Xác định “đời lính, xa nhà là sứ mệnh thiêng liêng”, những chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi “Trường Sa cạn” vẫn luôn tìm thấy cách đặc biệt để đón Tết đoàn viên bên gia đình, dù đang nhận nhiệm vụ tại đơn vị.
Tết ở “Trường Sa cạn”
Cuối tháng Chạp, khi những nhánh đào rừng đang rạo rực khoe sắc, trải dài miên man giữa bạt ngàn núi đồi tại mảnh đất Mường Khương (Lào Cai), cũng là lúc thời khắc chuyển giao đất trời đang đến thật gần.
Nhìn “mạch Xuân” đang chuẩn bị trào dâng trước thềm năm mới, chẳng mấy ai có thể cưỡng lại tiếng gọi từ trái tim, mà trở về bên gia đình, đón một Tết đoàn viên ấm áp. Trong lúc người người, nhà nhà đang rộn ràng chuẩn bị đón Tết cổ truyền sum họp, những người lính biên phòng tại đồn Biên phòng Tả Gia Khâu (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai) vẫn đang vững đôi chân giữa miền sơn cước, chắc tay súng bảo vệ sự bình yên cho mỗi gia đình.
Đã nhiều năm qua, Tả Gia Khâu ở huyện biên giới Mường Khương được ví như mảnh đất “Trường Sa cạn” vì hầu hết quanh năm thiếu nước sinh hoạt, đặc biệt vào mùa khô. Có lẽ vì vậy, trong ký ức của những chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi đây, đáng nhớ nhất chính là những kỷ niệm cùng nhau vác nước đi rừng và tận dụng từng ca nước trong sinh hoạt.
Đến nay, điều kiện nguồn nước đã phần nào được cải thiện, song vẫn còn những khó khăn nhất định. Đặc biệt, do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các cán bộ, chiến sĩ nhận thêm nhiệm vụ ở các chốt chặn phòng dịch biên giới. Trung úy Tẩn A Bằng (Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu) vẫn nhớ như in những ngày cùng đồng đội khoác theo quân tư trang, nhu yếu phẩm, men theo đường mòn tìm nơi “khai thiên lập địa”. Thiếu thốn lớn nhất ở điểm chốt chính là nước sinh hoạt, cứ cách ngày, các chiến sĩ trẻ lại luân phiên về đồn vác nước sinh hoạt theo. Bởi vô cùng khan hiếm, nên nước ở đây được tái sử dụng một cách triệt để, mấy người chung nhau một ca nước theo “khẩu phần”.
Trò chuyện với chúng tôi, Trung úy Tẩn A Bằng chia sẻ: “Đã là người lính biên phòng, chúng tôi luôn xác định tư tưởng coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, vậy nên, chuyện ở lại trực Tết cũng không còn là điều quá xa lạ.
Tất nhiên, Tết là dịp để đoàn viên, ai cũng mong trọn vẹn, được quây quần đón Giao thừa bên gia đình, nhưng với người lính, bất cứ khi nào cũng đều mang sứ mệnh trên vai. Tôi biết, bố mẹ nào cũng mong con cái sum họp ngày Tết, nên trong lòng dù có chút buồn thoảng qua, nhưng tôi vẫn cố gắng động viên gia đình, hẹn sẽ sớm về thăm nhà.
Cũng may mắn là hiện giờ, các phương tiện liên lạc đã thuận tiện, khoảng cách đã rút ngắn lại. Đêm Giao thừa cũng có thể tranh thủ gọi Zalo, cả gia đình cùng trò chuyện, cảm giác như được đoàn viên bên gia đình, nhìn thấy bố mẹ, anh chị em và các cháu, tâm trạng tôi vui hẳn lên”.
Khi hậu phương cũng trở thành tiền tuyến
Đã tròn 20 năm nhận nhiệm vụ nơi biên cương Tổ quốc, nhưng số lần Thiếu tá Nguyễn Văn Hạnh (Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu) được về đón Tết đoàn viên với gia đình mới chỉ đếm trên một bàn tay.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hạnh nhớ lại: “Quê tôi ở Thái Bình và hiện tại, gia đình tôi vẫn ở đó. Bây giờ được cái là ngày nào cũng có thể gọi video về, động viên mấy mẹ con, nên cảm giác cũng đỡ nhớ hơn nhiều, không như ngày trước, liên lạc điện thoại còn rất khó khăn. Hồi mới ra trường, tôi nhận nhiệm vụ ở Đồn Biên phòng A Mú Sung, tôi còn nhớ là chưa có điện thoại di động, chủ yếu liên lạc qua thư tay, hơn tuần mới nhận được. Ở đồn có điện thoại bàn, nhưng thường chập chờn, không gọi được. Nhiều lúc muốn gọi về hỏi thăm gia đình là phải mượn xe của bà con, đi 15km từ đồn ra trung tâm xã khác để gọi điện. Hồi ấy, cả mấy xã chung nhau một chiếc máy bàn, nên nhiều khi phải xếp hàng mất nửa buổi mới đến lượt, nhưng chỉ được gọi khoảng 5 phút, là phải nhường cho người khác...”.
“Mặc dù đã xác định tư tưởng, nhưng nói thật, cũng có những lúc, nhất là ngày lễ Tết cảm giác vui buồn lẫn lộn, khó tả lắm. Vui vì trực Tết ở miền biên viễn cũng có đồng đội và bà con chung vui, lại tha hồ ngắm pháo hoa hay nghe tiếng pháo nổ đì đùng từ bên kia biên giới, nhưng cũng buồn vì sum vầy bên gia đình. Công tác trong quân ngũ 20 năm thì chắc chỉ khoảng 5 năm tôi về nhà ăn Tết, còn lại, cơ bản là trực Tết ở đơn vị, vợ con cũng đã quen với cảnh tôi xa nhà từ lâu.
Tôi có một người anh trai, cũng là bộ đội, nhưng công tác mãi tận trong Biên Hòa. Vì thế, anh em chúng tôi càng ít cơ hội được gặp nhau. Có năm, anh tôi được về nghỉ thì tôi lại trực Tết, hoặc ngược lại. Lâu lâu, anh ấy về thăm nhà vào ngày thường thì có khi anh em còn bố trí gặp nhau được, chứ căn đúng ngày Tết thì khó lắm. Mà suốt 20 năm qua, anh em tôi cũng chỉ mới gặp nhau có mấy lần, còn lại, chỉ hỏi thăm nhau qua điện thoại thôi”, anh bật cười.
Ngừng một lát, vị Thiếu tá Hạnh tiếp tục tâm sự: “Đồn Biên phòng Tả Gia Khâu là đồn xa nhất mà tôi từng nhận nhiệm vụ, lần gần nhất về thăm nhà cũng đã cách đây độ 7 tháng, mà tình hình dịch bệnh như hiện nay, khả năng năm nay tôi vẫn ở lại trực Tết.
Ở nhà, các con tôi cũng quen dần với cảnh bố mẹ vắng nhà. Vợ tôi làm bên y tế, kiểm soát dịch bệnh, nên trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bản thân bà xã cũng ở tuyến đầu chống dịch. Trong khi tôi công tác trên đồn, thì bà xã cũng nhiều hôm phải đi trực, tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, nên mỗi khi ở quê có ca nhiễm mới, tôi không khỏi lo lắng, nhưng rồi cũng chỉ biết dặn vợ con luôn cẩn thận. Dù không thể ở bên gia đình, nhưng hàng ngày tôi vẫn cập nhật thông tin về diễn biến dịch và động viên bà xã cùng hai con cùng nhau bước qua những giai đoạn thử thách”.
Mỗi năm vào thời khắc chuyển giao đất trời, với những người lính biên phòng, khoảnh khắc ở bên người thân vào dịp Tết trở nên thật hiếm hoi, quý giá. Mỗi chiến sĩ bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ nơi biên cương Tổ quốc luôn tâm niệm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Trung tá Khổng Hữu Huân (Đồn trưởng đồn Biên phòng Tả Gia Khâu) cũng cho biết: “Năm nào cũng vậy, đơn vị thường tổ chức gói bánh chưng trước gần một tuần, rồi đến ngày 30 Tết thì tổ chức ăn tất niên sớm để đảm bảo lịch trực. Một vài chiến sĩ còn có gia đình lên thăm và cùng ăn Tết sớm, lúc đó, gia đình của một chiến sĩ lại trở thành gia đình chung của cả đơn vị. Bà con trong bản cũng đến chung vui trong những ngày ấy”.
Vạt đào rừng lấp ló như muốn vén những làn sương lạnh cuối Đông, như thắp lên ngọn lửa ấm giữa khung trời Tây Bắc, đón một mùa Xuân ấm áp, ngọt ngào.
Tuệ Linh