Tết Nhâm Dần 2022, dịch bệnh trên thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, những người khoác áo blouse trắng ở Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung lại bắt đầu một năm vừa ăn tết, vừa dồn sức phòng chống dịch.
Sẵn sàng… chống dịch
Vẫn còn nguyên cảm xúc của một năm chiến đấu với dịch bệnh, bác sĩ Dương Việt Bằng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu năm, khi có thông tin về chủng mới Delta đang diễn biến phức tạp, anh em trong đội cơ động phòng chống dịch đã xác định một chiến dịch chống dịch chưa từng có bắt đầu. Không quản ngày nắng, đêm mưa, hễ nhận được thông tin về các trường hợp liên quan đến ca bệnh Covid-19 hay người từ các vùng dịch về là anh em lại lên đường. Việc khai thác thông tin, truy vết các trường hợp F1, F2 được thực hiện chặt chẽ, kịp thời. Với tinh thần “chiến đấu” ấy, tất cả anh em đã góp một phần vào cuộc chiến chống dịch của cả nước”.
Giờ đây, vào những ngày cuối năm, khi không khí Tết trong mỗi gia đình đã rộn ràng thì tại những tuyến đầu chống dịch Covid-19, mọi hoạt động vẫn đang diễn ra hết sức khẩn trương, chính xác để dồn vào chống dịch khi thế giới xuất hiện biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh.
Vượt lên tất cả, cùng với lực lượng tuyến đầu như công an, quân sự, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tại Hà Tĩnh đã và đang ngày đêm thầm lặng cống hiến, góp một phần không nhỏ cùng cả nước chiến đấu và chiến thắng đại dịch Covid-19. Tạm gác lại cuộc sống thường nhật, họ phải xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu “chống giặc” Covid-19.
Những ngày tháng khó quên
Đối với gia đình chị Nguyễn Thị Giang (SN 1985), trú tại thôn Công Thương, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19, và chồng chị là anh Trần Mạnh Hùng (SN 1980), công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hương Sơn, năm 2021, có lẽ là một năm khó quên.
Vợ chồng chị Giang đều làm công tác phòng chống dịch, vì vậy, có tháng hầu như anh chị không gặp mặt nhau. Lúc chồng hết đợt phục vụ tại khu cách ly tập trung thì lại đến lượt vợ vào nhận nhiệm vụ. Có thời điểm cả 2 anh chị đều cùng phục vụ trong “chiến trường không tiếng súng” này. Hai con nhỏ đều phải tự xoay sở chăm lo lẫn nhau.
Chị Giang nhớ lại, thời điểm ấy cả gia đình chỉ có thể gặp nhau, trò chuyện với nhau qua màn hình điện thoại. Nhưng cũng rất khó để gặp nhau đông đủ, bởi nhiều lúc khi chị có chút thời gian nghỉ ngơi thì chồng chị lại đang bận hoặc khi ấy đêm đã muộn chị không thể gọi gặp các con.
“Mặc dù phải hy sinh một chút niềm riêng, con cái có chút thiệt thòi, song nỗ lực của chúng tôi đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh và người dân được bình an, khỏe mạnh, đây có thể coi là một sự động viên, khích lệ to lớn đối với vợ chồng tôi”, chị Giang bộc bạch.
Tết đang tới gần, thế nhưng chị Giang vẫn chưa dám nghĩ đến cảnh hai đứa con nhỏ phải đón Tết mà không có bố mẹ hay ông bà bên cạnh, sợ rằng bản thân sẽ không kìm được cảm xúc.
Chia sẻ về một năm gồng mình chống dịch, bác sĩ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngành y tế đã huy động tổng lực với hàng ngàn cán bộ y tế các tuyến lăn lộn trên từng địa bàn, từng khu vực. Người thì cắm chốt tại các khu cách ly tập trung để theo dõi sức khỏe cho người dân, người quên ăn, quên ngủ miệt mài trong phòng xét nghiệm... Tất cả đã tạo nên hình ảnh đẹp của cán bộ ngành y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe người dân”.
Phải tận mắt chứng kiến công việc bộn bề của những “người lính áo trắng” mới thấu hiểu hết nỗi gian truân, sự hy sinh cống hiến của họ. Ở nơi tuyến đầu chống dịch, các y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế luôn hàng ngày túc trực 24/24, lao vào ổ dịch bất kể ngày đêm hoặc cả tháng chưa về đến nhà. Như chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Lân, Khoa Cận lâm sàng (CDC Hà Tĩnh), khi nhiều người đang lên kế hoạch đón Tết, vui Xuân Nhâm Dần thì những cán bộ ngành y tế lại chuẩn bị tâm thế sẵn sàng “ra trận” khi có những diễn biến phức tạp từ dịch.
Chị Lân chia sẻ: “Dịch đang được ngăn chặn hiệu quả, song các khu cách ly vẫn đang sáng đèn, các trường hợp nghi ngờ đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nên việc lấy mẫu, xét nghiệm, loại trừ các nguy cơ vẫn tiếp tục được thực hiện. Dù Tết nhưng anh chị em trong khoa đều động viên nhau sắp xếp việc nhà để khi cần là lên đường thực hiện nhiệm vụ”.
Hay như ngay trước thềm Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ở cửa ngõ chốt chặn, kiểm soát nguồn dịch từ bên ngoài - Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - kịch bản phòng chống dịch đã được các đơn vị triển khai. Theo ca, kíp được phân công, những cán bộ của nhiều lực lượng làm nhiệm vụ ở cửa khẩu đã xác định rõ nhiệm vụ xa nhà, “quên tết”, phối hợp nhịp nhàng thực hiện hiệu quả việc kiểm soát nguồn dịch, tuyệt đối không để xảy ra sơ suất.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Tổ trưởng tổ Kiểm dịch y tế Cầu Treo chia sẻ: “Dịp tết cận kề, khu vực cửa khẩu sẽ có lượng người và phương tiện nhập cảnh rất lớn nên công tác kiểm dịch y tế ở đây sẽ hết sức vất vả. Vì vậy, anh em luôn động viên nhau phải vững vàng tâm lý, duy trì nghiêm công tác trực để kiểm soát, ngăn chặn nguồn dịch xâm nhập vào địa bàn”.
Không thể kể hết những khó khăn, vất vả, sự hy sinh của những cán bộ y tế, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và nhiều hiểm nguy, thế nhưng những “chiến sĩ” áo trắng vẫn không hề nao núng, họ vẫn luôn vững vàng, kiên cường ở nơi tuyến đầu chống dịch, sẵn sàng dấn thân để thực hiện sứ mệnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Vất vả là thế, nhưng đằng sau những lớp khẩu trang in hằn lên khuôn mặt, những bộ quần áo bảo hộ bịt kín người là những nụ cười, là sự nhiệt huyết, sự tận tâm của những y, bác sĩ với công việc mà họ đã chọn.
Quốc Hoàn