Những điều ít biết
Tuy đã có lịch sử phát triển tới gần 100 năm nhưng cộng đồng người Thủy đến nay chứa đựng nhiều điều bí ẩn và chưa được nhiều người biết đến. Dựa vào chỉ dẫn và phác thảo tra cứu, từ trung tâm “Thủ phủ miền đẹp” - Tuyên Quang, theo Quốc lộ số 2, chúng tôi ngược lên km 31, rẽ Bợ rồi qua Chiêm Hóa để vào Lâm Bình. Đến huyện Lâm Bình (huyện mới tách từ Chiêm Hóa), sau nhiều hỏi han người bản địa, chúng tôi mới tìm ra được nơi ở của người Thủy, ấy là Thôn Thượng Minh.
Thượng Minh được bao bọc xung quanh là những đỉnh núi chót vót. Đến với Thượng Minh trong những ngày này, chúng tôi mới cảm nhận rõ nét xuân nơi vùng sơn cước còn nguyên thủy và hoang sơ đến nhường nào. Xen lẫn dưới màu xanh tươi của cây cối lưu niên, những cây vông rừng sau một thời gian “ngủ đông” đã khẽ bung lộc, trổ những bông hoa đỏ tươi để đón nắng và gió xuân. Dọc đường vào các hộ gia đình, những cây đào vâm gốc cũng đang bung nụ, hé hoa để góp thêm màu sắc cho tiết xuân nơi đây thêm rực rỡ.
Theo người cao tuổi của thôn cho biết, người Thủy trước đây di cư từ mạn phía Bắc xuống. Ban đầu họ chọn xã Ngọc Minh (Vị Xuyên, Hà Giang) làm chỗ định cư. Nhưng không bao lâu, họ rơi vào tình trạng biệt lập với bên ngoài, chủ yếu quanh quẩn với cuộc sống tự cung tự cấp và duy trì đời sống hôn nhân theo kiểu nội hôn (hôn nhân theo dòng tộc và dòng họ). Cũng trong thời gian này, do ngôn ngữ tập quán khác lạ nên người Thủy còn được gọi với tên khác: Người Mèo nước.
Sinh sống ở đây đến vài chục niên trong cô quạnh lại kết hôn cận huyết, nên người Thủy đã đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”, có lúc số lượng tụt xuống còn 13 người. Thuở hoang sơ ấy, do không am hiểu khoa học đặc biệt là tình trạng hôn nhân cận huyết nên người Thủy cho rằng đất mình ở không hợp, nên họ đã đi đến quyết định thực hiện một cuộc thiên di lớn. Và, trong những nơi họ tỏa người đi tìm kiếm ấy thì miền đất có tên Thượng Minh được coi là hợp nhất.
Tết và những tập tục lạ
Những ngày giáp Tết này, theo tỉnh lộ 176, qua Đèo Gà, Chiêm Hóa để vào với Thượng Minh – nơi cư trú của người Thủy, không khí xuân đã lan tỏa muôn nơi. Tiếng bước chân rộn ràng, căng sức vượt qua núi để vào với miền sơn cước. Từ trên cao phóng tầm mắt xuống tiết xuân đã vương vít, “gõ cửa” từng căn nhà, cùng với đó là lửa củi hừng hực để luộc bánh, nấu rượu đãi khách trong mỗi hộ gia đình.
Theo những người già ở đây, Tết là lễ hội được người Thủy coi trọng nhất trong năm. Người Thủy không gọi ăn Tết mà gọi là thưởng Tết. Trong ngày Tết, có một niêm luật bất di bất dịch được người Thủy đề ra là con cháu dù đi xa đến mấy cũng phải về để vui xuân với gia đình. Nếu làm được như vậy thì sẽ được tổ tiên phù hộ cho tất cả các ngày trong năm.
Tết của người Thủy cũng hết sức đặc biệt. Người Thủy bắt đầu ăn Tết từ ngày 23 tháng Chạp đến hết 30 Tết. Trong những ngày này, ngoài việc anh em gia đình tụ hop, uống rượu, thưởng bánh, ôn lại những may rủi trong năm thì người Thủy cũng dành phần lớn thời gian để mời Thầy mo đến nhà cúng chúng sinh, cầu mong ông bà, tổ tiên về chứng giám lòng tốt và sự tưởng nhớ của con cháu.
Các món ăn trong ngày lễ Tết của người Thủy ngoài bánh, xôi thì không thể thiếu món thịt lợn. Người Thủy quan niệm rằng, lợn là vật nuôi gần gũi và hiền hậu với dân tộc mình, nên đến Tết, các gia đình dù có thiếu gì cũng không thể thiếu thịt lợn để cúng tế tổ tiên. Mâm cơm thết đãi khách quý và anh em họ hàng của người Thủy cũng rất độc lạ, các món ăn đều được bày hết ra mâm và hạn chế đến mức tối đa các vật dụng khác như bát, đĩa. Người Thủy quan niệm, “ăn cùng mâm, gắp cùng món” là “sợi dây” để người Thủy kết nối, đoàn kết và nhớ về những ngày tháng gian khó của mình.
Tết đến, Xuân về cũng là dịp để các nam thanh nữ tú của người Thủy đi tìm vợ, tìm chồng, nên mối duyên lành. Từ ngày về với vùng đất Thượng Minh, nhờ được mở mang vốn sống, người Thủy tân tiến, hiểu biết hơn. Họ giao lưu và nên duyên với các dân tộc khác như Dao, Mông, Pà Thẻn và kể cả người Kinh. Lên với Thượng Minh, tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của các thiếu nữ của một dân tộc thiên di tên Thủy hẳn sẽ khiến nhiều người xao xuyến. Thấp thoáng trong mỗi ngôi nhà, bìa rừng hay con suối, hình ảnh những thiếu nữ người Thủy với làn da trắng ngần thoắt ẩn, thoắt hiện nơi bìa rừng, dốc đá sẽ gieo lòng người những cảm mến khó quên.
Mùa xuân là mùa cái cuốc, cái cày được nghỉ, những bàn tay lam lũ trong năm của các chàng trai cô gái người Thủy được nhàn rỗi. Và đồng nghĩa với đó là mùa dựng vợ, gả chồng cũng rộn ràng nhất. Vào những ngày này, khi ông mặt trời sau một ngày đem ánh sáng ấm áp đến với Thượng Minh khuất dần dưới rặng núi, thì bên kia con suối trong xanh mang nước về cho bản làng người Thủy, những lời ca câu hát, lời hẹn thề của nam nữ người Thủy đã ngân lên.
Sau những buổi hẹn hò cùng trăng sao và gió núi vào ngày cuối năm này, khi xuân mãn, đào trút nốt những cánh hoa cuối cùng để nụ non xanh vươn lên cũng là lúc Thượng Minh lại rộn ràng với những đám cưới. Những mối duyên lành ấy sẽ “đâm chồi nẩy lộc”, hòa chung sức sống của mùa Xuân mới…
XUÂN THẮNG