Vietnamnet thông tin, theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, tết Hàn thực ở Việt Nam được bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc. Tuy vậy tết Hàn thực của nước ta vẫn mang những bản sắc riêng biệt, đậm nét văn hóa người Việt.
Tết Hàn thực vào ngày nào?
Theo lịch vạn niên, năm nay, Tết Hàn thực vào thứ 5 ngày 26/3 dương lịch. Vào ngày này, người Việt thường làm bánh trôi, bánh chay để cúng đất trời, tổ tiên.
Để phù hợp với văn hóa của người Việt, phong tục cúng Tết Hàn Thực cũng có nhiều thay đổi. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc - thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, người Việt không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường. Người Việt Nam cũng quen gọi ngày Tết này với cái tên dân dã là Tết bánh trôi, bánh chay nhiều hơn Tết Hàn thực.
Ý nghĩa về ngày Tết Hàn thực
Ở Việt Nam, Tết Hàn thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay và khi du nhập vào Việt Nam, ngày Tết Hàn thực có ý nghĩa tâm linh khác. Tết tháng 3 tại Việt Nam, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất.
Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày mùng 3/3 Âm lịch cũng cố gắng về với gia đình để được cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình. Truyền thống này đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, để rồi cứ đến ngày Tết Hàn thực, các gia đình lại nô nức chuẩn bị làm bánh trôi, bánh chay.
Trong ngày này, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng, bày tỏ lòng thành.
Bánh trôi, bánh chay chính kết tinh của văn hóa, bản sắc của người Việt, thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Theo báo Thời đại, bắt nguồn từ tích truyện “bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ”, bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển. Chính vì thế, bánh trôi, bánh chay của người Việt cũng không giống với người dân Trung Quốc mà mang trong mình đặc sắc riêng của nền ẩm thực Việt Nam.
Phong Linh (tổng hợp)