3, thành 4 thì đều phải dùng trì để phá sự kết dính này. Giả sử kết thành đôi thì người chơi phải làm sao phá đôi nhưng không để trì hay 2 con ken (kết nhau) đụng bất cứ con nào khác còn lại thì mới ăn.
Luật chơi còn quy định nhiều chi tiết khác nhưng đại để, ăn được môn này đòi hỏi người chơi phải khéo léo, nhanh, mạnh và bền bỉ.
Chơi trong làng mấy ngày đầu xuân, rồi chúng tôi đi thăm thầy cô giáo của mình. Quà cũng chỉ là hộp bánh được trích xuất từ quỹ lớp mà ra. Sau đó, chúng tôi đạp xe hàng chục cây số, đến thăm nhà nhau. Nhà nào cũng vậy, đến thăm thì có hoa quả, bánh trái, vừa ăn vừa ngồi nói chuyện. Vui sum vầy với gia đình bạn học đó.
Rồi lại tiếp tục đến nhà bạn học sinh khác, cứ thế, trong nhóm, ai đi sẽ đến thăm hết tất cả, không chừa một ai, dù cơ bản, nhà ai cũng nghèo. Đi hết cả ngày là chuyện thường. Trời thì lạnh trên chiếc xe đạp cà tàng, gặp hôm trời mưa, đường làng sình lầy, nhiều người té thấy thương lắm.
Có đôi bạn không may bị ngã xe xuống ngay vũng sình bùn. Đến nhà cô giáo chủ nhiệm trên một quả đồi, thấy cả đám nhỏ cười toe toét, cô cũng “cười trừ” theo. Sau đó, cô mang quần áo của gia đình cho 2 bạn thay, đồng thời, yêu cầu 2 bạn ấy cởi quần áo giặt nhanh, cô lấy chiếc bản ủi củ kỹ của gia đình và ủi luôn quần áo cho 2 bạn này.
Đây là kỷ niệm Tết mà không chỉ tôi mà đám bạn trong lớp nhớ nhất đời, đặc biệt là 2 bạn được cô ủi đồ cho.
Nhớ lại vài cảm xúc Tết của hơn 20 năm về trước, tôi thật không dễ để kể cho hay, chỉ viết lại sự thật của hoàn cảnh lúc ấy. Cũng vì thế, khó có ngôn từ nào diễn tả chính xác được, chỉ có những người trải qua những cái Tết ấy mới hiểu và hình dung ra.