Tết là… ông ngoại

Tết là… ông ngoại

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 5, 23/01/2020 15:03

Tết trong ký ức của nhiều bạn bè đồng trang lứa có lẽ là những vầng pháo hoa rực rỡ, là những phong bao đỏ lì xì, là những cánh hoa đào khoe sắc thắm, là diện quần áo mới du xuân,… hội tụ như một kho tàng chuyện Tết đa sắc. Với tôi, Tết trong suốt hành trình tuổi ấu thơ là chiếc bánh chưng con của ông ngoại.

Ông ngoại là cả bầu trời

Tôi ở với ông ngoại gần như từ thuở lọt lòng. Chính xác là từ khi 9 tháng tuổi, mẹ gửi tôi về nhà ngoại để cai sữa, mà đến tận năm 6 tuổi, bắt đầu vào lớp 1, tôi mới trở lại thành phố sống với bố mẹ. Mỗi dịp nghỉ hè hay Tết đến, tôi vẫn “ở lì” nhà ngoại không chịu về.

Bởi thế, không gian của tôi, bầu trời của tôi luôn ngập tràn ký ức về ông ngoại.

Vóc người nhỏ nhắn, ông là cựu chiến binh chống Mỹ, từ độ 13, 14 tuổi ông đã trốn nhà đi lính, rồi lạc gia đình. Mỗi tối, nghe ông ngâm nga mấy câu thơ, hát vè và hồi tưởng lại những ngày tháng “mặc áo xanh” đã trở thành món điểm tâm không thể thiếu cho giấc ngủ ngọt ngào của tôi.

Tết đến, nhà nào cũng tất bật chuẩn bị thật tươm tất, đủ đầy. Nhà ngoại tôi cũng thế, và món quà tâm đắc nhất của ông ngoại chính là gói bánh chưng, cứ mỗi độ 28 Tết, tôi lại được ngắm nghía những chiếc bánh vừa to vừa dày, lại vuông và đẹp mắt.

Hình như tôi chưa kịp khoe, bánh chưng ông ngoại tôi gói nức tiếng cả làng, về độ dẻo thơm, béo ngậy mà vỏ xanh như búp đào. Không chỉ chọn nguyên liệu tươi ngon, ông ngoại có một kỹ thuật gói vô cùng điêu luyện, chỉ vài thao tác sau khoảng 3 phút, đã hoàn thành một chiếc bánh vuông đều và đẹp, nhìn có vẻ khá đơn giản nhưng kỳ thực lại rất công phu. Người trong làng ai cũng muốn đặt ông tôi gói bánh Tết, nhưng ông không có đủ thời gian, chỉ gói tặng mỗi gia đình một cặp làm quà.

Bánh chưng là loại bánh duy nhất được lưu truyền trong dòng chảy lịch sử, cũng có thể coi là quốc hồn quốc túy của ẩm thực Việt, là món đặc sản Tết không gia đình nào có thể thiếu mỗi dịp Tết cổ truyền. Ông ngoại tôi yêu món bánh này từ những ngày còn nhỏ, khi gia đình còn khó khăn trăm bề, thích lắm mà không có điều kiện thưởng thức, nên sau này ông đã tự học gói những chiếc bánh chưng vừa đẹp vừa ngon.

Tết năm nào ông ngoại cũng dành tâm tư chọn lựa nguyên liệu tươi ngon nhất, chuẩn bị sẵn những tàu lá dong xanh ngắt trong vườn, trổ tài gói cả trăm chiếc bánh, vừa để bày Tết, để ăn, để biếu tặng bà con chòm xóm như một thức quà gói ghém bao tình cảm.

Chiếc bánh chưng con

Nhưng những chiếc bánh “khổng lồ” ấy cũng chỉ như bức tranh đẹp mắt để tham quan trong mắt tôi, tôi chỉ thực sự thích thú với những chiếc bánh có thể gọi là tí hon, nằm gọn trong hai bàn tay bé xíu của mình.

Một lớp gạo nếp trắng mỏng, một nắm đỗ xanh, vì tôi thích ăn đỗ, kèm thêm một miếng thịt nạc, quẹt thêm chút mỡ rán vào cho ngậy ngậy, chứ tôi không ăn được thịt mỡ thái miếng. Tính ra, gói bánh nhỏ, nhưng ông ngoại lại phải đặt thêm vào đó đôi ba phần tỉ mỉ hơn, vì bàn tay người lớn phải khum khum chiếc bánh sao cho vừa vuông vừa chặt, kẻo khi luộc, bánh sẽ bị vỡ tung. Được khoảng chục chiếc, ông lấy dây lạt, xâu thành một chuỗi, để khi luộc xong, tôi có thể vừa ăn vừa xách đi chơi đồ hàng, đi khoe với mấy nhỏ bạn nhà hàng xóm kế bên.

Đó là những chiếc bánh chưng đặc biệt, ông gói cho riêng tôi thưởng thức. Tôi là đứa trẻ ra đời sớm nhất trong gia đình, nên mọi tình yêu thương khi đó, ông ngoại dồn hết cho tôi, chiều tôi hết mức.

Ông vừa gói bánh, vừa ngâm nga mấy câu hát vè, hát “chế” vui nhộn thời lính, rồi làm mấy động tác thú vị để chọc tôi cười. Tôi ngồi bên cạnh chậu gạo nếp trắng thơm, cứ vừa định cho hai tay vào nghịch, lại mải mê theo những lời hát của ông.

Đêm đó, ông thức trông nồi bánh chưng, thể nào cũng có tôi líu ríu quấn lấy chân ông, vòi ông kể những câu chuyện mà có lẽ tôi nghe nhiều đến mức có thể tự kể “nằm lòng”. Có thể, tôi đã ngủ quên, cuộn tròn ngày trong tấm chăn bông ấm áp trên chiếc chiếu gần bếp luộc bánh, nhưng ông vẫn ngồi say sưa kể.

Chiếc bánh tí hon chỉ vài tiếng là chín, ông sẽ vớt ra, chờ một lúc rồi đánh thức tôi dậy thưởng thức.

Có ai đã từng nếm hương vị chiếc bánh chưng vừa mới luộc chín, vẫn còn hơi ấm, những hạt gạo dẻo thơm hòa quyện cùng nhân bánh như tan trong miệng?

Cảm giác ngồi co ro giữa đêm đông mà có miếng bánh chưng thơm ngậy cạnh nồi bánh, giống như một tiểu công chúa được cưng chiều vậy. Đó là suy nghĩ hồi bé của tôi.

Hương vị ông ngoại

Nhiều năm sau đó, khi các em tôi ra đời, tôi vẫn được ông ngoại gói riêng một chùm bánh chưng con để thưởng thức trong dịp Tết.

Nhưng rồi, từ khi tôi học lên cấp ba, ông ngoại không còn gói bánh chưng mỗi Tết nữa. Đôi tay gân guốc của ông yếu dần, run run từng nhịp vì tuổi tác chẳng chịu tha ai. Thiếu chiếc bánh của ông, tôi cũng chẳng mấy khi nếm lại vị của món bánh truyền thống này, có Tết không đụng đũa một hạt gạo trong miếng bánh chưng.

Khi tôi nhắc đến chuyện tôi thèm bánh chưng con, ông ngoại cười móm mém bảo tôi: “Tay ông không còn “dẻo” như ngày trước nữa thì gói bánh chưng cũng sẽ không dẻo đâu. Chỉ chờ cháu gái trổ tài xem bánh có dẻo như ông không”.

Tôi cũng đã học hỏi gói bánh chưng, mấy năm gần đây, tôi đều dành ngày 28 Tết về gói bánh chưng cho ông ngoại. Những chiếc bánh của tôi, từ ban đầu hơi méo, hơi lệch, cũng được chỉnh nắn dần, quen tay thành những chiếc bánh vuông vức chẳng kém gì của ông.

Nhưng tôi vẫn không khỏi thèm những chiếc bánh chưng con của ông ngoại, nhớ đến nao lòng. Có lẽ, những chiếc bánh chưng con đó đặc biệt vì ngoại còn gói cả sự yêu thương dành cho tôi.

Thủy Tiên

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.