Tết đi chợ Tru

Tết đi chợ Tru

Dương Thanh Tùng

Dương Thanh Tùng

Thứ 7, 02/02/2019 13:30

Có lần, cậu Lư bảo: “Mi đi vào trong Nam rồi, về ngang nhà tau (tao) nghe cậu nhai cà (pháo) kêu rắc rắc thì đừng cười nha”. Năm 1999, tôi mới 14 tuổi, bắt đầu rời xa quê.

Đã hơn 10 năm nay, tôi chưa có dịp để quay trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” để đón Tết cổ truyền. Cũng có nhiều lý do khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là cuộc sống mưu sinh. Thế nhưng, ăn Tết nơi quê nhà vẫn là những ký ức không thể nào quên, nó gắn liền với tuổi thơ của tôi.

Để chuẩn bị cho Tết, người dân quê tôi thường chu đáo, tươm tất từ tháng 2, tháng 3 âm lịch. Khi nhiều người đang còn trẩy hội, vui xuân thì dân quê tôi lại tính toán để con lợn giống nào, những vụ mùa nào… nhằm chuẩn bị cho Tết năm tới. Khi đó, ba bốn nhà lại nuôi một con lợn để cuối năm làm thịt, chia nhau.

Rồi những vụ mùa, nếu đúng như “tính toán”: Cho hoa trái tốt, thời tiết thuận lợi… thì sẽ có cái Tết ấm cúng, sum vầy. Nhưng mất mùa thì Tết năm đó sẽ heo may và buồn lắm, giống như cái giá rét khắc nghiệt của miền Trung vậy.

Cafe8 - Tết đi chợ Tru

Một phiên chợ trâu ở miền Trung (ảnh: báo Nghệ An).

Lứa tuổi chúng tôi thời đó, chưa lo nghĩ nhiều đến những chuyện này, chỉ biết trong đầu mấy thứ: Được sắm quần áo mới, giày dép mới, trái bóng nhựa mới… hay là tìm cách “gom” tiền để mua những thứ đó.

Nói tìm cách làm ra tiền cũng lắm nghĩa! Tôi nhớ, sau mùa thu hoạch lạc, chúng tôi túm năm tụm bảy rủ nhau đi mót, lượm lặt những củ lạc còn rơi vãi, sau khi bà con thu hoạch xong, được bao nhiêu đem về phơi.

Đặc biệt, sau những cơn mưa, nước trên trời trút xuống, tẩy đi phần đất, khiến cho củ lạc trồi lên, nở ra trắng xóa. Chúng tôi cứ thế mà đi lượm mỏi cả tay, người nào siêng năng cũng lượm được vài chục kilogam/ngày là chuyện thường.

Lũ trẻ chúng tôi cũng tinh ranh lắm. Cứ lân la lượm, nhặt kế cận những bãi lạc nào chưa thu hoạch, rồi lén nhổ ké một vài bụi, tuốt nhanh, bỏ vào rổ của mình, để tránh bị phát hiện.

“Chiêu thức” thứ hai, về đến nhà, còn bày mưu tính kế “ăn cắp” của cha mẹ. Khi về “phơi riêng” trong khoảng sân của gia đình, lại thường lén lấy lạc của cha mẹ bỏ vào thêm để cho được nhiều hơn.

“Chiêu thức” thứ ba, bán lại cho chính cha mẹ, cái này lời nhất. Độ 1.000 thì hét giá lên 5.000 đồng, rồi nằng nặc đòi cho được mới thôi. Hoặc đưa ra chợ bán như thường. Người nhiều thì được vài chục ngàn đồng. Chí ít cũng được dăm bảy ngàn. Tuy nhiên, cha mẹ nào cũng thương con cái, thấy thế luôn khuyến khích, động viên để con biết trân quý những giá trị của lao động và thường cho thêm ít ngàn nữa, mua sắm đồ Tết.

Để mua sắm đồ Tết,chúng tôi trông chờ vào phiên ngày chợ Tru (hay còn gọi là chợ Trâu, dân tôi gọi con trâu là tru) vào ngày 28 Tết. Trước chợ Tru, ngày 20 âm lịch của tháng chạp là chợ Bò, tổ chức ở một nơi khác nhưng không náo nhiệt và nhiều hàng hóa như phiên chợ Tru.

Thời điểm chợ Tru diễn ra thì chỉ còn vài ngày nữa là tới khoảnh khắc giao thừa nên đây gần như là chợ phiên cuối cùng của năm, do đó, ai cũng háo hức. Từ già đến trẻ.

Thông thường chợ chỉ hoạt động buổi sáng, riêng chợ Tru hoạt động cả ngày, bán đủ mặt hàng. Lứa tuổi như chúng tôi, thích nhất là được mua những bộ quần áo mới, đôi giày dép mới. Năm đó, tôi tích góp được 12.000 đồng, mua được một bộ quần áo số.

Chiếc áo số của David Beckham, mang số 7, màu trắng của tuyển Anh.Về cả đêm hôm đó, tôi không hề ngủ được. Đây là chiếc áo tôi hằng mơ ước bấy lâu nay, vì con nhà nghèo. Ngay cả khi mua về, còn ngửi thấy mùi thơm của nhà sản xuất nên không thèm giặt… và cũng không ai đụng được tới nó.

Nhưng đó vẫn chưa phải là niềm vui lớn nhất. Vào phiên chợ chiều, khi cha đi buôn về, nói: “Đi ra chợ với cha?”. Nghe câu này, tôi vẫn chưa hiểu rõ lắm nhưng cứ tuân lệnh mà đi theo.

Ra đến chợ, cha dắt tôi đến sạp giày dép, kêu tôi ướm thử đôi giày (kiểu sandal như bây giờ), nhưng không nhớ rõ là hiệu gì. Điều đặc biệt, ở phía sau có đèn nhấp nháy và còi kêu tít tít, giống như giày dép của trẻ em bây giờ. Trời ơi, niềm vui như trên trời rơi xuống, tôi nghĩ cảm giác còn mừng hơn nhặt được vàng. Sung sướng đến tột độ.

Về đến nhà, vừa xỏ giày vào được vài phút, không biết tin từ đâu bay ra, lũ trẻ quanh xóm tụ tập tới, bu quanh đôi giày. Ai cũng trầm trồ và muốn được đi thử. Tuy nhiên, tính ích kỷ của đứa trẻ, tôi chỉ cho đám bạn sờ mà không được đi thử.

Sau đó, tôi cũng lau sạch bụi bẩn và bỏ lại vào túi nilon, cất kỹ cho đến mùng 1 Tết bắt đầu xỏ chân vào đi. Đi đến đâu, tiếng kêu nghe tít tít tới đó, lũ bạn cứ thế chạy theo, nhìn thích thú.

Đặc biệt, buổi tối nhưng bóng đèn đủ màu sắc ở phía sau cứ thế nhấp nháy, ai cũng khoái. Trời ơi, sao tôi hạnh phúc đến thế!.

Tết năm đó, tôi ăn Tết lớn.

Chợ Tru nhóm họp một ngày và chủ yếu bán hàng Tết, phục vụ các nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng. Dù vậy, bao nhiêu sản vật, hàng tốt, lạ, mới… đều tụ hội về đây.

Những năm 90 của thế kỷ trước, chợ phiên thường ngày chỉ họp đến ngày 30 thì đóng cửa.Thường sẽ mở lại vào mùng 4 hoặc mùng 5 Tết, có khi trễ hơn. Do đó, những ngày đầu năm mới không nơi đâu mở cửa, bán hàng nên ai cần gì phải mua trước để dành. Đặc biệt là trong phiên chợ Tru cuối năm. Chính vì thế ai cũng náo nức, hồ hởi, hân hoan trong phiên chợ này.

Ngày nay, phiên chợ Tru vẫn còn nhưng đã không còn ý nghĩa như trước, vì thời buổi kinh tế thị trường, hơn nữa, hàng hóa cũng được bày bán rất nhiều ở trong các siêu thị, trung tâm mua sắm hay các chợ truyền thống cũng mở cửa hoạt động quanh năm, kể cả ngày Tết.

Mà Tết bây giờ cũng khác rồi.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.