Tết Đoan ngọ vào ngày 5/5 Âm lịch, là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng tại Việt Nam và một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Năm nay, Tết Đoan ngọ rơi vào ngày 3/6 Dương lịch.
Tết Đoan ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (12 giờ trưa) ngày 5/5 âm lịch. Bởi lẽ, Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11h tới 13h. Cúng Tết Đoan ngọ gồm 2 phần là lễ cúng gia tiên và lễ cúng ngoài trời để cảm tạ trời đất, thần phật, tổ tiên phù hộ cho mùa màng bội thu, cầu cuộc sống bình an, sức khỏe tốt, tránh xa mọi bệnh tật. Mâm cúng có thể làm chay hoặc mặn dựa theo điều kiện kinh tế của gia chủ.
Tết Đoan ngọ đến vào sau vụ mùa, vì thế mà mâm lễ cúng Tết Đoan ngọ tương đối phong phú với nhiều loại nông sản. Tùy theo phong tục, tập quán của từng vùng miền mà đồ cúng lễ có những món khác nhau, tuy nhiên về cơ bản thường có những thứ sau:
- Hương, hoa, vàng mã
- Nước
- Rượu nếp (cơm rượu)
- Các loại trái cây như mận, vải, hồng xiêm, chuối, dưa hấu...
- Bánh gio
- Thịt vịt
- Xôi chè
Cơm và rượu nếp cùng các loại quả là những lễ vật không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan ngọ. Nếu như miền Bắc có bánh gio thì người miền Nam lại có bánh ú, người miền Trung có thịt vịt.
Bên cạnh việc nắm rõ Tết Đoan ngọ cúng gì, bạn cũng cần nên lưu ý một số vấn đề sau để tránh phạm điều đại kỵ.
- Mâm cỗ dâng cúng gia tiên, thần linh cần được chuẩn bị kỹ càng, đầy đủ. Không cần mâm cao cỗ đầy nhưng phải đủ các lễ chính như: Cơm rượu nếp, trái cây, hương, hoa,... Các đồ lễ này phải được bày biện đẹp, sạch sẽ.
- Không sử dụng đồ giả để dâng cúng như: Hoa giả, trái cây giả…
- Trái cây dâng cúng phải được lựa chọn kỹ càng. Không chọn quả dập, nát, thối hỏng bày lên ban thờ kẻo phạm điều kỵ.
- Đồ dâng cúng phải sạch sẽ, không đụng đũa kẻo bị coi là không tôn trọng bề trên.
- Người làm lễ cúng phải ăn mặc chỉn chu, sạch sẽ, lịch sự và kín đáo.
- Quá trình chuẩn bị lễ cúng tránh làm rơi hoặc đổ vỡ đồ đạc như thế sẽ bị cho là xui rủi, không may.
Quốc Tiệp (t/h)